Trang chính

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Việt Nam nhờ Nhật Bản nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)

Trọng Nghĩa
Hợp đồng nghiên cứu khả thi đã được ký kết vào hôm nay, 28/09/2011 giữa tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với công ty Điện Nguyên tử Nhật Bản JAPC. Như vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành kế hoạch phát triển điện nguyên tử, bất chấp các mối lo ngại phát sinh sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản.

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu tại buổi lễ ký kết “Hợp đồng Dịch vụ tư vấn lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2”, thứ trưởng bộ Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Hoàng Quốc Vượng xác định là sự kiện này “thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu và sau các sự cố tại nhà máy Fukushima của Nhật Bản”.
Theo hợp đồng trị giá 2 tỷ yen (hơn 26 triệu đô la), công ty Điện Nguyên tử Nhật Bản sẽ phải hoàn thành công việc trong thời hạn 18 tháng. Toàn bộ chi phí do chính quyền Nhật Bản tài trợ. Nhân dịp ghé thăm Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, nguyên thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã loan báo quyết định hợp tác với Việt Nam để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại Việt Nam.
Xin nhắc lại là đề án điện hạt nhân Ninh Thuận dự trù xây dựng 4 lò phản ứng, công suất tổng cộng 4.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 gồm 2 lò phản ứng, công suất khoảng 2.000 MW, trị giá hàng tỷ đô la đã được trao cho phía Nga xây dựng.
Công ty Điện Nguyên tử JAPC được biết là đang điều hành hai nhà máy điện hạt nhân Tokai-Mura và Tsuruga tại Nhật Bản.
Việt Nam vẫn xúc tiến kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử bất chấp dư luận lo ngại đã gia tăng hẳn lên sau khi trung tâm điện nguyên tử của tập đoàn Điện lựcTEPCO tại Fukushima bị trận động đất và sóng thần ngày 11/03/2011 làm hư hại, gây ra một tai họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trên thế giới kể từ sau thảm họa Tchernobyl vào năm 1986. Sự cố tại Fukushima đã buộc hàng chục ngàn người phải bỏ hẳn nhà cửa, tản cư đi nơi khác, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho các ngành nông nghiệp, thủy sản cũng như du lịch trong khu vực.


Để trấn an dư luận trước mối đe dọa tiềm tàng từ các nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố đặt vấn đề an toàn làm ưu tiên hàng đầu.
Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét