Trang chính

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Giải cứu 23 trẻ em bị bóc lột sức lao động

(TNO) 23 trẻ em tuổi từ 12 - 16 bị chủ giữ trong nhà, bắt lao động quần quật 14 giờ/ngày. Một số em không chịu được cực khổ đã bỏ trốn tìm đường về bản tận tỉnh Điện Biên.
Chiều 29.9, tại khu vực làm thủ tục hải quan nhà ga trong nước sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhiều hành khách không khỏi chú ý đến nhóm em nhỏ có vẻ ngoài chân chất.
Đây là 23 trẻ em vừa được Phòng CSĐT phòng chống tội phạm mua người thuộc Cục Cảnh sát Hình sự (cơ quan đại diện phía Nam - C45B) Bộ Công an giải cứu từ hai cơ sở may gia công ở Q.Tân Phú (TP.HCM).

Những em được giải cứu có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị bay ra Hà Nội, sau đó đi xe đò về nhà - Ảnh: Trần Duy
Từ lời kể của một em nhỏ ở bản Tà Lếch (xã Mường Trung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vừa thoát khỏi một cơ sở may ở Q.Tân Phú (TP.HCM), cơ quan điều tra phát hiện một người đàn bà thường lân la đến những nhà có con nhỏ ở các bản Tà Lếch, Cò Ngưu, Là Áng dụ dỗ cha mẹ cho các em vào TP.HCM làm việc.
Người đàn bà này tên Lê Thị Dục (SN 1943, hộ khẩu thường trú ở thôn Binh Cầu, xã Hoài Thượng, H.Thuận Thành, Bắc Ninh; hiện ngụ tại địa chỉ 229/64/41/6 Tây Thạnh, Q.Tân Phú). Từ tháng 2 đến tháng 7.2011, bà Dục đã nhiều lần tìm về các bản hẻo lánh tìm trẻ em.

Đi bộ về bản
Do không được ăn no, bị phạt vì lao động không đạt yêu cầu của chủ; và vì khổ cực nên 4 em đã tìm cách bỏ trốn, đi lang thang xin ăn với ý định đi bộ về quê ở tỉnh Điện Biên.
Ngày 20.9, C45B phối hợp với công an P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú tiến hành xác minh nhà số 169/80/5 Tây Thạnh do Lê Thế Tuấn (SN 1976) làm chủ. Tại đây, các trinh sát đã phát hiện 3 trẻ em đang làm thợ cắt chỉ và thợ may. Tiếp tục kiểm tra nhà số 229/64/41/6 Tây Thạnh kế bên do Lê Hồng Quang (SN 1981) làm chủ, thì phát hiện thêm 9 em khác cũng đang làm công việc trên. 
Được biết, Tuấn và Quang là con ruột của bà Dục.
Làm việc với cán bộ điều tra của C45B, bà Dục khai từng nhiều lần ra xã Mường Mun, Mường Trung, huyện Tuần Giáo, Điện Biên tuyển 23 trẻ em có độ tuổi từ 12 - 16 tuổi đưa vào TP.HCM giao cho Tuấn, Quang làm thợ cắt chỉ và thợ may trong thời gian 2 năm với mức lương 500.000 đồng/tháng...
Các em được chủ cho ăn, ở nhưng chỉ được phép quanh quẩn trong bốn bức tường, không được phép ra ngoài và không có hợp đồng lao động.
Cũng theo bà Dục, bà có làm giấy thỏa thuận, cam kết với cha mẹ 14/23 trẻ đưa các em vào TP.HCM làm thợ cắt may... Những gia đình còn lại, bà Dục chỉ thỏa thuận... miệng.
Trước khi đưa các em ra khỏi bản, bà Dục ứng tiền cho cha mẹ các em từ 1 triệu đến 3,5 triệu đồng. Số tiền công hằng tháng, bà Dục sẽ trả trực tiếp cho các gia đình sau 2 năm hết “hợp đồng”.
Khi được cơ quan điều tra mời đến làm việc, bà Dục đã giao cho công an thêm 6 em nhỏ. Một số em khác, bà Dục khai không biết hiện đang lưu lạc ở đâu...

Các em nhỏ vừa được C45B phối hợp với Công an P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM) giải cứu - Ảnh: Vy Anh
Mở rộng xác minh, ngày 21.9, C45B tiếp nhận thêm 4 trẻ em hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Đây là số trẻ em do bà Dục tuyển vào TP.HCM làm tại cơ sở của Tuấn và Quang. Nhưng do các em không được ăn no, bị phạt do lao động không đạt yêu cầu của chủ và vì khổ cực nên đã tìm cách bỏ trốn, đi lang thang xin ăn với ý định đi bộ về quê ở tỉnh Điện Biên.
Chiều 29.9, hãng hàng không Jetstar Pacific đã hỗ trợ vé máy bay cho các em về Hà Nội. Từ đây các em sẽ đi tiếp xe đò để trở về với bản làng, gia đình mình ở Điện Biên.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, với tài liệu thu thập được, việc bà Dục, Tuấn và Quang tuyển dụng các em tuổi từ 12 - 16 ở Điện Biên vào TP.HCM làm thợ cắt chỉ, thợ may là vi phạm các quy định về việc sử dụng lao động trẻ em, theo quy định của Bộ luật lao động.
Hiện Cục Cảnh sát Hình sự tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM và các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ và xử lý các vi phạm đối với bà Dục, Tuấn, Quang.
Những ngày cực khổ
Trước khi lên chuyến bay miễn phí BL802 của Jetstar Pacific ra Hà Nội để về nhà, một số em đã kể lại những ngày dài đầy cơ cực.
Q.V.K (SN 1993) và Q.V.T (SN 1992) cho biết, các em phải thức dậy lúc 6 giờ sáng và làm liên tục đến 11 giờ; buổi chiều từ 14 giờ đến 23 giờ trong hơn 6 tháng.
Theo K. và T. kể lại, các em không được ăn no, sinh hoạt không thoải mái. Lỡ tay làm hỏng hàng thì bị chủ dùng thước của thợ may đánh vào lưng... Hàng ngày, các em phải làm việc quần quật từ 12 - 14 tiếng.
Trần Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét