Trang chính

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Ấp chiến lược thời đại dân chủ XHCN

Ấp chiến lược là một quốc sách của chính quyền đệ nhất cộng hòa Việt Nam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.  Đầu năm 1959 nó được gọi là khu trù mật, đến năm 1961 nó được đổi tên là ấp chiến lược. Ấp chiến lược do Ngô Đình Diệm đề xuất nhằm đối phó với mặt trận giải phóng miền nam.

Nhằm để cách ly du kích và người dân trong việc tiếp tế và che giấu cán bộ. Vì muốn ngăn cản người dân liên lạc được với những người cộng sản, mục đích loại lực lượng cộng sản ra khỏi dân làng để dễ dàng tiêu diệt. Kế hoạch này đã gây khó khăn cho lực lượng lực lượng cộng sản miền Nam khiến 70% đến 80% cơ sở của họ bị quét sạch và có nguy cơ bị tiêu diệt. Khuôn mẫu cho Ấp chiến lược được rút từ kinh nghiệm chiến dịch bình định ở Philippines.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta có câu nói rất hay: “Quân với dân như cá với nước”. Dồn dân vào ấp chiến lược giống như tát ao bắt cá. Công bằng mà nói đây là thời điểm điêu đứng khủng khiếp của quân đội ta. Cũng may mắn là ông Diệm bị lật đổ, nếu không thì với kế hoạch mở rộng hàng chục ngàn khu ấp chiến lược trong tương lai sẽ là vấn đề không đơn giản cho việc cá sống thế nào khi ao đã bị rút cạn

Về hình thức của ấp chiến lược là dồn dân ở các làng mạc và đồng quê ở nông thôn nam bộ vào sống trong các khu nhà do chính phủ xây dựng. Việc dồn dân này có thể là hình thức tự nguyện hay ép buộc. Nhưng đa phần ép buộc là chính. Các ấp chiến lược khi dồn dân vào họ xây dựng khá kiên cố, có hào sâu xung quanh và cấm chông nhọn. Được canh gác khá cẩn mật, người bên trong ra vào thì không sao, riêng người bên ngoài vào kiểm soát khá gắt gao. Ban ngày người dân có thể ra ngoài làm ruộng, buôn bán, thăm nhà cửa, mồ mả ông bà tổ tiên dưới sự giám sát của dân quân tự vệ. Ban đêm phải trở lại ấp chiến lược. Nói chung vấn đề an sinh xã hội họ làm khá tốt. Đó là câu chuyện của ấp chiến lược ngày xưa. 

Thời nay cũng có câu chuyện về ấp chiến lược được vận dụng trá hình và đầy tinh xảo không kém gì ấp chiến lược hữu hình thời Ngô Đình Diệm. Ấp chiến lược ngày nay đó là các khu tái định cư nghèo nàn do cái gọi là giải tỏa đất đai để xây dựng các nhà máy, thủy điện, các khu công nghiệp, hay mở rộng các đô thị mới,…Vấn đề đặt ra đây chính là việc giải tỏa lấy đất đai đôi khi chẳng thỏa mãn tí nào quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi. Và nó chính là nguyên nhân trong mọi nguyên nhân sâu xa khiến người dân oan hiện nay khiếu kiện tùm lum. Do quy định quái gở, đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý. Nên không ít kẻ đã lợi dụng giải tỏa để cướp không tài sản có được hằng bao thế hệ của người dân!

Để phần nào giảm nhẹ những thiệt hại cho người dân có đất bị thu hồi nhà nước có quy định các cá nhân tổ chức lập ra các ấp chiến lược đời mới phải đảm bảo đời sống cho dân có đất bị thu hồi bằng hoặc tốt hơn nơi sinh sống cũ nhưng về thực chất còn thua xa thời chưa phải di dời giải tỏa, thậm chí còn thua xa các ấp chiến lược thời xưa. Người dân ở các ấp chiến lược này ngoài mớ tiền nhỏ nhoi được đền bù về lợi ích hoa màu, mồ mả, nhà cửa thì hầu như chẳng có công ăn việc làm gì cả.

Thanh niên nông thôn thì đa phần là thất học, trình độ văn hóa chỉ lớp 3, lớp 4. Trong qui định thì có rất nhiều phúc lợi xã hội dành cho họ nào là phải tạo điều kiện cho thanh niên học nghề sau tái định cư. Mọi công dân phải có công việc ổn định. Nhưng thực tế thì nói vậy mà không phải vậy. Ngoài mớ tiền còm mà các tổ chức cá nhân hương lợi từ đất đai giải tỏa “đền bù”, họ hầu như chẳng làm gì cho người dân bị thiệt thòi. Đa phần là để dân chúng tự bơi, tự tìm đất cất nhà. Thậm chí có những khu tái định cư chỉ có trên giấy, khiến một bộ phận những người mất đất phải tái định cư ngay cả vùng lõi của các khu rừng bảo tồn, các khu rừng cấm quốc gia.  Còn nếu có đi nữa thì chỉ là những khu tạm bợ, điện nước cũng không có, trường học, trạm xá, chợ búa cũng không nốt ! Thanh niên thất nghiệp chả làm gì ngoài chuyện đàn đúm nhậu nhẹt, bài bạc, bia ôm. Số tiền còm này nhanh chóng biến mất, bởi họ hoàn toàn không có kỹ năng quản trị tiền, không biết cách làm ăn buôn bán. Nhất là các vùng dân tộc ít người thì điều này khá rõ. Vừa có mớ tiền đền bù giải tỏa trong tay là mua sắm thả ga, nào xe máy tàu, ti vi màu, nhậu nhẹt mút mùa. Điều đặc biệt đáng quan ngại là thường thì có những tay lái buôn người kinh láo cá nhanh chóng chớp thời cơ để bán đồ đểu, đồ dỏm kinh doanh làm giàu bất chính. Con gái thì rời bỏ nhà cửa, sung vào vào đội quân tiếp viên nhà hàng, quán nhậu ở thành phố, thị trấn, hoặc lấy chồng xa xứ mơ giấc mơ thiên đường có sẵn hơn là kiên định niềm tin chờ đảng xây dựng thiên đường ảo ! Thanh niên đi làm thuê, bắt cá bằng xuyệt điện, làm phu hồ cho các khu công nghiệp, các đô thị mới,..ngay trên mảnh đất vừa giải tỏa của mình.Thanh niên các vùng dân tộc ít người sau khi đã cạn túi thì tiếp tục quay trở lại rừng để kiếm sống… Người già suốt ngày ngồi thu lu bên ngạch cửa nhìn thiên hạ, nhớ lại cái thời đồng áng xa xôi!


Đó là chưa nói các cá nhân, tổ chức câu kết với chính quyền sở tại nhân danh nhà nước để xây dựng công trình này kia. Thực chất là quyền lợi cá nhân núp bóng thì còn khủng khiếp hơn nhiều. Họ chỉ đền bù cho dân giá trị thấp, hưởng lợi khổng lồ từ lợi ích đất đai sau giải tỏa. Đây chính là tình trạng đen tối của người dân oan ngày nay. Thêm nữa tình trạng tham nhũng ngân sách rót xuống cho các ấp chiến lược này cũng đã rơi rớt gần hết dọc đường. Nhà nước rót kinh phí 10 xuống đến dân chỉ còn 3 hay 4? 

Tình trạng nhếch nhác ở các ấp chiến lược đời mới này là khá phổ biến. Các ấp chiến lược coi tàm tạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù gì ấp chiến lược thời ông Diệm cũng còn đỡ hơn thời nay. Thời đó người dân chỉ ở tạm trong đó để phân loại và bình định. Người dân còn có thể trở về làm ruộng thăm thú nhà cửa, mồ mả ông bà, tổ tiên. Ấp chiến lược thời nay là giải tỏa trắng. Người dân chẳng còn gì cả, mồ mả cũng bị giải tỏa trắng thử hỏi làm sao mà không buồn !

Đào Hữu Nghĩa Nhân

22-03-2011

Theo NghiaNhan’s Site


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét