Trang chính

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Đi bệnh viện, hết lo mất đồ lại lo mất… con

Quá tải bệnh viện (BV), đạo chích hoành hành, côn đồ đại náo, trẻ sơ sinh bị bắt cóc…người dân bước chân vào BV chữa bệnh luôn sống trong nỗi lo sợ, hoang mang. An ninh BV phải chăng đang quá lỏng lẻo, mất kiểm soát? 
Sểnh ra là mất cắp

Mới 8 giờ sáng, cổng phía đường Giải Phóng, BV Bạch Mai đã nườm nượp bệnh nhân, người nhà ra vào lẫn trong mớ hỗn độn cùng với ôtô, taxi, xe máy. Chính điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho bọn trộm cắp vô tư hoạt động. Mặc dù ngay tại cổng chính, BV đã bố trí bảo vệ gác và liên tục cầm loa nhắc nhở, lưu thông dòng người và phương tiện nhưng dường như vẫn không thể kiểm soát được.
Quá tải, trộm cắp trong BV luôn là nỗi ám ảnh với người dân.
Quá tải, trộm cắp trong BV luôn là nỗi ám ảnh với người dân.
Lỉnh kỉnh nào chăn chiếu, ba lô, bác Lại Văn Tĩnh (Hà Nam) thất thểu kể lể: “Tôi đã phải để tất cả tiền nong, giấy tờ ngay trước túi áo ngực đề phòng mất trộm, nào ngờ lúc chen lấn nhau vẫn bị bọn chúng “thó” mất không hề hay biết”. Dừng xe máy trước cổng để cởi bỏ mũ bảo hiểm, áo chống nắng, chị Nguyện cũng bị bọn trộm “hỏi thăm”: “Bọn chúng lăm le định lấy chiếc túi xách may mà đúng lúc tôi quay ra nên chúng bỏ chạy mất. Vào viện mà không cẩn thận, mắt trước mắt sau đồ đạc đã không cánh bay mất. Nhiều tên còn giả vờ hỏi mượn điện thoại gọi cho người nhà rồi… chuồn thẳng”.

Tại BV Việt Đức, BV K và nhiều BV tuyến trên khác cũng luôn trong tình trạng quá tải, chuyện mất cắp xảy ra như cơm bữa ngay từ “vòng gửi xe” đến khu chờ khám bệnh, nhà thuốc…

Dù đã nhiều lần đưa vợ đi điều trị định kỳ tại BV Lao phổi T.Ư nhưng anh Phạm Văn Hậu (Hải Dương) vẫn không khỏi giật mình thon thót mỗi khi nhắc đến bọn trộm cắp hoành hành khắp BV. Anh Hậu kể: “Gần 1 năm nay, tháng nào tôi cũng đưa vợ đi truyền hoá chất tại viện này, điện thoại, tiền nong cũng mấy lần bị mất rồi. Sợ nhất là xếp hàng ở khu khám bệnh và nhà thuốc, bọn chúng nhanh lắm, loáng một cái là rạch túi lấy tiền, rút mất điện thoại. Chỉ đến khi sờ vào túi mới ngớ người ra không biết kêu ai”.

Người bệnh, nhất là người nghèo dù đã mang trong mình nỗi lo sức khoẻ nhưng khi vào viện họ lại thêm “xanh mặt” thấp thỏm đứng ngồi không yên vì cứ sểnh ra là mất trộm…
An ninh lỏng lẻo… mất con

Chuyện mất cắp tại BV xảy ra như cơm bữa từ nhiều năm nay và mặc nhiên, người ta coi đó là chuyện… bình thường. Người bệnh tự nhủ nhau rằng, chỉ còn cách có đồ thì tự giữthật chặt  chứ mất rồi thì biết kêu ai. Nhưng sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ngay trong BV Phụ sản T.Ư ngày 3.11 vừa qua, dư luận mới giật mình thảng thốt, vấn đề an ninh trong BV quá lỏng lẻo.
 
Tại BV Phụ sản T.Ư, quy trình xuất viện thường thấy của các sản phụ là: Sau khi xong thủ tục thanh toán, lấy giấy chứng sinh là bà mẹ có thể bế con ra về mà không cần xuất trình giấy ra viện với nhân viên bảo vệ, bảo vệ cũng không hỏi han kiểm soát gì. Điều đó cho thấy, ngay cả tại BV đầu ngành trong chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ, trẻ em thì vấn đề đảm bảo an toàn vẫn còn bỏ ngỏ.

Khảo sát tại nhiều BV trên địa bàn TP. Hà Nội cũng dễ dàng nhận thấy, tình trạng an ninh BV chưa thực sự được quan tâm đúng mức. BV nào cũng có quy định giờ vào thăm nom bệnh nhân nhưng bằng nhiều cách, người lạ vẫn có thể lọt vào. Đến giờ vào thăm bệnh nhân thì tình hình càng trở nên lộn xộn, khó kiểm soát.

Về vấn đề kiểm soát trong BV, ông Nguyễn Viết Tiến, GĐ BV Phụ sản T.Ư cho rằng, để có thể kiểm soát hết được số lượng người ra vào BV quả thật... rất khó, nhất là các sản phụ và trẻ sơ sinh vì mỗi ngày có hàng trăm lượt trẻ xuất viện. Đôi khi, chuyện kiểm soát khiến người dân "dị ứng”. Nếu kẻ gian đã có ý định trà trộn làm việc xấu thì cũng “bó tay” không thể nào ngăn nổi; côn đồ hung hãn cũng đã từng gây hấn, truy sát ngay trong BV…

“Mất bò mới lo làm chuồng”, chỉ đến khi xảy ra vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc mới “đánh động” các BV tăng cường an ninh tại các khoa phòng và kiểm soát người ra vào viện. Nhưng nếu các biện pháp đảm bảo an toàn được thực hiện gắt gao ngay từ đầu thì có lẽ sẽ không xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy.
Dương Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét