Trang chính

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Lại đe dọa sự bình yên trên Biển Đông (28/10/2011)

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết 
Ngày 25-10-2011, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc lại có bài cảnh cáo đích danh Việt Nam cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rằng các quốc gia này "cần chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác” nếu như vẫn tiếp tục đối chọi với Trung Quốc. Tờ báo này cũng cho rằng các nước nói trên đang lợi dụng "lập trường ngoại giao ôn hòa” của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình trên Biển Đông.
Dân tộc Việt Nam hiểu sâu sắc những mất mát
 trong chiến tranh nên luôn khao khát hòa bình
Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên tờ Thời báo Hoàn Cầu có lời lẽ hung hăng, đe dọa Việt Nam cùng một số nước trong khu vực có liên quan tới việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Cuối tháng 9-2011, tờ báo này đã từng đăng bài kêu gọi Trung Quốc nên đánh phủ đầu Việt Nam và Philippines, hai nước đã "dám” phản đối mạnh mẽ các yêu sách của Trung Quốc về "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông. Trước đó (ngày 11 và 21-6-2011), cũng tờ báo này đã liên tiếp có bài xuyên tạc sự thật lịch sử và hăm dọa dân tộc Việt Nam sau các sự kiện tàu ngư chính Trung Quốc xông vào cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Về sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ, bà Nguyễn Phương Nga cho biết: "Quan điểm của Việt Nam là hết sức rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời báo Hoàn Cầu đã đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng sự thật và điều này hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hai nước, gây ra những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam... Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Thời báo Hoàn Cầu đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những bài báo thiếu thiện chí mới đây nhất của tờ Thời báo Hoàn Cầu lại xuất hiện trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, khi mà nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc vừa chứng kiến sự kiện ký kết "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển” của lãnh đạo cấp cao hai nước. Những nguyên tắc đó khẳng định tinh thần kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Việc đàm phán cũng được xác lập trên tinh thần tôn trọng đầy đủ các chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử căn cứ vào chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Một trong những ý nghĩa quan trọng trong việc ký kết Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước được dư luận chờ đợi là kể từ nay hai bên đã có những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo nhất quán từ trung ương tới địa phương, trong toàn bộ hệ thống chính trị, việc xử lý đúng đắn các tranh chấp trên biển trên tình thần tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng hợp tác duy trì sự ổn định, hoà bình trong khu vực. Trong hoàn cảnh này, việc báo chí Trung Quốc vẫn tiếp tục lên tiếng đe dọa Việt Nam và cho rằng có "hành động quân sự là cần thiết” vì theo họ "có thể đây là cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển” là hoàn toàn không phù hợp với tinh thần Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đã nói ở trên. Và, nói như bà Phương Nga trước đây, những bài báo như vậy không chỉ gây tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình mà còn không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân cả hai nước.
Để có thể tìm kiếm những giải pháp lâu dài hay chỉ là quá độ, tạm thời cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng luôn đòi hỏi phải có sự nỗ lực và thiện chí của các bên liên quan. Cần tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) như đã được nêu trong Thỏa thuận. Dẫn điểm 3 của Thỏa thuận, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị mới đây nêu rõ: "Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc; các tranh chấp liên quan đến các nước khác sẽ tiến hành hiệp thương với các nước đó để giải quyết”. Điều này hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Đó là, những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp. Vì vậy, khi báo chí Trung Quốc cho rằng việc Việt Nam hợp tác với các nước khác khai thác tài nguyên trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế là xâm phạm lợi ích cũng như "chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở và càng không phải là chuyện "lợi dụng lập trường ôn hòa của Trung Quốc” để thúc đẩy lợi ích của mình trên Biển Đông, gây thiệt hại cho Trung Quốc. Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong hơn hai thập niên đổi mới vừa qua luôn khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế với mong muốn "Việt Nam trở thành bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Là một đất nước đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử, dân tộc Việt Nam hơn ai hết hiểu biết sâu sắc những mất mát, đau thương trong chiến tranh nên luôn khát khao và yêu chuộng hòa bình.
Trong khi đó, mặc dù luôn nói là coi trọng hòa bình và giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua hiệp thương hữu nghị trên tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế, thế nhưng Trung Quốc lại tự cho rằng họ có "chủ quyền lịch sử” trên hầu như toàn bộ Biển Đông với yêu sách "đường lưỡi bò” phi lý. Từ đó, mọi hành động của các nước láng giềng trong "đường lưỡi bò” đều bị cho là vi phạm "chủ quyền và lợi ích” của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề là cho tới nay Trung Quốc vẫn không thể chứng minh được cơ sở pháp lý của "đường lưỡi bò” theo tinh thần công pháp quốc tế mà nước này đã ký kết và luôn nói là tôn trọng. Đáng quan ngại hơn, mặc dù không được ai công nhận, nhưng Trung Quốc từ lâu đã triển khai một chiến lược quy mô lạm dụng khoa học, truyền thông và kể cả sức mạnh quân sự để đơn phương áp đặt yêu sách "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Chỉ xuất phát từ những tuyên bố đơn phương, nhưng Trung Quốc đã ngang nhiên cho tàu chiến tuần tra vùng biển, đe dọa nhiều ngư dân và phá hoại thiết bị các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trên thực tế, chính Trung Quốc đã và đang gây ra bất ổn trên Biển Đông bởi yêu sách và các hành động đơn phương áp đặt cái bản đồ "đường lưỡi bò” phi lý và phi khoa học của họ lên trên tất cả.
Việc báo chí Trung Quốc lại tiếp tục đăng những bài quá khích và cổ vũ cho việc tìm kiếm giải pháp tranh chấp trên Biển Đông bằng vũ lực mới đây gây ngạc nhiên cho các nhà bình luận. Vì điều đó cho thấy các nỗ lực tìm kiếm giải pháp thương lượng, hòa bình của lãnh đạo cấp cao nước này trong các văn kiện ký kết với Việt Nam dường như chưa được giới truyền thông Trung Quốc chia sẻ một cách nghiêm túc. Mặc dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã phủ nhận nội dung bài báo mới đây trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, cho rằng bài báo đó không thể hiện quan điểm của Chính phủ nước này, tuy nhiên những bài báo như thế nếu vẫn tái diễn sẽ gây tổn hại hình ảnh của một cường quốc vừa đưa ra cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông và chắc rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc xây dựng lòng tin với các nước trong khu vực để tiến tới việc hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
HỮU NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét