Trang chính

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

CÁC TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ YÊU CẦU LIÊN ÂU GÂY SỨC ÉP LÊN NHÀ CẦM QUYỀN ĐỘC TÀI VIỆT NAM.


BBC - 11.01.2012


HRW lưu ý trường hợp Bà Bùi Thị Minh Hằng
Các tổ chức nhân quyền kêu gọi EU gây sức ép với Việt Nam tại cuộc đối thoại nhân quyền sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/01.
Trước cuộc gặp, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) từ New York ra báo cáo dài, khuyến nghị EU “gây sức ép để Việt Nam thả hết tù nhân chính trị và đưa ra những cải thiện cụ thể về tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tôn giáo”.

Ba tổ chức khác cũng đưa ra một tuyên bố chung phê phán hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam.
‘Lăm lăm bỏ tù’
HRW cho biết họ gửi cho EU một bản góp ý 15 trang, yêu cầu Việt Nam cải thiện bốn lĩnh vực “chủ chốt”.
“Giới ngoại giao Việt Nam thích quảng cáo với các đối tác nước ngoài về sự tôn trọng pháp trị ở đất nước mình,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của HRW nói.
“Nhưng một hệ thống tư pháp lăm lăm bỏ tù những người phản kháng ôn hòa thể hiện điều ngược lại với những cam kết rỗng tuếch của chính quyền.”
Theo HRW, trong năm 2011, có ít nhất 33 blogger và nhà vận động nhân quyền bị kết án hình sự, và 27 nhà vận động khác bị bắt và chờ điều tra/xét xử.
HRW nhắc đến cả trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, gọi người này là “nhà vận động quyền lợi đất đai” mặc dù thực tế bà được biết qua việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Hôm 6/1/2012, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị vẫn nói: “Các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội cho biết Bùi Thị Minh Hằng đã nhiều lần gây rối trật tự công cộng.”
“Việc xử lý trường hợp này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.”
HRW cũng kêu gọi EU đề cập “nạn công an và cán bộ lạm dụng trại viên trong các trung tâm quản chế và trừng phạt các hành vi lạm dụng đó”.
Tổ chức này kêu gọi “chấm dứt cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện, trại cải tạo, và trung tâm quản lý người lao động tình dục và người vô gia cư”.
Đòi tăng sức ép
Trong khi đó, ba tổ chức - Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn - ra tuyên bố chung cũng nhân cuộc đối thoại này.
Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện vì đây là cuộc đối thoại nhân quyền cấp cao đầu tiên, mặc dù Việt Nam và EU đã nhiều lần đối thoại trước đây.
Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch FIDH, tuyên bố: “Liên Âu phải lấy mọi biện pháp cần thiết, với quyết tâm chính trị cần đủ, tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam để nhà cầm quyền bảo vệ thay vì tống vào tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.”
Hiệp định về hợp tác và đối tác giữa EU và Việt Nam (PCA) có thể được ký trong năm 2012.
Bản tuyên bố lưu ý cuộc đối thoại “diễn ra vào lúc những đàn áp chống giới ly khai và bỏ tù các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền tiếp diễn từ năm 2009, mà những án lệnh cuối cùng vừa xẩy ra cách đây chưa đầy hai tuần lễ”.
Ba tổ chức này đề cập cụ thể vụ xử tù cuối tháng 12 năm ngoái với bà Hồ Thị Bích Khương và Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
Họ cũng yêu cầu EU gây áp lực trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện không được Việt Nam công nhận.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, cũng là phát ngôn nhân cho Viện Hóa Đạo.
Hồi tháng 12, Đại sứ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen, nói EU sẽ hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam trong những vấn đề nhân quyền, chống tham nhũng, tự do báo chí..
Ông hy vọng Hiệp định về hợp tác và đối tác giữa EU và Việt Nam (PCA) sẽ được ký trong năm 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét