Trang chính

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

TQ thăm dò dầu khí ở Biển Đông


Một giàn khoan dầu của Trung Quốc
Trung Quốc đang khát dầu ở Biển Đông khi sản lượng ở những nơi khác đang suy giảm
Trung Quốc sẽ đưa tàu thăm dò nước sâu đầu tiên ra Biển Đông trong nỗ lực khai thác những mỏ dầu còn nằm sâu dưới lòng biển này, một quan chức của Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc cho biết.
Tàu thăm dò Ocean Oil 708 có khả năng làm việc ở độ sâu 3.000 mét và độ khoan sâu 600 mét dưới đáy biển, là một trong những công cụ thăm dò nước sâu mà tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC sử dụng để tăng cường năng lực khai thác dầu ở những vùng nước sâu.

Con tàu này được bàn giao cho COSL vào ngày 16/12 tại Quảng Châu.Tàu thăm dò này thuộc sở hữu của công ty dịch vụ mỏ dầu COSL, một thành viên của CNOOC.

Các quan chức COSL cho biết Ocean Oil 708 được sử dụng trong giai đoạn khảo sát ban đầu như thám sát địa chất, nhưng từ chối tiết lộ tàu thăm dò này sẽ khảo sát khu vực nào trên Biển Đông.
CNOOC đang chuẩn bị khoan mỏ dầu đầu tiên của công ty từ trước đến nay ở phía bắc Biển Đông khoảng đầu năm 2012 bằng dàn khoan Ocean Oil 981, dàn khoan nước sâu bán nổi đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất có trị giá 980 trịêu đô la.
Dàn khoan nay có thể hoạt động ở độ sâu 3.000 mét và có thể khoan đến độ sâu 10.000 mét. CNOOC cho biết họ sẽ xây dựng thêm nhiều giàn khoan giống như vậy.
Cho đến nay Trung Quốc đã khoan chưa đến15 giếng thám sát nước sâu và tất cả đều do các đối tác nước ngoài của CNOOC thực hiện.
Công ty máy khoan dầu Bảo Kê, một thành viên của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC, sản xuất hệ thống máy khoan sử dụng trên tàu Ocean Oil 708, nhật báo China Petroleum đưa tin.

‘Đại Khánh ngoài khơi’

CNOOC đang đặt mục tiêu xây dựng năng lực khai thác tương đương 1 triệu thùng dầu một ngày ở những vùng biển nước sâu vào năm 2020. Dự án này có tên gọi ‘Đại Khánh ngoài khơi’.
Đại Khánh là tên mỏ dầu lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh đông bắc Hắc Long Giang. Được xây dựng vào năm 1964, mỏ dầu này vẫn duy trì công suất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong suốt 40 năm cho đến khi giảm xuống còn 800.000 thùng/ngày như hiện nay.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải cần thời gian lâu hơn mới đạt được mục tiêu này.
Các chuyên gia cho rằng 20 năm, chứ không phải 10 năm mới là thời gian khả thi cho mục tiêu này bởi vì Trung Quốc chưa khai thác đủ tiềm năng dầu khí.
Thêm vào đó, một loạt các tai nạn liên quan đến các mỏ dầu khí ngoài khơi, trong đó có vụ tràn dầu vào tháng Sáu ở một mỏ dầu do công ty Mỹ ConocoPhillips điều hành, sẽ càng làm gia tăng trở ngại cho dự án này.
Trong số gần 15 giếng thám sát nước sâu mà Trung Quốc đã khoan cho đến nay, công ty Husky Engery của Canada đã khoan đến 10 giếng.
Năm 2006, chính công ty này đã có phát hiện về dầu khí ở vùng nước sâu đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc cho đến nay là mỏ khí đốt Lệ Loan nằm cách Hong Kong 300 km về phía đông nam với trữ lượng ước tính từ 4.000 đến 6.000 tỷ foot khối.
Với sản lượng khai thác từ các giếng dầu trên bờ đang dậm chân tại chỗ và tiềm năng có hạn tại các vùng biển cạn sau 30 năm khai thác, Trung Quốc, hiện đang là nước tiêu thụ năng lượng đứng đầu thế giới, cần phải tính đến các nguồn cung cấp khác, trong đó các mỏ dầu nước sâu.
Trong hơn 30 năm qua, CNOOC và các đối tác chỉ khai thác chủ yếu ở những vùng biển sâu chưa đến 300 mét.

Khai thác ở đâu?


Để đạt đến quy mô khai thác của mỏ Đại Khánh, CNOOC cần phải phát hiện thêm 10 mỏ ngoài khơi nữa với trữ lượng tương đương của Lệ Loan, các chuyên gia ước tính.
“Để đạt được mục tiêu này cần phải vượt qua những thách thức rất to lớn, đơn giản là vì nó cần thời gian,” Hoàng Tân Hoa, một nhà địa chất ở công ty tư vấn năng lượng HIS, nói.
“CNOOC muốn làm được chỉ trong vòng một thập kỷ điều mà họ phải cần đến 30 năm mới đạt được ở những vùng biển cạn,” ông nói thêm.
Các dự án thăm dò khai thác của Trung Quốc sẽ tập trung vào những vùng phía bắc của Biển Đông rộng lớn, các nhà địa chất của nước này cho biết.
Hồi tháng 9, Các nhà địa chất của CNOOC cho biết họ đã tìm thấy những trữ lượng dầu mỏ lớn thông qua các cuộc khảo sát địa chất phức tạp, chủ yếu ở các vùng phía bắc của Biển Đông.
Các công ty khai thác dầu sẽ tránh những vùng biển mà cho đến nay chưa được khai thác bao nhiêu ở phía nam Biển Đông do những tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.
Hồi tháng Giêng, CNOOC cho biết sản lượng dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi của nước này đã đạt cột mốc tương đương 50 triệu tấn dầu, tức là bằng với mỏ Đại Khánh. Phần lớn trong số này được khai thác từ các mỏ ở các vùng biển cạn ở vịnh Bột Hải ngoài khơi phía bắc Trung Quốc.
Các công ty dầu mỏ Chevron, BG Group, Husky và công ty độc lập Anadarko của Mỹ đều có các hợp đồng thăm dò và khai thác với Trung Quốc ở những vùng nước sâu.
Bên cạnh CNOOC, các công ty dầu mỏ hàng đầu khác của Trung Quốc là PetroChina và Sinopec gần đây cũng được chính phủ cấp phép hoạt động ở những vùng biển sâu.
Năm 2004, PetroChina được chính phủ cho phép thăm dò ở một lô ở vùng biển phía nam Biển Đông. Nhưng cho đến nay họ chỉ mới tiến hành một số công việc thăm dò địa chất và vẫn chưa bắt đầu khoan.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu PetroChina hoãn lại các công việc tiếp theo vì nơi công ty này thăm dò gần với vùng biển hiện đang có tranh chấp căng thẳng, các quan chức dầu khí Trung Quốc cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét