Trang chính

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Nỗi oan mất đất 22 năm

Mảnh đất do cha mẹ để lại của bà Nguyễn Kim Phượng (phường 8, TP Cà Mau) trị giá hàng chục tỉ đồng bị cậu ruột lập giấy tờ giả chiếm đoạt với sự tiếp tay của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương

Ngày 9-12-2008, Báo Người Lao Động đã thông tin về trường hợp bà Nguyễn Kim Phượng (phường 8, TP Cà Mau) từ chối khoản tiền bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng từ UBND tỉnh Cà Mau vì bị cán bộ tỉnh làm trái quy định, lấy đất của bà giao cho người khác. Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sửa sai bằng cách tiếp tục ký quyết định chi ngân sách 6,6 tỉ đồng để bồi thường cho bà Phượng.
Cán bộ làm bậy
Bà Nguyễn Kim Phượng được cha mẹ để lại phần đất hơn 1.143 m2 mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành (phường 8, TP Cà Mau) trị giá hàng chục tỉ đồng. Năm 1989, khi cha mẹ bà Phượng vừa qua đời, cậu ruột của bà Phượng là ông Tô Văn Hiền đã lập giấy tờ giả để chiếm đất của cháu mình đang ở.


Bị mất đất oan, vợ chồng ông Phạm Văn Minh và bà Nguyễn Kim Phượng phải dựng lều tạm để ở, hành nghề vá xe đạp kiếm sống

Bất chấp bà Phượng liên tục kêu oan, năm 2002, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau huy động lực lượng cưỡng chế phần đất của bà Phượng để giao lại cho ông Hiền. Sau đó, ông Hiền được cấp sổ đỏ để sang bán cho ông Trần Tú Ngọc và ông Ngọc lại bán tiếp cho người khác.
Ông Phạm Văn Minh, chồng bà Phượng, cho biết gần 10 năm nay, vợ chồng ông bà phải che túp lều ngay cạnh khu đất rộng lớn bị chiếm mất sống bằng nghề vá xe đạp và bán cá cảnh. Nhiều lần bị chính quyền địa phương cưỡng chế và dỡ túp lều nhưng hai vợ chồng vẫn quyết bám trụ và không ngừng kêu oan.
Năm 2007, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kết luận xử lý vụ việc và ra thông báo số 87/TB-VPCP “… giao Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau phải chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các cán bộ đã tham mưu đề xuất chưa đúng pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Kim Phượng”. Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định công nhận phần đất là của bà Phượng, cho bà Phượng quản lý sử dụng.
Chi ngân sách sửa sai
Đến nước này thì việc sửa sai có phần đã muộn vì người đang sở hữu phần đất tranh chấp là ông Ngọc (mua lại từ ông Hiền) đã có trong tay sổ đỏ hợp pháp. Do đó, ngày 13-11-2008, UBND tỉnh Cà Mau quyết định bồi thường cho bà Nguyễn Kim Phượng bằng tiền mặt 3,3 tỉ đồng. Song, bà Phượng không chịu nhận tiền mà yêu cầu được nhận phần đất của cha mẹ để lại. Trong thời gian bà Phượng tiếp tục khiếu nại, ông Ngọc đã bán phần đất trị giá hàng chục tỉ đồng cho người khác.
Mới đây nhất, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định bồi thường 6,6 tỉ đồng; đồng thời chỉ đạo mở sổ tiết kiệm không kỳ hạn cho bà Phượng tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh TP Cà Mau. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của 28 cán bộ liên quan đã tham mưu sai việc giải quyết tranh chấp đất của bà Phượng, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15-11-2011. Được biết, phần lớn trong số những cán bộ này đã về hưu.
Mặc dù tăng mức bồi thường, nhưng  bà Phượng vẫn không chấp nhận.

Những cán bộ trực tiếp gây oan sai
Hai cán bộ chủ chốt lúc bấy giờ trực tiếp giải quyết vụ việc đã về hưu là ông Nguyễn Văn Diệp, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; ông Lê Hồng My, nguyên chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau. Những cán bộ còn đương chức là ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau; ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Cơ quan Tiếp dân tỉnh Cà Mau; ông Lê Tân Thuận, Phó chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau…
Bài và ảnh: DUY NHÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét