Trang chính

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Wikileaks: Tin Lành ở Thanh Hóa bị ‘quấy nhiễu’

WESTMINSTER (NV) - Trong công điện ngoại giao viết ngày 14 Tháng Tám, 2008, Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cho biết hai giáo đoàn Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn (Full Gospel Church) Việt Nam tại Thanh Hóa bị công an và chính quyền địa phương quấy nhiễu liên tục, theo tiết lộ của Wikileaks.
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn (phải), thuộc Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn Việt Nam, Thanh Hóa, và chị Hồ Thị Bích Khương. (Hình: vietnoiket.net)
Trong công điện, ông Michalak, qua các liên lạc của Tòa Ðại Sứ Mỹ và làm việc với chính quyền địa phương, kể ra ba vụ quấy nhiễu đối với hai giáo đoàn Tin Lành nêu trên.
Mặc dù chưa kiểm chứng được một cách độc lập, công điện cho biết, dựa trên thông tin có được, tòa đại sứ “tin chắc” có sự quấy nhiễu, và trong khi chính quyền địa phương hứa sẽ điều tra các vụ này, giới ngoại giao Mỹ tiếp tục yêu cầu giới chức, cấp tỉnh và cấp quốc gia, chú ý hơn tình trạng quấy nhiễu giáo hội.
Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn là một giáo phái Tin Lành không liên quan đến Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Việt Nam ở miền Bắc (ECVN). Trong khi Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn có trụ sở chính tại Sài Gòn, từng giáo đoàn riêng của họ là thành viên của một hiệp hội quốc gia có 19 nhóm khác nhau.
Các mục sư của giáo đoàn cho biết họ có ghi danh và lập nhà thờ, theo công điện.
Ðại sứ Mỹ kể rằng Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, người đứng đầu nhà thờ thuộc Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn, nói với tùy viên chính trị tòa đại sứ hôm 20 Tháng Tư, 2008 rằng ông bị công an xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, phạt hành chánh vì để giáo dân tham gia cầu nguyện tại nhà thờ của ông ở làng Yên Cơ.
Một tuần sau, ngày 27 Tháng Tư, công an cắt ổ khóa nhà thờ, vào bên trong, bắt giáo dân, ra lệnh phạt miệng mỗi người 100,000 đồng và tịch thu sổ hưu trí của một giáo dân.
Ngày hôm sau, công an xã trở lại, ném đá vào nhà ông Tôn, đẩy cửa và vào bên trong tìm ông. Mục Sư Tôn báo cáo rằng công an rất hung dữ và đe dọa cả vợ và mẹ ông.
Vào ngày Chủ Nhật, 4 Tháng Năm, nghe nói công an địa phương đứng ở ngã tư đường, chặn không cho giáo dân tới cầu nguyện. Chỉ có ba người đến được nhà Mục Sư Tôn, nhưng bị công an dân sự chặn lại, đe dọa và tìm cách tịch thu xe đạp của họ.
Mục Sư Tôn báo cáo, sau khi mọi chuyện trở lại bình thường trong những ngày còn lại của Tháng Năm, đến ngày 6 Tháng Sáu, công an và chính quyền địa phương lại bao vây nhà thờ của ông, khóa cửa, nhốt giáo dân từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ba giáo dân rời nhà thờ lúc 2 giờ chiều và bị tấn công cách đó 200 mét. Nghe nói trong những người tấn công có bí thư đoàn xã và một công an địa phương.
Mục Sư Tôn nói rằng mặc dù giáo đoàn nộp đơn ghi danh, ủy ban nhân dân xã từ chối nhận đơn, nói rằng nhà thờ nộp đơn không theo đúng thủ tục. Nhưng khi ông yêu cầu cung cấp giấy tờ hướng dẫn, ủy ban nhân dân lại nói chính quyền huyện và tỉnh chưa cung cấp cho họ.
Mục Sư Tôn nói thêm là nhiều lần trong khi xảy ra các vụ quấy nhiễu trong Tháng Tư, ông có gọi điện thoại cho công an tỉnh, họ hứa sẽ giúp đỡ, nhưng không làm gì cả.
Ông nhớ lại, hồi Tháng Mười Hai, 2007, công an tỉnh đề nghị ông báo cáo trước cho biết giáo hội dự định làm gì trong dịp lễ Giáng Sinh để minh bạch mọi chuyện.
Tuy nhiên, khi ông nộp báo cáo, ủy ban nhân dân xã lại nói nhà thờ không có giấy phép tụ tập cử hành lễ Giáng Sinh.
Mục Sư Tôn nói rằng thế là ông không thèm báo chính quyền xã, theo đề nghị của công an tỉnh nữa, vì có báo cũng như không.
Một giáo đoàn khác của Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Toàn Vẹn Việt Nam ở Thanh Hóa bị quấy nhiễu vào Tháng Bảy.
“Mục Sư Nguyễn Ðức Dũng, thuộc xã Quảng Linh, huyện Quảng Xương, nói với chúng tôi hôm 11 Tháng Bảy là công an và chính quyền địa phương ngăn chặn một buổi lễ rửa tội và trực tiếp lăng mạ ông,” bản công điện viết. “Ông còn bị phó công an xã đấm vào mặt. Ngày hôm sau, công an xã đe dọa giáo dân nhằm ngăn cản họ tham gia hoạt động nhà thờ.”
Mục Sư Dũng nói thêm rằng ông đã ghi danh cho nhà thờ từ năm 2007, nhưng vẫn còn chờ đợi chấp thuận, theo bản công điện.
Sau khi nghe những báo cáo này, tòa đại sứ gởi một lá thư đến chính quyền tỉnh vào ngày 16 Tháng Bảy, yêu cầu mở cuộc điều tra toàn bộ sự việc và trừng phạt bất cứ viên chức nào vi phạm pháp luật liên quan đến thực hành tín ngưỡng.
Ngày 21 Tháng Bảy, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn cho biết công an tỉnh Thanh Hóa có gọi cho ông, hứa rằng sẽ xuống huyện Quảng Xương để điều tra sự việc.
Trong khi đó, Mục Sư Tôn lại cho biết có hai vụ quấy nhiễu khác.
-Sáng 20 Tháng Bảy, 2008, trưởng công an địa phương và một số dân phòng làng Yên Phụ, xã Quảng Yên, đến nhà một giáo dân trong giáo hội, ông Nguyễn Văn Thinh, la mắng ông và ba giáo dân khác, trong khi họ sắp đi đến nhà thờ dự lễ. Sau đó, Mục Sư Tôn và đứa con trai 14 tuổi của ông đến nhà ông Thinh thì bị dân phòng địa phương tấn công, theo lệnh của trưởng công an địa phương. Nửa giờ sau, một giáo dân tàn tật, ông Ðỗ Quang Hoa, đến nhà ông Thinh, cũng bị tấn công luôn.
-Sáng 29 Tháng Bảy, 2008, hai người bạn của Mục Sư Tôn đến nhà ông. Ba mươi phút sau, công an và dân phòng địa phương đến, bao vây nhà ông cho đến tối hôm đó.
Sau khi biết biết chính quyền tỉnh sẽ không cung cấp thông tin liên quan đến các vụ quấy nhiễu, tòa đại sứ gởi một lá thư đến Ban Tôn Giáo Chính Phủ, chính thức yêu cầu điều tra tình trạng tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, bản công điện cho biết.
Ðại Sứ Michael Michalak nhận định, theo bản công điện, những vụ quấy nhiễu nêu trên là “một bước thụt lùi đầy thất vọng,” nhất là khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa có vẻ như hành động theo đúng chính sách của chính quyền Việt Nam trong việc áp dụng khuôn mẫu pháp lý đối với tôn giáo.
Các vụ quấy nhiễu tôn giáo ở cấp địa phương, ngay sau khi chính quyền tỉnh xác nhận áp dụng đầy đủ luật lệ liên quan đến hoạt động tôn giáo tại Thanh Hóa, cho thấy một sự không đồng nhất giữa các cấp trong hệ thống chính quyền tại Việt Nam, ông Michalak viết tiếp.
Rồi ông nhận xét: “Chính quyền xã và huyện ở khu vực này của tỉnh Thanh Hóa không nắm rõ hoặc cố tình coi thường chính sách và luật lệ quốc gia, và biết rằng họ sẽ không bị trừng phạt.”
Tòa Ðại Sứ Mỹ vẫn tiếp tục yêu cầu Ban Tôn Giáo và giới chức chính quyền cao cấp Việt Nam gia tăng sự chú ý của họ và áp dụng đầy đủ quyền hoạt động tôn giáo theo quy định của luật lệ, ông Michalak kết thúc bản công điện.

Ðỗ Dzũng/Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét