Trang chính

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Vụ hành quyết Ngô Đình Cẩn năm 1964

Tòa án quân sự xử Ngô Đình Cẩn
Trịnh Quốc Thiên

Nhân ngày 01-11-1963 , xin cống hiến độc giả gần xa một số chi tiết lịch sử về cái chết của Ngô Đình Cẩn - em ruột của cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu (VNCH). 

1) Đại Tang - Sét Đánh Ngang Tai:

Sáng ngày 02-11-1963, một hồi chuông reo lên tại tư thất của ông Ngô Đình Cẩn. Đại uý Minh đón nhận cú điện thoại từ Đà Nẵng 1 cách khá miễn cưỡng. Từ phía bên kia, tướng Đỗ Cao Trí ngập ngừng, nói rời rạc: “Anh thông báo ngay cho Cậu biết, Sài Gòn vừa báo tin cho tôi hay là Tổng Thống và ông Cố Vấn chánh trị đã tự tử chết rồi. Tôi không hiểu ra sao nữa …!!!???”.



Đại uý Minh thất thần, run run hỏi đi hỏi lại cái tin "sét đánh ngang tai" đó. Tướng Trí phải xác nhận một lần nữa: "Sài Gòn vừa báo cho tôi hay như vậy!”. Lúc đó, đại úy Minh (quản gia) mới tin đây là một sự thật khá phũ phàng ngoài sức tưởng tượng. Khi nhận được hung tin này, ông Cẩn vẫn không tin và lẩm bẩm: "làm gì có chuyện động trời như vậy…”. Ngay sau đó, ông chỉ thị cho đại uý Minh liên lạc gấp cha Thuận (Nhà dòng Cứu Thế). Khoảng 1 giờ 30 trưa thì đại úy Minh được lệnh ông Cẩn gọi lại tướng Trí và mời tướng Trí ra gấp Huế để tường trình sự việc. 


Ngô Đình Cẩn mặc áo đen, đóng khăn xếp

Khoảng 3 giờ chiều ngày 02 tháng 11, quân Cách Mạng do thiếu tá Tuấn đem xe thiết giáp vây nhà ông Ngô Đình Cẩn (Phú Cam - Huế). Tình hình lúc này khá ngột ngạt, ông Cẩn đã mất tinh thần và dao động cực đô. Dù bên cạnh ông vẫn còn một số người thân tín như ông Minh, ông Trọng, ông Độ, và ông Đào Quang Hiển (Giám Đốc Nha Công An Trung Phần).

Sau đó, ông Cẩn bèn chạy trốn trong một nhà dòng Chúa Cứu Thế. Qua ngày hôm sau, tướng Trí gọi điện thoại cho biết ông sẽ ra Huế với tư cách đại diện cho Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng. Lúc đó, ông Cẩn bắt đầu lâm bệnh, mặt mày hốc hác, và thất thần. Ông luôn xúc động trước cái chết của hai ông anh Diệm-Nhu. Gặp ai, ông cũng thều thào thất thần một cách thểu não "thôi hết rồi! buồn quá …”.

Tình hình Huế lúc đó bắt đầu sôi động, các cộng sự viên cũ của ông Cận lần lượt bo? chạy qua phe Cách Mạng. Chiều ngày 3-11, tướng Trí đã vào tới Huế để tiếp kiến ông Cẩn. Trước khi gặp tướng Trí, ông gọi một cộng sự viên tên T. thân tín dặn dò: "Chiếc bao bố ném ở dưới gậm giường ... trong đó có 24 kí lô vàng. Chiếc valise gồm một số gia bảo và quý vật  ... mày lo liệu giữ gìn không thì tụi nó lấy hết. Số bạc mặt tao vẫn để Trong tu? . . . Mày cứ trao cho Trí giữ hô. ... Cứ trao cho Trí không sao đâu ….".

Cuối cùng thì tướng Trí đã đến. Ông Cẩn vẫn nằm vắt chân chữ ngũ, và mắt đỏ hoe vì khóc. Tướng Đổ Cao Trí vẫn niềm nở và trọng vọng ông Cẩn như ngày xưa. Tướng Trí mở lời:

"Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng ủy nhiệm con đến đây để thưa lại với cậu, Tổng thống và ông Cố Vấn chết là do tai nạn ngoài ý muốn của các tướng lãnh. Chuyện đã xảy ra như vậy bây giờ biết làm thế nào được. Con cũng xin thưa với cậu, Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng kính mời Cậu tham gia và xin mời cậu đứng trong thành phần của Hội Đồng”. Ông Cẩn yên lặng nhìn mọi người trong phòng. Tướng Trí suy nghĩ một chút rồi lại nói tiếp: "Việc đã xảy ra như vậy thì thế nào, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng sẽ áp dụng một số biện pháp đối với cậu như tịch biên tài sản  … con nghĩ Cậu nên tính xem thế nào ... Cậu có thể đưa cho con giữ hộ”. Trò chuyện một chút, tướng Trí đem ra bao bố vàng và valise để lên xe Jeep. Sau đó, đoàn xe của tướng Trí từ từ rời khỏi nhà dòng.

Ít ai biết rằng, ngày 02-11 chính là ngày sinh nhật của ông Ngô Đình Cẩn!

Lịch sử thật trớ trêu. Ngày 02-11 lại chính là ngày đại tang của hai anh trai của ông!

Các Linh Mục Nhà Dòng Cứu Thế đã đến Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế xin tỵ nạn cho ông Cẩn nhưng không được, vì theo luật quốc tế chỉ có Tòa Đại Sứ mới có quyền cho tỵ nạn mà thôi. Ông Lãnh Sự John Helble xin lệnh Tòa Đại Sứ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.  Lúc đầu, toà Tòa Đại Sứ dè dặt chấp thuận, nhưng sau đó ông Cẩn ra điều kiện đem theo thân mẫu (bà cu. Ngô Đình Khả). Sau đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra chỉ thị Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ (ở Huế) không cho ông Cẩn tỵ nạn.

2) Vào Sài Gòn:

10 giờ 45 sáng ngày 05-11, tướng Trí được lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa ông Cẩn về Sài Gòn cùng với bà cu. Ngô Đình Khả (thân mẫu). Ông Lãnh Sự Helble kể lại:"Tôi được cho biết là sẽ đưa ông Cẩn ra khỏi nước…?”. Tháp tùng bởi Tướng Trí, một người sĩ quan Mỹ và một số sĩ quan QLVNCH, ông Cẩn và thân mẫu lên máy bay đi vào Sài Gòn. Hạ cánh Tân Sõn Nhứt, thay vì gặp một viên chức tòa Đại Sứ như đã hứa, nhưng tay CIA Lucein Conein đón bắt ông Cẩn ngay và giao cho quân Cách Mạng giam giữ tại khám đường Chí Hòa.

Trong lúc chiếc máy bay chở ông Cẩn đang bay, thì Đại Sứ Lodge gọi về Hoa Thịnh Đốn báo tin là Tướng Đôn hứa sẽ cho ông Cẩn được xử án một cách phân minh và công bằng, bởi vậy ông quyết định giao ông Cẩn cho phe Cách Mạng. Ông CIA Lucein Conein kể là Đại Sứ Lodge dặn: "Tôi sắp xếp chuyến bay đặc biệt này và ông phải giải giao người trên phi cơ này cho quân Cách Mạng".

Ông Cẩn được nhốt trong khám Chí Hòa cho đến ngày 20-04-1964. Vào ngày này, ông Cẩn phải ra toà án Cách Mạng. Ngồi ghế chánh án là Đại tá Đặng Văn Quang. Luật sư bào chữa cho ông Cẩn là Võ Văn Quang. Đại tá Đặng Văn Quang vốn là con đỡ đầu của thân mẫu đức cha Nguyễn Văn Thuận/chị ruột ông Cẩn). Nhân chứng tố cáo ông Cẩn là bà vợ của ông Nguyễn Đắc Phương. Ông Phương bị người của ông Cẩn xô té từ trên lầu cao trước đây.

Toà tuyên án tử hình ông Cẩn với đủ thứ tội như: tội thủ tiêu người ở Chín Hầm, tổ chức ám sát, bắt người vô cớ, buôn thuốc phiện, và làm thiệt hại kinh tế quốc gia. Trước toà, ông Cẩn nói: "Tôi quân sự không biết, hành chánh không biết, học tầm thường thì làm sao ra lệnh cho ai được?".

Bốn ngày sau khi tuyên án, ông Cẩn đệ đơn xin ân xá. Hai ngày sau đó, Quốc Trưởng Dương Văn Minh bác đơn ân xá. Tướng Nguyễn Khánh, đại sứ Cabot Lodge có xin ân xá giùm nhưng không được chấp thuận.

3) Ra Pháp Trường:

Buổi sáng ngày ông Cẩn ra pháp trường, con gái bà Ấm (cháu gọi ông Ẩn bằng cậu) được phép vào tận trong phòng giam thăm với sự hiện diện của nhân viên coi tù. Chị giơ năm ngón tay ra hiệu cho ông Cẩn (có nghĩa là 5 giờ chiều sẽ bị xử tử). Ông Cẩn khẽ gật đầu. Còn cô cháu gái thì khóc lóc lu bù, và không tiếc lời nguyền rủa những ai phản phúc với ông Cẩn. Ông Cẩn thì vẫn điềm đạm nói với cô cháu gái: "Không có gì đáng buồn mà phải khóc lóc. Làm chính tri. là phải như thế. Cậu không có gì oán thán hết. Làm chính trị thì phải biết sẽ có ngày như thế này".

Buổi chiều khoảng 5 giờ, các viên chức đã có mặt đầy đủ gồm có đại tá Trang Văn Chính-Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành, trung tá Nguyễn Văn Đức-Ủy viên Chính Phủ, luật sư Võ Văn Quang, bà Ấm-chị ruột của ông Cẩn và các viên chức cấp thấp cùng một tiểu đội hành quyết.

Tại trại giam Chí Hòa, người ra bắt đầu đưa ông Cẩn ra pháp trường. Các nhân viên trại giam phải xóc hai vai dẫn ông đi vì ông Cẩn đi đứng không nổi (do bị bệnh sưng khớp, người ông gần như bị tê liệt).  Ông cố gắng bình thản nói với chị ông và các cháu (trong đó có bà Trần Trung Dung: "Không việc gì phải khóc lóc hay chửi rủa ai. Cứ cầu nguyện cho người ta. Cậu làm chính trị thì đã nghĩ đến ngày phải như thế này".

Đại tá Chính và mấy người khác lên tiếng chào ông. Ông Cẩn cúi đầu đáp lễ: "Xin chào các ngài". Khi bị trói vào cột giữa sân bóng đá của khám Chí Hòa, ông vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ông đứng hơi nhón gót, mặc áo dài đen, mặc quần trắng, và đeo kiếng trắng. Rồi ông từ chối bị bịt mắt. Nhưng trung tá Đức - ủy viên Chính Phủ Nói: "Đây là luật lệ bắt buộc như vậy”. Ông Cẩn đành chịu, ông cũng không quên lên tiếng xin mọi người tha thứ cho ông. Cha Thính, nhà dòng Cứu Thế đã đọc kinh lạy cha cứu rỗi linh hồn ông Ngô Đình Cẩn "Xin cho chúng tôi hàng ngày dùng đủ. Và tha tội chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi". Luật sư Võ Văn Quan cũng tiến đến nói vài lời tiễn biệt cuối cùng và xin ông Cẩn cặp kiếng để làm kỷ niệm.

Không khí thật trầm buồn và căng thẳng trong nỗi thê lương. Tiểu đội hành quyết (đứng cách khoảng 15 mét) được lệnh lên đạn sẵn sàng. Tất cả mọi người đều ngấn lệ, nghẹn ngào giây phút tử biệt sinh ly. Rồi một loạt súng nổ, ông Cẩn đã trở về cõi thiên cổ!

Đầu ông gục xuống, lắc lư, máu ở ngục tuôn ra xối xả làm ướt chiếc quần trắng. Một đại uý xạ thủ tới rút súng Colt bắn vào đầu ông Cẩn phát súng ân huệ. Sau đó, xác ông Cẩn được tháo dây trói, phủ tấm vải trắng và đặt trên băng ca để khiêng trở lại khám đường. Người chi. ông (bà Ấm) khóc rưng rức khi đi theo đoàn nhân viên coi tù khiêng băng ca. Nhìn tấm vải trắng loang lổ đầy máu, bà lại càng chảy nước mắt giàn giụa trên hai gò má!

Ông Ngô Đình Cẩn (Báo chí VNCH thời sau gọi ông là Lãnh Chúa Miền Trung hay Bạo Chúa Miền Trung) chính thức bị xử tử ngày 09 tháng 05 năm 1964, tức 1 năm 1 ngày sau ngày nổi dậy biểu tình của Phật giáo tại Huế. Xác ông được gia đình ông bà Trần Trung Dung đem về chôn ở nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế (Chùa Phổ Quang cạnh Bô. Tổng Tham Mưu) với sự đồng ý của thượng tọa Thích Trí Dũng, trụ trì chùa này.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Tương, "Biến Cố 11: Từ Đảo Chánh đến Tù Đày", Hồi Ký Thi-Đông, Sửu-Đán, Hương-Cầm, Tương-Vinh", 1986

2. Lê Tử Hùng, "Những Bí Mật của Cách Mạng 01-11-1963

3. Cao Văn Luận, "Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965", 1972

4. Cửu Long Lê Trọng Văn, "Những Bí Ẩn Lịch Sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm", 1989

5. Hoàng Ngọc Thành, "Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm", 1994

6. Quốc Đại - "Ai Giết Anh Em Ngô Đình Diệm", 2003

7. Lý Nhân - Trần Lệ Xuân "Giấc Mộng Chính Trường", 1999

8. L/S Hoàng Cơ Thụy, "Việt Sử Khảo Luận", vol. 4-6.

9. Lương Khải Minh-Cao Thế Dung, "Làm thế nào để giết một Tổng Thống", tái bản 1988.

10. Nguyệt Đàm, "Chín Năm Máu Lửa dưới chế Độ Ngô Đình Diệm", 1964.

11. Văn Phan, "Đoàn Mật vu. của Ngô Đình Cẩn", 1996.

12. Hoàng Linh-Đổ Mậu, "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi"

13. Stanley Karnow, Vietnam: A History. New York: Viking, 1983.

14. Denis Warner, The Last Confucian. New York: Macmillan, 1963.

15. Anthony T. Bouscaren, The Last of the Mandarins: Diem of Vietnam. Pittsburgh: University of Pittsburgh Press, 1965.

16. Philip E. Catton, Diem's Final Failure: Prelude to America's War in Vietnam. Lawrence: University Press of Kansas, 2002.

17. John Prados, Lost Crusader: The Secret Wars of CIA Director William Colby. New York: Oxford University Press, 2002

18. Pierro Gheddo, The Cross and the Bo Tree: Catholics and Buddhists in Vietnam. New York: Sheed and Ward, 1970.

19. Malcolm Browne, The New Face of War. New York: Bobbs-Merrill, 1968

20. David Halberstam, The Making of a Quagmire: America and Vietnam During the Kennedy Era. New York: Knopf, 1964.

21. Harold P. Ford, CIA and the Vietnam Policymakers: Three Episodes, 1962-1968. Langley (VA): CIA History Staff/Center for the Study of Intelligence, 1998.

22. Ellen J. Hammer, A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York: E.P. Dutton, 1987

23. Howard Jones, Death of a Generation: How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét