Trang chính

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Bất ổn từ bên kia Đường Tuần Tra Biên Giới

Phía Trung Quốc đổ đất đá, lấn suối phân chia, sát biên giới Móng Cái
Chúng lấn suối bằng cách đổ đất đá, thu hẹp lòng suối thế này đây


Máy móc của Trung Quốc cũng vội vã làm đường, ngay sát con suối phân chia 2 nước

Đến hôm nay, hơn 2.000/10.000 km đường tuần tra biên giới (ĐTTBG) đã hoàn thành, sau hơn 20 năm chuyển từ ý tưởng thành hiện thực.
Có thể khẳng định, sự xuất hiện của ĐTTBG, không chỉ là khát vọng ngàn đời của cha ông về một biên cương bình yên – no ấm, mà còn từ cả những câu hỏi thực tiễn nóng bỏng và đối sách với âm mưu thâm độc của các thế lực bành trướng.
Cha đẻ của tuyến ĐTTBG là Đại tướng Phạm Văn Trà. Cuối thập niên 80, khi giữ chức Tư lệnh Quân khu 3, Tướng Trà nhiều lần tới vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh) và rất băn khoăn khi thấy, nhiều nơi sâu vào nội địa 5 -7 km không có dân ở. Trong khi đó, phía Trung Quốc, dân ở rất sầm uất, thậm chí họ còn thả cả trâu bò sang đất ta.
Mặc dù đã có Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ, nhưng đi 5-7 km sát đường biên, không hề thấy bóng dáng người dân… khiến Tướng Trà cảm giác chống chếnh, bất ổn.
Ý tưởng “phải đưa dân ra sát biên giới” định hình và trở thành quyết tâm lớn, trong đầu vị Tư lệnh. Mà muốn đưa dân ra, thì phải có đường đi…

Đường chạy trên biên giới Việt – Lào

Đầu năm 1988, tại một cuộc họp Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng báo cáo: “Bị mất 1 cột mốc ở Quảng Ninh”. Bộ đội Biên phòng và Quân khu 3 nhận lệnh phải đi tìm bằng được. Cuối cùng, người tìm ra cột mốc là một già làng 78 tuổi… – Câu chuyện này càng thôi thúc Tướng Trà ý tưởng đưa dân ra biên giới và vị Tướng đã bàn với lãnh đạo Quân khu, đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà mìn, làm nương rẫy.
Nền đường chủ yếu làm bằng vật liệu bê tông
Sau đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 xin ý kiến tỉnh Quảng Ninh, đưa dân về các bản cũ sát biên giới. Từ một xã thí điểm, dần mở rộng ra 2-3 xã.
Người dân được làm nhà, giao đất, giao rừng quản lý, đồng thời cũng “giao” cho dân phối hợp với bộ đội quản lý đường biên, cột mốc.
Dự án Vùng Kinh tế – Quốc phòng ở Tiên Yên, Ba Chẽ đã hình thành. Từ thành công ban đầu, ý tưởng làm đường càng thôi thúc vị Tướng.
Tướng Trà đặt vấn đề với Bộ Quốc phòng (BOP) và được đồng ý. Thế là, bộ đội triển khai xây dựng những đoạn “Đường vành đai biên giới” đầu tiên. Từ đó, các địa phương khác cũng từng bước xây dựng “Đường vành đai biên giới”, tuy chỉ là đường nhỏ hẹp, cấp phối hoặc rải đá dăm.
Tính đến năm 2005, đã có 21 dự án (dài 484 km), do Bộ đội Biên phòng các tỉnh thực hiện.

Đường chủ yếu làm bằng bê tông

Mùa hè năm 2004, vụ gây rối diễn ra ở Tây Nguyên. Đại tướng Phạm Văn Trà vào tìm hiểu tình hình, càng thấy rõ đòi hỏi hàng đầu đặt ra lúc này là: Phải có đường tốt hơn phục vụ tuần tra, kiểm soát biên giới.
“Khó khăn nhất là từ Bình Phước đi Đắc Nông, phải xuyên qua rừng, hoặc vòng 200 km mới ra được biên giới. Tôi quyết định làm cho được đoạn gần 60 km ở Đắc Nông, thông tuyến biên giới từ Tây Ninh tới Đắc Nông. Tôi giao cho Bộ đội Công binh làm nhanh, như xây dựng các công trình chiến đấu và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Đề án tổng thể về ĐTTBG!”- Đại tướng Phạm Văn Trà kể.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ (TTg) đã có tới 3 cuộc họp nghe lãnh đạo BQP báo cáo Đề án con đường. Lúc đầu, do nhiệm vụ cấp bách, BQP chỉ chuẩn bị phương án làm đường nhỏ, nền đường 3m, trải nhựa cấp phối hoặc đá dăm, đủ cho xe U-oát đi, hoặc chỗ nào khó hơn thì đủ cho người, ngựa biên phòng đi tuần tra.
Tuy nhiên, Chính phủ lại đặt vấn đề: “Nếu làm đường chỉ đủ đi tuần tra thì hơi phí?. Liệu có thể làm con đường lớn hơn, vừa phục vụ Quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh?”.

Vắt vẻo trên đỉnh núi cao vút mây sương

Ngày 4/11/2004, TTg đã chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ nghe BQP báo cáo dự thảo kế hoạch củng cố và xây dựng tuyến ĐBG đất liền đến năm 2010.
Sau khi nghe Thượng tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng) báo cáo, TTg kết luận: “Kết hợp tốt giữa KTXH với Quốc phòng, an ninh. Không làm đường rộng 3m, mà phải làm đường lớn hơn”.
Ngay sau đó, hàng loạt đơn vị khảo sát thiết kế của BQP vào cuộc và đầu tháng 8/2005 đã khảo sát được gần 5.000km biên giới. Một phương án tuyến của con đường từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đã ra đời và bộ đội lại tiếp tục khảo sát cụ thể nhiều khu vực trọng điểm, xác định từng cọc mốc, từng hướng tuyến sao cho ngắn nhất, hợp lý nhất, kinh tế nhất.


Khi Dự thảo Đề án ở mức hoàn chỉnh hơn, ĐTTBG là đường ô tô chạy dọc biên giới, nền rộng 5,5m, mặt đường 3,5m, kết cấu bê tông xi măng, các công trình trên đường làm bằng thép và bê tông cốt thép.
Con đường theo Đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km, qua 25 tỉnh (dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành), dự kiến sẽ phải làm trong hàng chục năm mới hoàn thành.
Tại phiên Họp thường kỳ của Chính phủ (tháng 12/2006), Chính phủ đã ra Nghị quyết về ĐTTBG, nhất trí với đề nghị của BQP: “Đây là công trình Quốc phòng an ninh, quản lý theo cơ chế đặc thù, sử dụng lực lượng quân đội thi công theo hình thức chỉ định thầu”.
Ngày 14/3/2007, TTg Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 313/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.
Đầu năm 2012 tới đây, 250 km ĐTTBG nối Quảng Ninh với Lạng Sơn sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, cũng trên chính cung đường này, đã xuất hện một số tình hình mới, rất đặc trưng cho ý đồ lấn chiếm của phía Trung Quốc.

Trung Quốc làm đường, ngay sau cột mốc của ta

Đơn cử như tại Quảng Ninh: ĐTTBG đi qua khu vực Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và Hoành Mô -Đồng Văn (huyện Bình Liêu), khi thấy chúng ta xây dựng ĐTTBG, phía Trung Quốc cũng vội vã huy động các loại xe máy hiện đại, gấp rút xây đường to bên phía họ.
Đặc biệt, ở những đoạn có ranh giới bằng sông – suối, phía Trung Quốc xây kè, hoặc dùng các biện pháp để nắn dòng chảy sang phía bờ Việt Nam, hòng gây sụt lở, để lấn được thêm ở phía sông bên họ. Có những con suối nhỏ, phía Trung Quốc đổ đất phía bên họ, lấn ra khiến con suối biến thành… lạch nước nhỏ. Việc này đã và đang diễn ra ngay trên địa bàn thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP. Móng Cái)…
Không chỉ trong vấn đề biên giới lãnh thổ, phía Trung Quốc cũng gây khó khăn cho hoạt đông giao thương, phát triển kinh tế ở một số Cửa khẩu có ĐTTBG ngang qua.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Pò Hèn

Cửa khẩu tiểu ngạch Pò Hèn, hay lối… sang chơi?

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Đơn cử như trường hợp Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Ðối diện Cửa khẩu Bắc Phong Sinh là Lý Hoả (Trung Quốc).
Theo hiệp định tạm thời giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bắc Phong Sinh và Lý Hoả không có trong danh sách 21 cặp Cửa khẩu dự kiến sẽ mở.
Nhiều năm qua (đặc biệt từ khi Chính phủ có thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh), Cửa khẩu đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như sân bãi, nhà kiểm hoá, đường vận chuyển hàng hoá…
Mặc dù Việt Nam đã đưa Bắc Phong Sinh vào hoạt động, đạt quy mô Cửa khẩu chính, nhưng Trung Quốc vẫn coi hoạt động của Lý Hoả như một điểm thông quan. Do vậy, việc cấp Sổ Thông hành xuất nhập khẩu, đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh, chưa thực hiện được.
Mặt khác, việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phía Trung Quốc vẫn theo chế độ biên mậu, thời gian mở cửa lại không ổn định (thường không quá 4 giờ/ngày); chính sách quản lý biên mậu thay đổi theo từng thời điểm, thường xuyên tăng phí và dịch vụ, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh và hàng hoá xuất nhập khẩu…
Thời điểm này, cùng với đoạn Móng Cái – Lạng Sơn, một số đoạn ĐTTBG đã thông tuyến với tổng chiều dài lên tới gần 800km (dài nhất là đoạn Kon Tum – Gia Lai, 550km). Thế nhưng, những phức tạp đang chờ đợi những người lính Công binh xây dựng con đường và những người lính Biên phòng sử dụng con đường. lại hầu như nằm ở cung giáp biên giới Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng đang ầm ầm xây dựng dọc đường tuần tra ta mới mở

Ta cũng phải kiên cố, kẻo chúng chơi trò bẩn

Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, khi nhắc đến ĐTTBG đã lạc quan: Sẽ lập nên kỳ tích mới về một con đường bê tông dài nhất thế giới, “Con đường của hòa bình, hữu nghị và phát triển” (chữ dùng của ông Tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN).
Thế nhưng, với những người lính đã – đang bám trụ với từng tấc đất biên giới, thì con đường (đoạn xa nhất chỉ cách đường biên giới cho phép là 1 km, còn lại đều bám sát đường biên) vẫn là những địa bàn hiểm trở, núi cao vực sâu chia cắt, thuận tiện hơn cho bước chân tuần tra Biên phòng, nhưng nỗi vất vả giữ đất – giữ nước không thể tính toán lại được bằng 2 chữ “nhàn nhã”… Bởi phía bên kia biên giới, những cái đầu bành trướng vẫn đang suy tính – nghiền ngẫm tìm cách chiếm đất và bao năm nay, với biên giới, chưa có khái niệm “thời bình”.
———————————–
* Bài viết có sử dụng tư liệu, hình ảnh của Báo Giáo dục Việt Nam và Diễn đàn Phuot.vn, TTVNOL.

Sông Ka Long, biên giới tự nhiên giữa 2 nước

Băng qua đồi núi Tây Bắc

Đường mới trên núi đá

Chặt cây, khoét núi

Bên kia biên giới, phía Trung Quốc toàn xây dựng nhà hộp bê tông, sát đường biên

Bên kia sông là Trung Quốc

Vẫn là Trung Quốc, ở phía bên kia

Vẫn là phong cách bê tông nhà hộp, theo kiểu…thời trang thời chiến
Cột điện bám đường

Lên dốc ngược đến ngạt thở

Nhìn xuống biên giới, từ trên đỉnh dốc

Khu vực cấm, bởi còn rất nhiều mìn chưa gỡ
Con đường kiên nhẫn bám theo bờ suối phân chia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét