Trang chính

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Trung Quốc và Hoa Kỳ trong trận chiến WTO


Hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên WTO tại Genève 15/12/2011 (Reuters)

Hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên WTO tại Genève 15/12/2011 (Reuters)

Thanh Hà   RFI

Ngày 11/12/2011, Trung Quốc kỷ niệm 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO. Hoa Kỳ nhìn lại quyết định đã mở cửa đón nhận Bắc Kinh vào Tổ chức Thương mại Thế giới. 10 năm trong gia đình gồm 153 thành viên này được đánh dấu bằng những mâu thuẫn về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California

16/12/2011

More


Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì của thế giới sau nước Mỹ, và có một khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới trị giá hơn 3.200 tỷ đô la mà một phần ba lại là khoản nợ cho Mỹ vay.
RFI : Là một thành viên sáng lập của Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ giữ một vai trò quan trọng khi mở cửa cho Trung Quốc gia nhập. Hoa Kỳ nghĩ gì về quyết định ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Nhìn một cách hời hợt thì Hoa Kỳ có một chữ cho tình huống họ gọi là "buyer's remorse", là sự ân hận của kẻ đi mua hớ! Sự thật lại có nhiều khúc mắc hơn thế.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO mà lại là cuối năm, các cơ quan hữu trách của Mỹ đã phổ biến hai phúc trình liên hệ đến Trung Quốc.
 Thứ nhất là báo cáo năm 2011 của Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về kinh tế và an ninh, được công bố hôm 16 tháng trước.
Thứ hai là báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại của Phủ Tống thống Mỹ mới công bố hôm 12 vừa qua về việc Trung Quốc chấp hành những quy định của Tổ chức WTO.
Cả hai báo cáo đều có những phê phán rất nặng, rằng Trung Quốc không tuân thủ những cam kết và đã trục lợi bất chính nên phương hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ.
Sự thật thì trong 15 năm đàm phán của Trung Quốc để gia nhập Tổ chức WTO, Hoa Kỳ theo dõi rất sát và thủ rất kín về nhiều mặt trước khi chấp thuận quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc mà họ gọi là quy chế "mậu dịch bình thường và thường trực" thay vì phải xin Quốc hội tái tục hàng năm.
Mỹ chỉ chấp nhận việc đó mấy tuần sau khi Bắc Kinh chính thức gia nhập tổ chức WTO vào cuối năm 2001 và quyết định ấy đã phải vượt qua nhiều rào cản từ phía Quốc hội Mỹ.
RFI: Đâu là vai trò của Quốc hội Mỹ trong hồ sơ này với Trung Quốc ? Hoa Kỳ đã có những "thế thủ" như thế nào ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ mở cửa kết giao với Trung Quốc từ năm 1972, đã bang giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và thực tế là cho phép Trung Quốc kế thừa vị trí của Đài Loan trên các diễn đàn quốc tế.

Rồi việc Trung Quốc xin gia nhập WTO và bắt đầu đàm phán với từng thành viên của WTO lại xảy ra sau vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989 khi Bắc Kinh e sợ biến động chính trị vì yếu tố kinh tế và bị nhiều quốc gia cấm vận về kinh tế.
Khi ấy Quốc hội Mỹ mới nêu ra nhiều điều kiện cho Hành pháp trong từng bước thương thảo với Bắc Kinh, trong đó có điều kiện ngoài kinh tế mà cũng có điều kiện trực tiếp liên hệ đến giao dịch kinh tế với Trung Quốc.
Bắc Kinh áp dụng thủ thuật đàm phán là viện dẫn hoàn cảnh gọi là "đang phát triển" của xứ sở để xin một số đặc miễn mà họ sẽ tuần tự giải tỏa sau năm năm, 12 hay 15 năm.
Phía Quốc hội Mỹ thì cho là Trung Quốc chưa có nền kinh tế thị trường đích thực nên nếu muốn được hưởng quy chế gọi là tối huệ quốc thì cũng phải có một số điều kiện mà Hành pháp Mỹ sẽ chấp hành.
Vì vậy nội bộ Hoa Kỳ có nhiều cuộc tranh luận gay go về hồ sơ gia nhập của Bắc Kinh trước khi Chính quyền Bill Clinton rồi Chính quyền George W. Bush chấp nhận quy chế đó.
RFI : Hoa Kỳ đòi hỏi những gì trước khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngoài loại điều kiện gọi là phi kinh tế, như phải vận động cho Đài Loan gia nhập tổ chức WTO hoặc về việc Bắc Kinh phải tôn trọng nhân quyền và hạn chế phổ biến võ khí, v.v... Quốc hội Mỹ vẫn nương vào hoàn cảnh gọi là Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường mà đòi quyền áp dụng một số biện pháp đặc biệt.
Một trong các biện pháp đó là áp dụng khoản 301 trong Đạo luật Thương mại năm 1974 theo đó nếu doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì sức xuất cảng quá mạnh của Trung Quốc thì họ được khiếu nại và yêu cầu Chính phủ ban hành biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO.
Điều kiện ấy mới giải thích vì sao phía Mỹ đã nộp nhiều hồ sơ khiếu nại với WTO và tranh cãi với Bắc Kinh. Song song, Quốc hội Mỹ cũng lập ra một cơ chế giám sát quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước để định kỳ báo cáo và khuyến nghị Chính quyền ban hành biện pháp đối phó.
Nôm na là khi Hành pháp chủ trương giao kết về kinh tế để hy vọng chuyển hoá Trung Quốc về chính trị hầu xứ này trở thành một đối tác biết điều và có trách nhiệm thì Lập pháp Mỹ vẫn thủ kín, nhất là về thương mại, để thường xuyên gây áp lực.
Vì vậy, đây là chuyện "kẻ cắp gặp bà già" và phải nói rằng phía Mỹ không mấy ngạc nhiên về sự lật lọng của Trung Quốc.
Các hồ sơ gọi là "lũng đoạn ngoại hối" khi Bắc Kinh định giá đồng bạc quá thấp, hoặc tội Trung Quốc "trợ giá xuất khẩu" và "biện pháp trả đũa" của Mỹ chỉ là những mặt nổi của một trận đấu liên tục.
RF I: Qua các vụ tranh tụng giữa đôi bên, người ta rút tỉa được những bài học nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong năm năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO thì Trung Quốc có giải tỏa một số quy định về luật lệ, giá cả và thuế biểu hải quan theo những cam kết với Tổ chức này.
Nhưng sau đó, và đây là điều Hoa Kỳ nhấn mạnh, Trung Quốc lại tiện thiện đặt ra luật mới và thi hành chiến lược phát triển có định hướng, theo "chính sách công nghiệp".
Đây là mật mã của việc họ chủ động can thiệp vào kinh tế để bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước, tức là hệ thống quốc doanh, và tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu thông tin minh bạch cho tư doanh nội địa và ngoại quốc khi tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Thật ra thủ thuật đó của Bắc Kinh còn tinh vi chi tiết hơn nhiều. Đó là tạo ưu thế cho doanh nghiệp của họ thụ đắc được loại công nghệ cao cấp để có bước nhảy vọt về kỹ thuật.
Mặt ngoài thì người ta cứ nói đến việc Trung Quốc không thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đã cam kết với WTO nên vẫn còn nạn sao chép hoặc ăn cắp tác quyền của thiên hạ làm cho năm qua doanh nghiệp Mỹ bị lỗ gần 50 tỷ đô la.
Nằm sâu bên trong còn là kế hoạch gọi là cưỡng bách chuyển giao công nghệ để cuối cùng Trung Quốc trở thành một thế lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp có trình độ kỹ thuật cao và trực tiếp cạnh tranh với Mỹ với loại sản phẩm cứ tưởng là sở trường của Hoa Kỳ,
Nhật Bản Nam Hàn hay Đài Loan. Thí dụ ai cũng thấy là Trung Quốc là hãng xưởng toàn cầu về chế tạo xe hơi, đồ gia dụng, hay máy vi tính cao cấp... Kết luận phía Mỹ là Trung Quốc hết là một xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi của Hoa Kỳ về nhiều mặt, cả an ninh lẫn kinh tế.
RFI: Tương lai quan hệ thương mại Mỹ Trung đi về đâu khi Hoa Kỳ công khai than phiền về những chuyện cạnh tranh bất chính đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Năm tới, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử và trước đó vài tuần Trung Quốc có Đại hội đảng khóa 18 và cả hai đều gặp nhiều khó khăn bên trong nên rất khó nhượng bộ.
Dù đầy mưu lược, Trung Quốc cũng thấy ra sự bất toàn của chiến lược phát triển là thiếu cân đối, bất công, khó ổn định và không bền vững nên đã quyết định là sẽ phải cải cách.
Cụ thể là cho dân hưởng nhiều hơn và nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa để tránh động loạn xã hội. Họ trình bày sự thể này như một thiện chi tái lập quân bình toàn cầu vì có nơi vay mượn và nhập khẩu quá mạnh, có nơi tiết kiệm và tiêu thụ quá ít. Nhưng về mặt tự ái và chính danh với thần dân thì đây là sự sốt sắng chủ động của lãnh đạo chứ không do sức ép của thiên hạ.
Phía Hoa Kỳ thì cần xuất khẩu mạnh hơn theo chủ trương của Chính quyền Barack Obama để tạo thêm một hai triệu việc làm và yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là một ưu tiên.
Do đó họ đòi hỏi Bắc Kinh chấm dứt chế độ bảo hộ mậu dịch hiện hành để doanh nghiệp Mỹ đầu tư và bán hàng dễ dàng hơn. Sức ép đó từ phía Hoa Kỳ vào một năm tranh cử sẽ báo hiệu nhiều mâu thuẫn gay gắt hơn trong năm tới. Nhất là khi nhiều tiếng nói từ Quốc hội Mỹ đang đòi Hành pháp phải duyệt xét lại toàn bộ đối sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Một cách khách quan thì Trung Quốc có lợi lớn sau khi gia nhập Tổ chức WTO, nhưng vì bản chất của chế độ kinh tế chính trị, mối lợi đó không tồn tại mãi và đã đến lúc họ phải cải cách nếu không thì cũng sẽ gặp vấn đề như Nhật Bản đã gặp 20 năm trước.
Hoa Kỳ có thấy ra điều ấy nên càng gây áp lực mạnh hơn để xứ này phải cải cách thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét