Trang chính

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Ép học trò mua sách đạo đức của hiệu trưởng

Vài ngày qua, nhiều phụ huynh và học sinh trường THPT Đồng Hòa (Q.Kiến An, Hải Phòng) đang xôn xao trước việc mỗi học sinh lớp 10 của trường bị bắt buộc phải mua 3 cuốn sách “đạo đức” do nhà trường tự biên soạn với giá 30.000 đồng.
Ba cuốn sách các học sinh lớp 10 trường THPT Đồng Hòa buộc phải mua.

Theo thông tin từ một số phụ huynh và học sinh của trường, mỗi học sinh bắt đầu bước chân vào lớp 10, trường THPT Đồng Hòa đều buộc phải mua 3 cuốn sách do nhà trường tự biên soạn, do hiệu trưởng Đỗ Thị Lai làm chủ biên. Sẽ không có gì đáng nói nếu những cuốn sách này không có bố cục lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản.
Nhiều nội dung gây sốc
Những cuốn sách nằm trong “diện” bắt buộc học sinh phải có, gồm: Tập bài Đạo đức; Tập bài hát Khát vọng tuổi trẻ và cuốn Tài liệu dùng cho học sinh THPT Đồng Hòa. Ngoài sách, học sinh của trường cũng phải mua vở viết tại đây có bìa in ảnh ngôi trường Đồng Hòa. Những cuốn vở, giấy mỏng và xấu được bán với giá 9.000 đồng/cuốn, mỗi học sinh trước mắt phải mua 20 cuốn/học sinh.
Cuốn sách “Tập bài đạo đức” do Thạc sĩ, Hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa, Đỗ Thị Lai làm chủ biên, thực sự đã gây “sốc” cho nhiều người bởi ngôn từ sáo rỗng, không phù hợp với lứa tuổi và thể hiện trình độ yếu kém của người viết, khi nhầm lẫn tục ngữ, ca dao, thành ngữ và nội dung không hề ăn nhập với nhau. Tập sách gồm 16 bài với những nội dung răn dạy đạo đức khác nhau. Theo lời một số học sinh trường THPT Đồng Hòa, tuy không được dạy trong giờ lên lớp chính nhưng các em phải viết bài thu hoạch, nộp để chấm điểm.
Tập sách là tập hợp nhiều đoạn văn gây “sốc”, với những từ ngữ thô kệch gây cảm giác “rờn rợn” cho người đọc. Ngay trong bài học đầu tiên về “Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng”, tác giả viết: “Ăn quà bánh phải vứt rác đúng nơi quy định. Khạc nhổ, xỉ mũi phải tìm nơi thích hợp. Khi đi xe trên đường muốn khạc nhổ thì phải lưu ý có người đang đi sau mình, đề phòng có gió thổi đờm hoặc nước rãi bay vào mặt người ta…”. Bài học thứ 2 về “Cách cư xử với ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác”, có đoạn: “Biết ơn ông bà, các cháu phải thể hiện ở chỗ nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe). Các cháu phải dành miếng ăn ngon cho ông bà, dành vải đẹp may áo cho ông bà. Ông bà khi tuổi đã già, sức đã yếu… có khi còn mang bệnh nọ tật kia…”.
Những bài giảng “không giống ai”
Trong bài “Cách cư xử với anh chị em trong gia đình”, tác giả viết: “Nếu làm anh, làm chị thì phải rộng lượng… Điều gì em chưa hiểu hoặc chưa ngoan cần lựa lời giảng giải, khuyên bảo, không cáu gắt, phỉ nhổ, mạt sát dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Bài "Trang phục khi ra đường": "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!".
Với cuốn “Tài liệu dùng cho học sinh trường THPH Đồng Hòa”, mỗi học sinh buộc phải mua với giá 10.000 đồng/cuốn. Cuốn tài liệu này cũng vô cùng “đặc biệt” ở chỗ, nội dung trong đó đều là những: nội quy học sinh; quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh; hướng dẫn các bước tiến hành xử lý học sinh vi phạm… Một phụ huynh học sinh xin giấu tên bức xúc: “Thường thì các quy định thưởng phạt, các trường sẽ tuyên truyền miễn phí hoặc dán thông báo ở bảng tin trường. Tôi chưa từng thấy ở đâu bán những thông tin về quy định như ở đây. Đáng ra, các giáo viên mới là những người cần nghiên cứu hơn ai hết về những quy định này”. Vị phụ huynh này cũng cho rằng, nội dung giảng dạy tại trường THPT phải là sách giáo khoa, tài liệu chính thức của Bộ GD-ĐT được qua kiểm duyệt, sách ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nội dung phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, chứ không thể là những cuốn sách như trên.
Phương Trà
Nguồn: Tin Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét