Trang chính

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Ấn Độ, Trung Quốc mâu thuẫn vì dầu khí

Jeremy Page (Bắc Kinh) và Tom Wright (New Delhi)
23-9-2011
Ấn Độ đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp chủ quyền phức tạp và ngày một căng thẳng hơn trên biển Hoa Nam (Biển Đông – ND), với việc Trung Quốc liên tục cảnh cáo ONGC – công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ – rằng kế hoạch khai thác chung của ONGC với Việt Nam đang đi đến chỗ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đáp lại lời cảnh báo gần đây nhất của Trung Quốc bằng việc nhắc lại cam kết của Ấn Độ là sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác năng lượng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang rối lên vì tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Trong khi đó, ONGC cho hay, họ có kế hoạch tiếp tục thăm dò vào năm tới, tại một trong hai lô còn lại trong khu vực. Trước đây, họ đã phải dừng công việc ở đó lại do đáy biển quá cứng, và hồi năm ngoái thì họ cũng đã ngừng khai thác một lô khác nữa do không đủ năng lực sản xuất.
Chủ tịch ONGC A.K. Hazarika nói: “Chúng tôi có kế hoạch khởi động lại việc khoan thăm dò ở đó. Bộ Ngoại vụ (Ấn Độ) vừa thông báo với chúng tôi rằng lô này nằm sâu trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, cho nên khai thác ở đấy không có vấn đề gì cả”.
Cuộc đấu khẩu công khai diễn ra sau một sự cố bất thường hồi tháng 7, khi mà, theo chính phủ Ấn Độ, một tàu hải quân Ấn Độ đến Việt Nam – trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng song phương mở rộng giữa hai nước –  đã nhận được cảnh báo qua radio rằng họ đang đi vào vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc bác bỏ thông tin của chính phủ Ấn Độ, nói là “vô căn cứ”.
Các nhà phân tích cho rằng mâu thuẫn mới này giữa hai nước khổng lồ về kinh tế và quân sự ở châu Á – vốn từng giao tranh một lần ngắn ngủi tại vùng biên giới tranh chấp trên bộ ở Himalaya vào năm 1962 – làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trên Biển Đông.
Năm nay, Trung Quốc – kẻ chiến thắng trong cuộc chiến năm 1962 – đã tham dự vào vài cuộc đấu khẩu giận dữ và vài sự vụ trên biển với Việt Nam và Philippines. Cả hai nước này cũng đang gia tăng tiềm lực quân sự và quan hệ quốc phòng với Mỹ để đối chọi lại với cái mà họ coi là sự ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đã và đang ngăn cản sự phản đối của Trung Quốc đối với các hoạt động giám sát hàng hải của Mỹ ở khu vực, đồng thời ra sức khuyến khích các đồng minh và đối tác cùng phe dân chủ, nhất là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Biển Đông, nơi bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần hết, được đánh giá là rất giàu dầu khí – mặc dù chứng minh điều này quả là khó do vướng các tranh chấp chủ quyền – và là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Hiện Biển Đông cũng là một trong những điểm nóng chủ chốt ở khu vực, khi các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang củng cố tiềm lực quân sự và tìm kiếm năng lượng cũng như các nguồn khác họ cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bắc Kinh lo ngại rằng các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác đang trở nên chủ động hơn, và bất kỳ hành động chiếm hữu thực tế và/ hoặc khai thác nào đều tạo ra lòng tin và sức mạnh mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai” – ông Jingdong Yuan, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Đại học Sydney, nhận định.
Một trong những lời cảnh cáo gần đây nhất của Trung Quốc dành cho Ấn Độ là vào hôm thứ Năm, xuất hiện trong một bài viết trên website của Nhân dân Nhật báo – tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản. Bài do phóng viên của tờ này ở Việt Nam và Ấn Độ cùng viết, và không được đăng tải trên báo giấy.
Bài báo viết: “Thật không đáng để Việt Nam và Ấn Độ làm tổn hại đến các lợi ích lớn hơn – đó là hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ, và toàn khu vực – chỉ vì một vài lợi ích nhỏ nhặt trên Biển Đông”.
Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng nhắc lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực: “Bất kỳ công ty nước ngoài nào tham gia các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà không có sự đồng ý của Trung Quốc, đều là xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đây là việc làm bất hợp pháp và vô hiệu lực”. Ông Hồng Lỗi tuyên bố như vậy trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Vishnu Prakash, phát ngôn viên Bộ Ngoại vụ Ấn Độ, tỏ ý không quan tâm đến bài báo của Nhân dân Nhật báo, cũng như vụ việc xảy ra với tàu hải quân Trung Quốc, và từ chối bình luận về các tin bài trên báo chí, cho rằng Trung Quốc đã có phản đối chính thức bằng con đường ngoại giao đối với kế hoạch của ONGC.
Nhưng ông Vishnu Prakash cho hay, Ấn Độ tin tưởng mãnh liệt vào quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và sẽ tiếp tục khai thác dầu khí trong khu vực, như là một phần của “công cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng”.
Ông nói: “Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và trong khi hợp tác mật thiết với Trung Quốc thì chúng tôi cũng hợp tác mật thiết với Việt Nam”.
Vài năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã và đang thúc đẩy quan hệ kinh tế, nhưng nhiều quan chức và chuyên gia Ấn Độ vẫn ngầm lo sợ về tiềm lực quân sự ngày một gia tăng của Trung Quốc và việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra các nước láng giềng, đặc biệt là Pakistan.
Đáp lại, Ấn Độ đã xây dựng quan hệ quốc phòng và thương mại chặt chẽ hơn với Mỹ và nhiều đồng minh và đối tác khác trong khu vực, gồm cả Việt Nam. Ông S.M. Krishna, Ngoại trưởng Ấn Độ cũng vừa thăm Việt Nam hồi tuần trước.
Chi nhánh ở nước ngoài của ONGC là ONGC Videsh nắm giữ phần lớn đầu tư của Ấn Độ ở Việt Nam.
Họ điều hành một mỏ khí, lô 06.1 ở vũng Nam Côn Sơn, ngoài khơi phía Nam Việt Nam, liên doanh với TNK-BP và PetroVietnam. Cho đến nay việc này chưa bị Trung Quốc phản đối.
Năm 2006, ONGC Videsh cũng đã giành được một hợp đồng khai thác chung với PetroVietnam ở lô 127 và 128 ở vũng Phú Khánh, nằm hơi xa về phía bắc. Vào lúc đó, Trung Quốc đã phản đối, nói rằng cả hai lô đều thuộc vùng biển của họ, và cho đến nay họ vẫn khăng khăng giữ quan điểm đó – căn cứ vào bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo.
Hôm thứ Năm vừa qua, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng cả lô 127 lẫn lô 128 đều nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông từ chối bình luận thêm.
Năm nay, Việt Nam đã tiến hành cấp phép một loạt cho các lô dầu mà theo họ là không nằm trong vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ nêu chính xác, cụ thể phạm vi các tuyên bố chủ quyền của họ.
Người phát ngôn của ONGC Videsh cho biết, công ty hiện tại chỉ khai thác ở lô 128, đã dừng khai thác lô 127. Nhưng bà từ chối bình luận về việc liệu công ty có các kế hoạch thăm dò khai thác trong tương lai với Việt Nam hay không.
Một công ty Ấn Độ khác, tập đoàn Essar, đã ký hợp đồng khai thác chung một lô dầu khí khác ngoài khơi Việt Nam. Phát ngôn viên của Essar nói rằng lô này không nằm trong vùng biển “gây tranh cãi”, và Essar không có kế hoạch dự thầu để giành thêm hợp đồng khai thác ở Việt Nam.
Nguyen Anh Thu (Hà Nội) và Rakesh Sharma (New Delhi) tham gia giúp tác giả hoàn thành bài viết này.
Thủy Trúc dịch từ The Wall Street Journal
Nguồn: Anh Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét