Trang chính

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động 2 THÁNG 10

Trần Đức Tường

«Nguồn lực bất bạo động là sức mạnh lớn nhất trong tầm tay nhân loại. Nó còn mạnh hơn vũ khí có sức tàn phá lớn nhất mà con người có thể phát minh.» (Mahatma Gandhi)
Hình như con người vẫn chưa thấm được những bài học từ thượng cổ đến giờ về các hậu quả của bạo lực, của chiến tranh. Thế kỷ 20 với hai cuộc thế chiến cộng với hàng trăm, hàng ngàn những cuộc chiến tranh lớn nhỏ, đã giết hại hàng trăm triệu con người; tàn phá biết bao công trình xây dựng, hủy hoại biết bao thành phố làng mạc. Tưởng rằng bước sang thế kỷ 21, đi vào thiên kỷ thứ ba, sau khi các chủ nghĩa độc tài phá sản, con người sẽ được sống trong an bình, hạnh phúc. Nhưng khốn thay, bạo lực vẫn tồn tại. Nó vẫn xuất hiện dưới nhiều hình thức, đặc biệt tại những nước mà chính quyền còn áp dụng chính sách độc tài, đảng trị, khủng bố đàn áp nhân dân. Một số tổ chức tôn giáo quá khích đã sử dụng bạo lực bằng cách ôm bom giết hại người khác. Đòn khủng bố ghê tởm nhất diễn ra vào ngày 11/9/2001 khi bọn không tặc đã dùng phi cơ chở đầy hành khách lao vào tòa tháp đôi World Trade Center và Ngũ Giác Đài.

Tất cả các dân tộc trên thế giới đều đã chán ghét chiến tranh và bày tỏ nguyện vọng sống trong thế giới không bạo lực, không chiến tranh ; nơi mà cả nhân phẩm và nhân quyền đều được đề cao. Sáng kiến dùng một ngày trong năm làm ngày phi bạo lực khởi đầu từ một nhà ngoại giao người Ấn Độ làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ông này đã giới thiệu dự án của mình với đại diện của 140 quốc gia thành viên Liên Hệp Quốc và đã vận động đệ trình Đại Hội Đồng. Dự án của ông được Đại Hội Đồng LHQ biểu quyết thông qua với Quyết Định A/RES/61/271, ngày 15/6/2007 nhằm mục đích gửi đi toàn thế giới thông điệp bất bạo động bằng những hành động giáo dục và vận động. Quyết định này cũng lấy ngày sinh 2 tháng 10 của ông Mahatma Gandhi, nhà lãnh tụ danh tiếng đã giành độc lập cho Ấn Độ bằng đường lối bất bạo động, làm Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động hàng năm. Bản Quyết định của LHQ cũng khẳng định là nguyên tắc bất bạo động phù hợp với mọi tình huống trên thế giới và mong muốn cổ động cho «một nền văn hóa hòa bình, bao dung, thông cảm và phi bạo lực».
Trong quá khứ, nhất là trong cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra ở giữa thế kỷ trước, người ta thường hiểu sai lệch về ý nghĩa của «bất bạo động». Tư tưởng này thường được đồng hóa với thái độ «chủ hòa», «phản chiến» hay tệ hơn nữa là «đầu hàng» trước kẻ địch. Người ta thường kể tên ông Gandhi và cũng có người gắn liền tên ông với nhóm chữ «bất bạo động». Nhưng, thực chất, ít ai biết về người chính trị gia này đã có những tư tưởng triết lý lấy yếu thắng mạnh, lấy tĩnh chế động và áp dụng cho một chiến lược đấu tranh giải phóng đất nước Ấn Độ thoát ách đô hộ của Vương quốc Anh. Lấy nguyên tắc bất bạo động để lập nên chiến lược vô hiệu hóa binh hùng tướng mạnh của quân đội Anh. Đó là sự kỳ diệu của Mahatma Gandhi. Xin kể ra đây một vài câu nói bất hủ của ông: «Tôi không thể đánh anh mà tôi không bị thương»; «Nếu cứ mắt đền mắt, răng trả răng, thiên hạ sẽ mù hết»; «Sức mạnh không đến từ bắp thịt mà đến từ ý chí kiên cường»…
Vậy «bất bạo động» là gì? Theo giáo sư Gene Sharp, nguyên tắc tranh đấu bất bạo động hay còn gọi là «kháng cự bất bạo động» là dùng loại lực không liên quan đến vũ khí để chủ động tạo ra những thay đổi xã hội hay chính trị; hình thức đấu tranh này đã được áp dụng bởi nhiều dân tộc trên khắp thế giới trong khuôn khổ những chiến dịch đấu tranh cho công bằng xã hội. Ông viết: «Đấu tranh bất bạo động là một kỹ thuật nhờ đó mà những ai muốn rũ bỏ sự thụ động, sự thần phục, và coi đấu tranh là việc phải làm, thì đều có thể nhập cuộc mà không cần dùng đến bạo lực. Đấu tranh bất bạo động không chủ trương né tránh hay làm ngơ việc phải đối đầu».
Một trong những điểm then chốt của lý thuyết bất bạo động là quyền lực của bọn lãnh đạo độc tài được xây dựng trên sự chịu đựng, chấp nhận số phận của người dân. Vì vậy cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm tháo gỡ chế độ độc tài phải làm sao để không cho giới cai trị sự chấp nhận, vâng phục và hợp tác của quần chúng nữa.
Đại loại, có ba loại phương thức đấu tranh bất bạo động:
- Những phương thức PHẢN ĐỐI và THUYẾT PHỤC
- Những phương thức BẤT HỢP TÁC VỀ XÃ HỘI, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ
- Những phương thức CAN DỰ BẤT BẠO ĐỘNGv
Tư tưởng và phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động đã trở thành giải pháp phổ quát của thời đại để những người dân không một tấc sắt trong tay có thể đòi lại thẩm quyền từ tay những kẻ cai trị độc tài, độc ác.
Biểu tượng của tranh đấu bất bạo động là một công trình điêu khắc của ông Karl Fredrik Reutersward. Đó là một khẩu súng ngắn giống như thật với nòng súng bị thắt nút được dựng vĩnh viễn trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.
Trong Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động năm nay, nhiều cộng đồng người Việt trên khắp thế giới sẽ tổ chức nhiều hình thức bất bạo động để đấu tranh cho những đồng bào đang bị giam giữ và tất cả các nạn nhân của chế độ độc tài độc đảng tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét