Trang chính

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Năm 2012 sẽ là “Năm của người dân lên tiếng”


Lê Nguyên Hồng  

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2011. Năm Con Mèo đã ghi dấu những chuyển biến quan trọng trong đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Người dân đã bước qua được những  ngần ngại cố hữu: Một số đông các nhân sĩ, trí thức, đã dõng dạc lên tiếng trước những bất công, bất cập của xã hội. Đặc biệt là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội đã tạo được tiếng vang, và là những áp lực đáng kể lên bộ máy cầm quyền…

Loài người đã phát minh ra một công cụ vô cùng lợi hại, đó là tiếng nói. Tiếng nói chính là “tín hiệu loan báo các tín hiệu”, ở cường độ thấp và trung bình nó đảm trách nghĩa vụ trao đổi thông tin, ở cường độ cao (tiếng kêu, tiếng gào, tiếng thét), nó lại là một loại vũ khí tạo áp lực tâm lý mạnh nhằm xua đuổi kẻ thù. Tổ tiên loài người đã biết sử dụng loại vũ khí này ngay từ khi tiếng nói còn sơ khai – giống tiếng kêu nhiều hơn là một thứ ngôn ngữ…
Ngày nay tiếng nói đã được chắp cánh bằng chữ viết và được chuyển tải bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Internet là một loại phương tiện đặc biệt khác, trợ giúp đắc lực cho việc lên tiếng của người dân. Và mặc dù đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản, như ban hành các nghị định về quản lý Internet, kiểm soát người dùng, sử dụng các loại Hacker tấn công mạng vv.., nhưng chế độ Độc tài Việt Nam Cộng Sản vẫn đang dần phải bó tay với việc người dân lên tiếng trên mạng Internet.

Khi một tư tưởng hay tình cảm nào đó xuất hiện trong suy nghĩ, nó sẽ có nhu cầu trao đổi thông tin, phát tán thông tin đến những đối tượng khác. Nếu như ai đó có điều chi ấm ức, oan ức, hay bức xúc, hoặc ngay cả là tình cảm yêu thương, mà cứ phải giữ mãi trong óc, trong tim, thì cũng là một cực hình. Nhu cầu bày tỏ đôi lúc vì thế, còn mãnh liệt hơn cả cái đói và cái khát…

Việc lên tiếng của những người có chuyên môn, có kỹ năng nói và viết là chuyện khá dễ dàng. Nhưng đối với đại đa số người dân lao động, ít va chạm đến chuyện văn chương, báo chí, ít có khả năng viết lách là chuyện khó. Nhưng những con người ấy vẫn có nhu cầu bày tỏ, thậm chí nhu cầu của họ còn lớn hơn cả những người có năng lực diễn thuyểt trước đám đông. Vậy thì cách tốt nhất là họ dùng băng rôn, khẩu hiệu, để diễn tả tình cảm, nguyện vọng, mong muốn, hoặc những bức xúc của mình.

Khi người dân lên tiếng, họ đừng lo những tiếng nói của mình là “đàn gẩy  tai trâu”. Thực tế cho thấy, bất cứ thông tin nào đã trở thành tin đồn, thành tin hot, thì đều tác động mạnh đến dư luận. Dư luận sẽ thu hút đám đông, thu hút báo chí, thu hút các tổ chức nhân đạo, thu hút các tổ chức nhân quyền, cuối cùng nó sẽ tác động đến bộ máy cầm quyền…

Chúng ta đừng nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay hoàn toàn là “tai đá” và “đầu sắt”! Bất cứ một chính trị gia nào đang nắm quyền đều phải biết sợ dư luận, biết sợ báo chí. Cái sợ của họ chưa chắc đã xuất phát từ lòng thương dân, yêu nước. Nhưng trước hết là họ phải biết lo cho chiếc ghế quyền lực mà họ đang ngồi, đến bổng lộc mà họ đang được hưởng. Đó mới là điều căn bản nhất. Vì họ biết rằng: nhân dân đang nắm giữ sinh mạng chính trị của họ…

Tiếng nói của người dân chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân họ, gia đình họ. Thảng hoặc đôi khi mới có chuyện họ nói thay cho người khác. Nhưng nếu họ biết gắn kết với nhau bằng những hội nhóm dân sự bí mật, kín đáo, (và cả công khai), thì những hội nhóm đó sẽ có trách nhiệm đứng ra đồng thanh lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho họ khi cần. Điều này hết sức quan trọng!

Nhiều người nhận định rằng, cần gấp rút hình thành phe đối lập trong nước. Thực ra điều đó không cần phải có bất kỳ cố gắng nào, và nếu có cố gắng thì nó cũng sẽ bị đàn áp thẳng tay. Thế nhưng nếu như hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tiếng nói cùng cất lên, không nhất thiết ràng buộc bằng những liên hệ mang tính tổ chức (đối lập), tự nó đã hình thành phe đối lập. Phe đối lập này hoàn toàn vô hình, không một lực lượng công an nào có thể đàn áp, bởi đơn giản là nó là một đại khối tự liên kết. Người ta chỉ cần hưởng ứng theo nhau là được.

Một yếu tố cộng hưởng hết sức quý báu và quan trọng, đó là những tiếng nói của người Việt hải ngọai. Ở hải ngoại, người Việt có thế mạnh là dễ gây áp lực tác động lên chính giới các nước lớn như Mỹ, Úc, Ca Na Đa, và Châu Âu. Họ cũng dễ dàng tiếp cận để đề đạt yêu cầu lên các cơ quan bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã gia nhập WTO, họ sẽ không thể tránh khỏi những ràng buộc pháp lý về dân chủ và nhân quyền với quốc tế. Vì vậy sự lên tiếng của đồng bào hải ngoại sẽ nhân đôi sức mạnh cho những tiếng nói trong nước.

Những động thái nhà nước Việt Nam từng bước chính thức công nhận quyền biểu tình, lập dự án luật biểu tình, công khai công nhận mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa, nhiều vụ án quan chức bị công luận phanh phui, nhân dân phản ảnh, đã bị đem ra xét xử, nhiều tên quan tham đã phải về vườn hoặc nhân án tù vv.., đó đều là những chiến công từ việc lên tiếng của người dân. Vì vậy hãy lên tiếng! Chắc chắn là tiếng nói của nhân dân sẽ không bao giờ là vô ích. Năm 2012 sẽ là năm nở rộ những tiếng nói tự do!

Có nhiều cách và có nhiều con đường dẫn đến tự do, dân chủ. Ở một số nước là do chiến tranh du kích, nổi dậy bằng vũ trang. Ở một số nước khác thì do những phong trào đấu tranh ôn hòa trực tiếp giành lấy chính quyền bằng phương pháp bất bạo động. Đặc biệt, những đổi thay có tính bước ngoặt ở Myanmar những ngày qua cho thấy: Những tháo gỡ từ thượng tầng chính trị cầm quyền cũng là lối ra khả dụng cho một đất nước thoát cảnh Độc tài. Nhưng nếu người dân không lên tiếng, không tạo áp lực, thì không bao giờ có được những sự thay đổi lớn lao mang tính lịch sử...  
Lê Nguyên Hồng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét