Trang chính

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Vì sao phương tây thay đổi thái độ đối với trung quốc

Trung Quốc ngày một chú ý vấn đề hình ảnh quốc tế của mình. Nước lớn cần có hình ảnh tốt, tức cần sức mạnh mềm. Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án lớn (Học viện Khổng Tử, truyền thông hướng ra nước ngoài v.v..) nhằm thay đổi hình ảnh quốc gia mình.

 Hồ Hải lược dịch

Thời gian gần đây phương Tây cấp tốc thay đổi cách nhìn nhận Trung Quốc, tuy rằng trước kia họ chưa bao giờ nhất trí về chuyện này. Tình hình mới đây có hai điểm rất đáng chú ý.
Thứ nhất, thời gian qua ngôn từ phương Tây nói về Trung Quốc có xu thế “giật lùi lớn”, đã từ các kiểu “Thuyết Trung Quốc đe dọa” thời kỳ đầu, chuyển sang “Thuyết lợi ích tương quan” và “Thuyết trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc”, thậm chí đầu năm nay xuất hiện “Thuyết tác dụng lãnh đạo của Trung Quốc”, tức diễn biến về phía tích cực. Nhưng gần đây nhất, các ngôn từ chủ yếu nói về Trung Quốc lại là “tự tin” (assertiveness), “có tính tấn công” (aggressiveness) và “đe dọa” (threat), đều có ý nghĩa tiêu cực. Có thể thấy điều đó từ một chuyên đề dài 14 trang giật tít “Những mối nguy hiểm của một Trung Quốc trỗi dậy” (The dangers of a rising China) trên báo Nhà kinh tế (Economist) số gần đây.
Thứ hai, quan điểm của phương Tây về Trung Quốc hiện nay tương đối nhất trí. Trước kia họ có chia rẽ lớn, người phản đối, kẻ ủng hộ Trung Quốc. Nay thì rất nhiều nhân vật (chính quyền, các thinh tank, học giả lớn) trước đây thân thiện với Trung Quốc nay cũng chuyển biến trở nên phê phán mạnh Trung Quốc.  Sự thay đổi ấy có nguyên nhân rất phức tạp, nói đích xác thì thay đổi bắt đầu từ sau vụ chìm tàu Cheonan ở bán đảo Triều Tiên. Sau vụ này, Trung Quốc không lên án Triều Tiên, kết quả khách quan là khiến bên ngoài kết luận Trung Quốc đứng sau Triều Tiên. Trên thực tế, một số động thái trong quan hệ cấp cao Trung Quốc-Triều Tiên gần đây đã làm sâu sắc thêm kết luận đó.
Bất đồng bắt đầu mở rộng từ vụ tàu Cheonan
Sau vụ Cheonan là vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là biển Đông]. Do Mỹ cho rằng Trung Quốc không làm hết trách nhiệm trong vụ Cheonan nên họ trách móc Trung Quốc trên các vấn đề khác; và họ nêu ra vấn đề Nam Hải.  Trước đây dù các nước Đông Nam Á ra sức “mời” Mỹ can dự vấn đề này song Mỹ không đáp ứng. Sau vụ Cheonan, Mỹ không những sảng khoái đáp ứng mà còn chủ động “tấn công”.
Ngay sau đó lại xảy ra vụ tàu Trung Quốc và Nhật đâm nhau tại đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku]; rõ ràng Mỹ đứng về phía Nhật.
Gần đây nhất, vụ Triều Tiên pháo kích đảo Hàn Quốc chẳng những làm phức tạp tình hình Đông Á mà còn tăng tốc quan điểm tiêu cực của phương Tây đối với Trung Quốc.
Dĩ nhiên Trung Quốc không nhìn nhận như thế. Rất nhiều người Trung Quốc cho rằng trên tất cả các vấn đề này Trung Quốc đều bị động cuốn vào hoặc bị động đáp trả, thậm chí là “kẻ bị hại”. Mục tiêu của Trung Quốc trên các lĩnh vực bán đảo Triều Tiên, Đông Hải [biển bao bọc phía Đông đại lục Trung Quốc], Nam Hải đều ổn định. Chỉ khi có vấn đề này nọ thì chính phủ Trung Quốc mới có đáp trả, và theo đuổi mục tiêu ổn định. Hơn nữa Trung Quốc cho rằng nhân tố Mỹ làm cho tất cả các vấn đề đó phức tạp hóa. Rất nhiều người Trung Quốc khó hiểu sự thay đổi quan điểm của phương Tây về Trung Quốc.
Rõ ràng, nhận thức của Trung Quốc khác biệt rất lớn với phương Tây, thậm chí đối lập. Trung Quốc ngày một chú ý vấn đề hình ảnh quốc tế của mình. Nước lớn cần có hình ảnh tốt, tức cần sức mạnh mềm. Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án lớn (Học viện Khổng Tử, truyền thông hướng ra nước ngoài v.v..) nhằm thay đổi hình ảnh quốc gia mình.
Nhưng trên thực tế, vấn đề hình ảnh Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Người nước ngoài ngày một lo ngại Trung Quốc. Sau khủng hoảng tài chính, Trung Quốc vẫn phát triển như cũ còn phương Tây mãi không phục hồi, điều đó càng làm cho lòng tự tin của phương Tây chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trung Quốc có trách nhiệm lớn tạo điều kiện giúp phương Tây hiểu Trung Quốc, cần cố gắng thay đổi hình ảnh của mình để phương Tây chấp nhận. Sự trật khấc nghiêm trọng giữa hành vi quốc tế của Trung Quốc với “hình ảnh Trung Quốc” mà Bắc Kinh muốn tạo dựng, là một trong các nhân tố chính làm cho phương Tây thay đổi nhận thức về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thay đổi hành vi quốc tế thì rất khó cải thiện hình ảnh của mình.
Về mặt này, tại Trung Quốc từ trung ương tới tầng lớp quan chức và xã hội đều tồn tại rất nhiều vấn đề, nó thường xuyên thúc đẩy nguyện vọng tốt của Trung Quốc về phía kết cục Trung Quốc không muốn có.
Thiếu cơ cấu phối hợp ngoại giao ở tầng cao
Tầng quyết sách ở Trung Quốc không có quyền lực ngoại giao hữu hiệu và cơ chế quyết sách, khiến cho Trung Quốc chỉ có thể phản ứng bị động trước rất nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Tác giả từng nhấn mạnh, từ lâu vai trò ngoại giao của Trung Quốc đã có xu thế đa nguyên hóa, liên quan tới Bộ Ngoại giao, Ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng, Bộ Thương mại, Bộ An ninh, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp quốc doanh lớn, chính quyền địa phương và lực lượng xã hội v.v…; các đơn vị này có lập trường và lợi ích riêng của mình, có quan điểm riêng về ngoại giao Trung Quốc. Tại quốc gia nào cũng thế cả, khác nhau ở chỗ các nước lớn khác có cơ cấu điều phối đã thể chế hóa cao độ, còn Trung Quốc thì chưa có.
Cơ cấu điều phối, như Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ, phần lớn đều là cơ cấu có hoạt động thực sự hiệu quả, không chỉ điều hòa ý kiến và lợi ích của các bên mà còn nghiên cứu và phân tích sâu sắc các vấn đề quốc tế lớn. Trung Quốc cũng có các cơ cấu tương tự nhưng chỉ là hình thức, thiếu nghiên cứu phân tích các vấn đề quốc tế lớn, lại càng không thể nói tới có dự kiến gì. Nghiêm trọng hơn là khi xảy ra sự kiện lớn thì không biết nên phản ứng có lý trí như thế nào.
Trung Quốc là nước lớn, lắm công việc nội bộ, tầng lớp lãnh đạo đa phần phải tập trung sức vào công việc nội bộ; điều đó có thể hiểu. Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc có được sự phát triển như thời kỳ vừa qua là nhờ trào lưu toàn cầu hóa, Trung Quốc đã là một trong vài cường quốc thương mại, có nền kinh tế thứ 2 thế giới. Điều quan trọng hơn là các lĩnh vực ngoại giao với nước xung quanh, địa chính trị, quan hệ với các nước lớn đang ngày một phức tạp. Điều đó đòi hỏi Trung Quốc phải có một cơ cấu quyền lực tối cao và cơ cấu quyết sách ở cấp cực kỳ có thẩm quyền để điều phối công việc đối ngoại.
Vì ở tầng cao thiếu một cơ cấu như vậy nên rất nhiều vấn đề đối ngoại rơi vào tay các quan chức tầng trung gian. Đã xuất hiện cực nhiều vấn đề ở tầng nấc này.
Trước hết, các quan chức tầng trung gian đang trở nên ngày một ngạo mạn. Tầng nấc này, dù là các bộ, ủy ban ở trung ương hoặc là chính quyền địa phương, đều là người chấp hành chính sách. Nhưng cùng với sự tăng trưởng kinh tế, một số quan chức này sinh ra cảm giác “Có tiền thì giỏi”, họ có quyền lực tự chủ quá lớn, dường như đã biến thành kẻ quyết sách.
Thứ hai, tiếng nói ngoại giao của tầng trung gian rất phức tạp. Trên một số lĩnh vực quan trọng, hệ thống ngoại giao chính thức ít có tiếng nói nhưng các ngành khác lại rất mạnh miệng. Gần đây một số người phía quân đội quá cao giọng, quá cứng rắn trên rất nhiều vấn đề. Sự tương phản ấy tạo ra cảm giác nhầm lẫn cho bên ngoài, tựa như quân sự thay thế ngoại giao. Chính quyền địa phương cũng vậy. Kết quả đã ảnh hưởng không tốt tới các quốc gia xung quanh Trung Quốc.
Tầng trung gian thường thiếu tư duy có lý trí. Thí dụ việc trình bày vấn đề Nam Hải. Vì vấn đề này liên quan tới nhiều quốc gia nên cách trình bày phải có tư duy ngoại giao tổng thể. Một số quan chức tùy tiện phát biểu ý kiến của mình mà không phân biệt trường hợp. Ngay nay, dù Trung Quốc chưa có văn bản chính thức công khai nói Nam Hải thuộc lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc, nhưng đúng là một số nước ASEAN và Mỹ đã hiểu như thế.
Thứ ba, tầng trung gian rất khó xuất phát từ lợi ích tổng thể quốc gia để xem xét và xử lý vấn đề, kết quả là chỗ cần cứng rắn thì không cứng rắn được, như vấn đề Triều Tiên; mà chỗ không nên cứng rắn thì lại tỏ ra cứng rắn vô hạn, thí dụ vấn đề nâng tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Trên vấn đề Triều Tiên, tuy Trung Quốc có tâm nguyện tốt là vì sự ổn định của bán đảo, nhưng lại để cho người ta có cảm giác Trung Quốc dù luôn luôn đứng sau Triều Tiên song lại luôn luôn không muốn thực sự chế ước Triều Tiên một cách hữu hiệu, như thế cứ từng bước Trung Quốc bị kéo đi theo. cuối cùng gây nên khủng hoảng.
Tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ dù không chỉ là vấn đề kinh tế mà cũng là vấn đề chiến lược, nhưng nhập siêu khổng lồ trong thương mại Trung Quốc-Mỹ đúng là vấn đề cần nhìn thẳng vào. Không giải quyết vấn đề đó thì kinh tế hai bên đều khó tiếp tục phát triển và đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ kinh tế thế giới. Thế nhưng Trung Quốc lại tỏ ra cứng rắn vô hạn. Điều đó không phù hợp lợi ích bản thân Trung Quốc. Có thể giải quyết vấn đề cân bằng thương mại theo cách nâng tỷ giá Nhân dân tệ hoặc tăng lương cho người lao động. Trung Quốc đều có không gian trên hai lĩnh vực này, nhưng lại không thể thi hành. Dĩ nhiên ở đây không thể coi nhẹ lợi ích của tầng lớp trung gian. Nếu họ bảo vệ lợi ích của họ thì tất nhiên lợi ích tổng thể của nhà nước sẽ bị thiệt hại.
Tình cảm chủ nghĩa dân tộc phi lý trí khiến nước ngoài lo ngại
Gần đây, nhất là từ khủng hoảng tài chính, cùng với sự phát triển kinh tế, một số nhà nghiên cứu của các think tank, cơ quan nghiên cứu, trường đại học Trung Quốc bắt đầu tỏ ra có thái độ quá tự tin, cứng rắn với nước ngoài. Thí dụ về quan hệ với Mỹ, trước kia mọi người nhấn mạnh hợp tác, nay thì “Thuyết đối lập, xung đột” Trung Quốc-Mỹ có xu thế trở thành ngôn từ chủ đạo trên rất nhiều mặt. Ở đây, cái làm cho phương Tây lo ngại nhất là tình cảm chủ nghĩa dân tộc của dân chúng Trung Quốc. Rất rõ ràng, nếu không thể xác lập chủ nghĩa dân tộc có lý trí thì chủ nghĩa dân tộc phi lý trí của dân chúng chẳng những có hại cho hình ảnh quốc gia mà cũng sẽ đem lại sức ép vô cùng lớn cho ngoại giao Trung Quốc.
Một số báo chí có tính thương mại thúc đẩy tình cảm chủ nghĩa dân tộc lên tới cực độ. Một số người chỉ biết tư duy yêu nước đơn giản, có những phản ứng yêu nước đơn giản. Trên một số vấn đề trọng đại, họ có biểu hiện của chủ nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn và chủ nghĩa dân túy. Trong môi trường chính trị Trung Quốc, kẻ cứng rắn bao giờ cũng có thể dùng chủ nghĩa yêu nước để tồn tại, còn những người có lý trí thì thường bị chửi bới, lên án. Trên mức độ rất lớn, Trung Quốc đã hình thành hai cái nạn của chủ nghĩa yêu nước: bị “đào tạo” để có phản ứng yêu nước theo bản năng, nhưng trên thực tế thì có hại cho lợi ích quốc gia.
Thời xưa khi Trung Quốc còn nhỏ yếu, chủ nghĩa dân tộc là thứ có thể thông cảm, vì nó là vũ khí của kẻ yếu. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã trỗi dậy, chủ nghĩa dân tộc bị mất phương hướng, thể hiện sự phi lý trí cực lớn. Hơn nữa, tính chất đối ngoại của chủ nghĩa dân tộc càng làm tình hình thêm phức tạp. Nhờ hòa nhập vào hệ thống quốc tế mà Trung Quốc trỗi dậy, Trung Quốc được lợi từ hệ thống đó và cũng đang đóng góp cho hệ thống đó. Trong tình hình này đã đến lúc Trung Quốc nên suy nghĩ về chủ nghĩa dân tộc kiểu bản năng. Trong thời đại toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc còn sinh tồn tiếp nhưng cái cần thiết là chủ nghĩa dân tộc có lý trí.
Dưới ảnh hưởng của tất cả các nhân tố kể trên, không khó hiểu vì sao phương Tây có sự thay đổi nhận thức về Trung Quốc. Rất rõ ràng, nếu bầu không khí này không thay đổi thì sẽ vô cùng bất lợi cho hoàn cảnh quốc tế của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thể thay đổi hữu hiệu nhận thức này của phương Tây thì chẳng những quan hệ Trung Quốc với phương Tây khó có thể tiếp tục mà nhận thức đó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng, thậm chí đông đảo các nước đang phát triển. Nhận thức của phương Tây cũng không phải không thể thay đổi, vì nó không phản ánh bộ mặt thật của ngoại giao Trung Quốc. Làm thế nào để thể hiện bộ mặt thật của ngoại giao Trung Quốc, đó là trách nhiệm của Trung Quốc.
* Tác giả Trịnh Vĩnh Niên : quốc tịch Trung Quốc, Tiến sĩ Chính trị học ĐH Princeton, giáo sư suốt đời ĐH Nottingham (Anh Quốc), hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á Đại học quốc gia Singapore, nhà bình luận chính trị thời sự nổi tiếng trên nhật báo Zaobao (Singapore). Khác với các tác giả sống tại đại lục TQ, ông Trịnh làm việc ở nơi có nhiều nguồn thông tin và được tự do bày tỏ chính kiến, các bài bình luận của ông thường viết với quan điểm góp ý xây dựng cho nhà nước TQ một cách khách quan, mạnh dạn nhưng ôn hòa, vì thế được rất nhiều báo đài mạng chính thức của TQ đăng lại ở vị trí quan trọng. (Ng. dịch)
Nguồn tin: Zaobao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét