Trang chính

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

VN 'chủ động đón công ty Nhật'


Thủ tướng Dũng gặp Thủ tướng Noda ở Tokyo hôm 31/10.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề nghị chủ động đón nhận đầu tư từ các công ty Nhật trong các dự án hạ tầng của Việt Nam.
Đề nghị được đưa ra tại một cuộc họp và ăn sáng với Bộ trưởng vận tải Takeshi Maeda ở Tokyo hôm thứ Tư.

Các công ty Nhật và Việt Nam đã đồng ý thành lập một liên doanh để đầu tư xây dựng và phát triển cảng Lạch Huyện ở miền Bắc Việt Nam.Ông Dũng ghi nhận rằng việc hình thành hợp tác công tư, theo đó khu vực nhà nước và tư nhân hợp tác ngay từ các giai đoạn lập kế hoạch ban đầu để phát triển cơ sở hạ tầng, là quan trọng nhằm để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển và sân bay, báo Mainichi của Nhật đưa tin.


Giới lãnh đạo của 20 công ty của Nhật, bao gồm cả các nhà tổng thầu, đã tham dự cuộc họp này, và họ nhấn mạnh về khả năng công nghệ cũng như kế hoạch sẵn sàng tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam phản hồi lại rằng chính phủ của ông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến các dự án đầu tư công tư.
Đây là một trong số các dự án vừa được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và Bộ Tài chính Việt Nam ký kết Hiệp định vay vốn có trị giá 92,6 tỷ yên (1,2 tỷ Đôla).
Bớt phụ thuộc TQ
Trong khi đó tờ Yomiuri có bài cổ vũ cho tuyên bố chung của hai thủ tướng về cam kết để Nhật xuất khẩu công nghệ nhằm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Bài báo nói “Nhật phải mở rộng hợp tác Việt Nam trên cơ sở trung và dài hạn nhằm phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên môn liên quan đến việc vận hành và bảo trì các lò phản ứng”.
Hồi đầu năm nay thỏa thuận khung về pháp lý để hợp tác song phương đã được ký kết nhưng quốc hội Nhật vẫn chưa thông qua thỏa thuận này.
“Đảng cầm quyền và phe đối lập nên đoàn kết để thông qua thỏa thuận này càng nhanh càng tốt”, Yomiuri bình luận.
Kể từ khi xảy ra vụ tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản tại ngoài khơi quần đảo Senkaku vào năm ngoái, Bắc Kinh đã có các biện pháp cứng rắn hơn khi xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản.
Trung Quốc hiện là nước khống chế 90% hoạt động sản xuất đất hiếm toàn cầu và xuất khẩu có giới hạn khiến giá đất hiếm tăng mạnh.
Do vậy Nhật coi dự án cùng khai thác đất hiếm tại Lai Châu ở Việt nam có ý nghĩa chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Báo Yomiuri cho hay chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng đã nhất trí rằng Nhật Bản sẽ nhận người Việt muốn làm y tá hoặc nhân viên chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản.
Được biết chính phủ Nhật sẽ cân nhắc mở chương trình đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam cho kế hoạch này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét