Trang chính

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Nam Điếu Cầy - Bắc Tổ Yến


Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei
Trần Giang

Vào thời điểm Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), nhà họa kiểu vận động trường hình tổ yến, được cả thế giới biết đến tài năng nghệ thuật của ông. Nhưng ròng rã suốt mấy tháng qua, cả thế giới lại tập trung theo dõi và khâm phục ông Ngải mà lần này không phải vì một công trình nghệ thuật mới.

Vào tháng 4/2011, khi ra phi trường đi Hồng Kông, ông bị công an chận lại và bắt giữ 81 ngày liền tại một “địa điểm miễn tiết lộ”. Lập tức làn sóng phản đối dữ dội từ các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều chính phủ các nước tự do bùng lên đến độ nhà cầm quyền Bắc Kinh đành phải thả ông về nhà. Kể từ đó, mọi thủ thuật xách nhiễu trong kho bài bản của công an được đem ra áp dụng lên vợ chồng ông Ngải nhưng vẫn không bịt miệng ông được. Thế là vào đầu tháng 11, nhà cầm quyền “bất ngờ phát hiện” và phạt ông tội trốn thuế suốt bao nhiêu năm qua. Số tiền phạt lên đến 15 triệu quan, tức khoảng 2,4 triệu mỹ kim.


Vận động trường hình tổ yến do Ngải Vị Vị thiết kế.
Bản tin này làm nhiều người Việt liên tưởng đến nhà yêu nước can đảm Điếu Cày của Việt Nam. Khi không dám truy tố ông về tội dẫn đầu cuộc phản đối Trung Quốc xâm lược vào cuối năm 2007, giới lãnh đạo Việt Nam “bất ngờ phát hiện” anh thiếu thuế cho thuê nhà. Tòa nhất định không xét đến thỏa thuận đã có giữa anh Điếu Cầy và người thuê. Tòa cũng nhất định phải phạt tù chứ không cho đóng phạt. Khi hạn tù thiếu thuế đã mãn, giới lãnh đạo Việt Nam lại “bất ngờ phát hiện” anh Điếu Cày có tội tuyên truyền chống chế độ theo điều 88 từ trước cả khi thiếu thuế và tiếp tục giam anh trong tù. Một năm sau đó, công an cũng “bất ngờ” nhắc sơ tới việc anh “bị mất tay” trong tù!


Trở lại chuyện Trung Quốc. Ông Ngải Vị Vị không phải nạn nhân duy nhất của trò truy thuế bất ngờ. Trong một bài thuyết giảng cho các cán bộ đặc biệt tại Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Phòng Quốc Gia (Trung Quốc), Thiếu Tướng Jin Yanan xác nhận khi mắc cỡ với thế giới bên ngoài, Bắc Kinh thường kết án các nạn nhân về tội kinh tế. Riêng lần này, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao, Hồng Lỗi, cũng chai mặt khẳng định “ông Ngãi trốn thuế nhiều lắm từ lâu rồi”. Dân chúng Trung Quốc, đặc biệt là dân mạng, lập tức đặt câu hỏi vậy tại sao suốt bao năm qua cán bộ các ban ngành không hề biết, không hề phạt, mà chỉ “bất ngờ phát hiện” khi ông lên tiếng phản đối chính sách đàn áp nhân quyền của giới lãnh đạo Trung Quốc?


Thật vậy, ngay trong thời điểm Thế Vận Hội 2008, ông đã tận dụng cơ hội có sự chú ý của thế giới để lên tiếng cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận tại Trung Quốc. Ông dùng chính buổi lễ phát bằng khen thưởng do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ tọa để phát biểu về nhu cầu tôn trọng nhân quyền tại Trung Quốc. Từ đó đến nay, bất kể các phủ dụ, đe dọa, và trừng phạt, ông đã dùng đủ loại hình thức nghệ thuật để lên tiếng. Các hình ảnh được nhắc đến nhiều nhất là: một đoạn phim quay cảnh ông thả từng lục bình cổ cho vỡ toang dưới đất mà nhiều người cho rằng ám chỉ đã đến lúc chế độ độc tài cổ kính cần phải ra đi; một hình chụp cảnh ông chỉ che thân bằng một tấm tã trẻ em và hàng chữ đặt tên cho bức tranh mà nếu người xem đọc theo tiếng Quan Thoại sẽ cùng tiếng phát âm với câu “..éo mẹ Trung ương đảng Cộng sản”; một bức hình chụp cảnh chính ông ngồi trần truồng bên cạnh 4 bà mập phì cũng trần truồng để mô tả tính hưởng thụ, tính “lợn” của giới tư bản đỏ; vợ chồng ông lập một công ty chính thức có tên là Phát Triển Văn Hóa Giả Tạo; … Mỗi “tác phẩm” của ông, dù ở dạng nào, cũng đều tạo một làn sóng lớn của hàng trăm triệu người ủng hộ và hả hê truyền tay nhau.
"..éo mẹ Trung ương đảng Cộng sản"

 Chính vì vậy, chỉ trong vòng 3 tuần sau khi có tin ông bị phạt thuế, đã có gần 30.000 người tìm đủ mọi cách gởi tiền đến cho ông để đóng phạt, từ các phương tiện gởi tiền qua Internet, đến các dịch vụ giao tiền tận nhà, chuyển thẳng vào trương mục ngân hàng, chuyển qua máy fax, qua điện thoại, và ngay cả xếp tiền giấy thành máy bay phóng qua tường vào sân sau nhà ông. Hầu hết các lời nhắn đi kèm với tiền đều ghi rõ, như “Tôi cho người công dân đáng kính nhất Trung Quốc mượn số tiền này để đóng thuế”, hay “Tôi cho ông Ngải vay số tiền này trong 99 năm rồi trả lại”, ... Sở dĩ các lời nhắn đều ghi đây là tiền cho mượn vì dân chúng đã biết công an chuyên giăng bẫy để truy tố về tội “gây quỹ bất hợp pháp”. Cũng có một số nhà kinh doanh ngỏ ý cho ông mượn những khoản tiền lớn nhưng ông từ chối và chủ ý muốn mượn từng món nhỏ từ thật nhiều đồng bào của ông. Hiện nay ông Ngãi Vị Vị đã có hơn một nửa tổng số tiền phạt, tức khoảng 8 triệu quan, để đóng tiền thế chân trong lúc kháng án.

Khi cả trò truy tố tội thuế cũng trở thành phản tác dụng, vào ngày 30/11/2011, công an bèn xông vào lục soát nhà ông Ngải và bắt giữ ông về tội chụp hình dâm ô, tức bức hình các ông bà tư bản đỏ trần truồng nêu trên. Cùng ngày, tổ hợp luật sư chuyên cố vấn cho ông, đặc biệt là luật sư Pu Zhiqiang cũng bị công an xông vào khám xét, hăm dọa. Vợ ông là bà Lu Qing (Lữ Thanh) bị bắt lên đồn công an khu vực tra khảo hơn 3 giờ liền vì bị “nghi ngờ phạm tội hình sự” nhưng cho tới lúc được thả về vẫn không có ai cho bà biết mình bị nghi ngờ về tội gì. Đa số dân mạng tin rằng cả đồn công an đều biết bà chẳng có tội gì cả.
Chiều hướng hiện nay cho thấy Bắc Kinh càng cố tìm các thủ đoạn mới, bất chấp mức độ thấp hèn, để uy hiếp vợ chồng ông Ngải Vị Vị, dân chúng càng vây quanh ông đông hơn; và cuộc chiến giữa dân chúng mà ông Ngải là mũi nhọn chống lại cường quyền càng lan rộng hơn. Những người ủng hộ ông nhanh chóng chuyển các tin tức mới nhất ra thế giới bên ngoài và nhờ đó, uy tín của ông đối với thế giới ngày càng cao. Trong tuần lễ cuối tháng 11/2011 tạp chí rất nặng ký của Hoa Kỳ, Foreign Policy, xếp hạng ông Ngải Vị Vị thứ 18 trong số 100 nhà tư tưởng lớn hiện nay trên toàn cầu. Với sự ủng hộ từ trong ra ngoài và dội ngược vào trong như vậy, ông Ngải muốn mở rộng và kéo dài cuộc tranh đấu Bất Bạo Động bằng cách chủ động đưa vụ “tội trốn thuế” ra tòa.


Sự kiện Ngải Vị Vị có lẽ nhắc nhở người Việt chúng ta không nên xem tất cả dân chúng Trung Quốc là kẻ thù. Chính họ cũng là nạn nhân của thiểu số lãnh đạo Bắc Kinh mà mức độ ác và độc chẳng thua kém gì các đồng chí đàn em tại Hà Nội. Người dân Trung Quốc cũng ao ước được sống với tự do, nhân quyền, nhân phẩm như người Việt Nam.


Điểm hệ trọng thứ nhì, rõ ràng sức mạnh của ông Ngải Vị Vị đến từ những vòng người dầy đặc đang bao quanh ông. Và cũng chính những vòng ủng hộ nhiệt thành này đã thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của thế giới.


Biết được điều đó, chúng ta lại càng thấy thương và xót cho anh Điếu Cày của tất cả người Việt Nam chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét