Trang chính

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Trung Quốc sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập

Một thanh niên bi công an bắt giữ trước rạp hát Hòa Bình tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là một điểm tập hợp của những người được kêu gọi biểu tình ngày 20/02/2011 để ủng hộ cuộc Cách mạng Hoa nhài.
Một thanh niên bi công an bắt giữ trước rạp hát Hòa Bình tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là một điểm tập hợp của những người được kêu gọi biểu tình ngày 20/02/2011 để ủng hộ cuộc Cách mạng Hoa nhài.
REUTERS/Aly Song

Liên quan đến châu Á, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc bị sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập ». Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhấn mạnh : từ khi có cuộc nổi dậy ở Tunisia, các lời kêu gọi biểu tình đã liên tiếp được đưa ra tại Trung Quốc.
Bài báo nêu ra trường hợp bình luận viên nổi tiếng của kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV về các vấn đề quân sự quốc tế, Đô đốc dự bị Trương Chiêu Trọng đã bị hố to. Ông này không ngừng tuyên bố trên đài là Kadhafi không thể nào bị lật đổ, và nay thì ông đã bị đả kích kịch liệt trên internet về các dự báo quá sai lệch. Ông biện hộ là đã bị người Libya lừa gạt : « Họ toàn là các kịch sĩ. Tự đáy lòng thì họ ghét Kadhafi, nhưng khi đứng trước ống kính thì lại nói sẽ ủng hộ ông ta cho đến chết ».

Nhưng giải thích của ông Trương Chiêu Trọng không ngăn được những lời chế giễu. Ngược lại, một số blogger quan sát thấy rằng các kết luận của bình luận viên này chỉ dựa trên các hình ảnh được CCTV đưa, mà đài truyền hình nhà nước thì chỉ đưa những gì có lợi cho quân chính phủ Libya lúc đó.
Trong số các cuộc nổi dậy « Mùa xuân Ả Rập », Libya là trường hợp điển hình để giải thích tình trạng tiến thoái lưỡng nan và sự lúng túng của Bắc Kinh, do sự sụp đổ của chế độ Kadhafi. Tác động của việc lật đổ một chính quyền độc tài lại càng nặng nề hơn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, vì ê-kíp lãnh đạo sẽ được thay đổi vào năm 2012. Bên cạnh đó, là làn sóng bất mãn đang lan tràn trong xã hội. Một nhà chính trị học thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận xét : « Cuộc khủng hoảng nội tại không ngừng dâng lên trầm trọng, do không hề có cải cách từ mười năm qua ».
Theo Le Monde, tấm gương méo mó và tiếng vọng từ những vụ sụp đổ của các chế độ Ả Rập là một « chiếc bẫy » mà Bắc Kinh luôn lo sợ sẽ bị lôi cuốn theo. Những lời kêu gọi biểu tình theo kiểu « Cách mạng Hoa Lài » ở Tunisia, được đưa ra tại các thành phố lớn hồi tháng 2 và tháng 3, đã bị dập vùi bởi một làn sóng trấn áp dữ dội nhất trong những năm gần đây : hơn một trăm người bị bắt, trong đó có cả nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị.
Bà Valérie Niquet, giám đốc phụ trách châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris giải thích :« Bắc Kinh tuyên truyền là các cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập là do Mỹ xúi giục, như đã xúi giục các cuộc « cách mạng màu » hồi đầu những năm 2000. Thế nhưng bối cảnh bây giờ không phải như hồi đó. Chế độ ngày càng khó kiểm soát được thông tin. Xã hội công dân hiện diện song song với quyền lực, và phải sống chung với nó, chưa kể việc ngay trong nội bộ những người cầm quyền cũng chia rẽ ».
Người Trung Quốc đặc biệt chú ý đến Libya do hồi tháng Giêng, 35.000 lao động xuất khẩu đã phải bỏ chạy sang các nước lân cận. Bắc Kinh vắng mặt tại Hội đồng Bảo an trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết cho phép không kích Libya, nhưng không ngớt chỉ trích phương Tây và « hội chứng Kosovo », tức sự can thiệp của NATO.
Libya, Syria và Trung Quốc : Những điểm tương đồng
Khi tình hình Tripoli thay đổi hồi mùa hè, ngay trước khi Trung Quốc công nhận CNT ngày 12/10 – một cách trễ tràng và gần như lén lút, vì đây là ngày nghỉ – các tờ báo cấp tiến nhất đã tranh thủ để nói về các khuyết điểm của chính chế độ Bắc Kinh. Qua phóng sự về Tripoli giải phóng, tuần báo Nam Phương Chu Mạt đưa lời kể của các thanh niên Libya về việc phải học thuộc lòng luận thuyết của Kadhafi, khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến thực tế Trung Quốc. Các nhà báo Trung Quốc nhận định, người Libya có tiền, thế mà họ lại nổi dậy chống đại tá Kadhafi, chống lại kiểm duyệt, tham nhũng, sùng bái cá nhân.
Cũng chuyên gia Valérie Niquet nhận định : « Giữa Trung Quốc và một số nước « Mùa xuân Ả Rập » có nhiều điểm giống nhau hơn người ta tưởng. Chẳng hạn như Tunisia, kinh tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ xuất khẩu và hiện đại hóa…Bắc Kinh cho rằng một mô hình cai trị độc đoán có thể vẫn thu hút vì đem lại sự phát triển, nhưng những diễn biến ở Zambia hay Miến Điện là cả một sự trái khoáy đối với những gì Bắc Kinh hy vọng ».
Trường hợp Syria tuy ít được đưa tin hơn, cũng làm cho Trung Nam Hải bị ám ảnh. Những người biểu tình bị cảnh sát giết chết, các thành phố bị xe tăng bao vây và những lời dối trá thô bỉ của chế độ, đã gợi lại các sự kiện ở Thiên An Môn. Tuy bị cấm nhắc đến, nhưng vụ thảm sát này vẫn đè nặng trong tiềm thức.
Le Monde trích nhận xét của một nhà chính trị học : Về đối ngoại, Bắc Kinh khoe rằng các quyết định của mình không mang tính chính trị nhưng trên thực tế thì ngược lại. Trung Quốc luôn bênh vực các chế độ độc đoán, thế nhưng đứng về phía các nhà độc tài không phải lúc nào cũng có lợi về mặt kinh tế, thậm chí còn bị phiền phức như với Bắc Triều Tiên. Chuyên gia này nói : « Đảng Cộng sản Trung Quốc đang độc quyền điều hành đất nước, cho rằng mối đe dọa lớn nhất về ý thức hệ là từ các chế độ dân chủ tự do phương Tây. Bắc Kinh luôn đề cao cảnh giác trước một phương Tây dân chủ, trong lúc vẫn lợi dụng hệ thống kinh tế quốc tế ».
Le Monde kết luận, Trung Quốc đang đứng giữa mở cửa kinh tế và đóng cửa chính trị. Các thành thị Trung Quốc giống như ở phương Tây nhưng nông thôn thì không khác các nước thế giới thứ ba, và tất cả đều có nguy cơ khủng hoảng. Ngọn lửa tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng, rồi lại xuất hiện một làn sóng phản kháng toàn cầu hóa, khó thể nói rằng đại đa số người Trung Quốc không đồng cảm với « Những người nổi giận » phương Tây.
Văn hóa Trung Quốc : Những nghịch lý
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài viết mang tựa đề « Văn hóa : Nghịch lý Trung Quốc ».
Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc đã quyết định sẽ ưu tiên cho phát triển văn hóa. Tân Hoa Xã trích diễn văn bế mạc : « Giữ gìn an ninh và mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ». Tác giả bài báo cho rằng cách nói mập mờ này chứa đựng hai cụm từ biểu thị cả tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh hiện nay.
Trước hết là từ « ảnh hưởng ». Nếu Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng công nghiệp, thì sản phẩm văn chương hay nghệ thuật – mà tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng mức độ sáng tạo bằng 0 – thì không có may mắn này, ngoại trừ phim ảnh Hồng Kông. Các tiểu thuyết được dịch ở nước ngoài hầu hết được sáng tác trước thế kỷ 19.
Nhưng còn cụm từ « giữ gìn an ninh », thì theo Les Echos, rõ ràng là với mục đích tăng cường kiểm soát báo chí, các mạng xã hội và việc sáng tạo văn chương, trong một đất nước có đến trên 500 triệu người sử dụng internet và 200 triệu người viết blog.
Tờ báo đặt câu hỏi, liệu ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài có phù hợp với chính sách an ninh nội địa, và các tác phẩm « đúng đắn » về chính trị có xuất khẩu nổi hay không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét