Trang chính

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

HRW - Việt Nam: Đàn áp Nhân quyền thành hệ thống

Việt Nam: Đàn áp Nhân quyền thành hệ thống

Những nhà vận động và bảo vệ nhân quyền không chốn dung thân
(New York, ngày 23 tháng Giêng năm 2012) ­– Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố Phúc trình Toàn cầu 2012, trong đó nêu rõ chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các nhà vận động và bất đồng chính kiến trong năm 2011, xiết chặt các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp. Các blogger, nhà văn, nhà bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lợi đất đai, vận động chống tham nhũng, ủng hộ dân chủ và tự do tôn giáo bị sách nhiễu, đe dọa, bắt bớ, tra tấn và bỏ tù.

Trong năm 2011, chính quyền truy tố ít nhất 33 nhà vận động ôn hòa và xử họ với mức án gộp chung lên tới 185 năm tù, cộng thêm thời gian quản chế tổng cộng là 75 năm. Trong số những người bị kết án vì vận động ôn hòa có thể kể đến Ts. Cù Huy Hà Vũ, một nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng; Phùng Lâm, Vi Đức Hồi, Nguyễn Bá Đăng, Phạm Minh Hoàng, Lư Văn Bảy, và Hồ Thị Bích Khương, tất cả đều là những người ủng hộ dân chủ và viết blog về nhân quyền được nhiều người biết đến. Chính quyền cũng bắt giữ ít nhất 27 nhà vận động nhân quyền khác, hiện vẫn chưa kết thúc quá trình điều tra/xét xử. Có ít nhất hai người viết blog – Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) –bị giam giữ không xét xử từ năm 2010.
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam rất tồi và đang tiếp tục xấu đi, với một chuỗi liên tục các vụ bắt bớ những người chẳng làm gì ngoài việc thực thi các quyền của mình,” ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Các nhà tài trợ phát triển cho Việt Nam cần công khai bày tỏ sự ủng hộ hết lòng đối với những nhà vận động dũng cảm của Việt Nam và yêu cầu thả ngay lập tức những người đã bị tùy tiện bắt giữ và bỏ tù.”
Trong Phúc trình Toàn cầu 2012, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá tiến bộ về nhân quyền trong năm qua ở hơn 90 quốc gia, bao gồm cả phong trào nổi dậy của dân chúng thế giới Ả-rập mà trước đó ít người hình dung được. Xét mức độ bạo lực đã được huy động để đối phó với “Mùa xuân Ả-rập,” cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hình thành những nền dân chủ biết tôn trọng quyền của người dân tại khu vực này, theo nhận định của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu ra trong phúc trình.
Ở Việt Nam, hầu hết người bị tạm giam và tù nhân chính trị đều bị cáo buộc với các điều luật có nội dung mơ hồ trong bộ luật hình sự Việt Nam, có hiệu lực hình sự hóa những hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa. Những tội danh được vận dụng gồm có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79); “phá hoại chính sách đoàn kết” (điều 87); “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88); và “lợi dụng tự do dân chủ” nhằm “xâm phạm lợi ích của Nhà nước” (điều 258).
“Chính quyền Việt Nam không thừa nhận việc đã bỏ tù người dân chỉ vì họ thể hiện quan điểm chính trị khác biệt, nhưng lại không ngần ngại vận dụng các điều luật hà khắc để vùi dập những người bất đồng quan điểm chính trị,” ông Robertson nói. “Nếu chính quyền Việt Nam muốn thể hiện sự tôn trọng pháp trị, họ cần thực hiện đúng những cam kết nhân quyền quốc tế, bằng cách hủy bỏ những điều luật đó và chấm dứt đối xử với những nhà vận động ôn hòa như tội phạm hình sự.”
Tình hình tự do tôn giáo cũng không khá hơn mấy, khi thành viên của các tổ chức tôn giáo độc lập vẫn bị công an sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ. Các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia đạo Tin Lành và dòng Mennonite, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bị chính quyền đặt trong vòng ngắm. Công an ngăn cản việc tổ chức tập thể các sự kiện tôn giáo, đe dọa và bắt giữ những người đến dự, và quản chế những người lãnh đạo các tổ chức tôn giáo nói trên tại gia. Ngay cả những tổ chức tôn giáo đã đăng ký, như các nhà thờ dòng Chúa Cứu thế ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn liên tục bị sách nhiễu, trong đó có một lần Nhà thờ Thái Hà tại Hà Nội bị côn đồ tấn công.
Trong tháng Tư, tám nhà vận động đạo Tin Lành người Thượng bị xét xử với các bản án từ 8 đến 12 năm tù, vì bị cho là đã phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Vào tháng Bảy, một linh mục Công giáo bị ốm nặng, Nguyễn Văn Lý, bị buộc trở lại nhà giam sau 16 tháng quản chế tại ngoại để chữa bệnh, giữa tiếng phản đối của giới ngoại giao và các nhà vận động.
Trong tháng Mười Một, hai nhà vận động Pháp Luân Công Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành bị xét xử với mức án lần lượt là ba năm và hai năm tù giam vì đã phát thanh các tin tức về Pháp Luân Công sang Trung Quốc. Vào tháng Chạp, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang xử hai nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân với mức án lần lượt là năm năm và ba năm tù giam chỉ vì họ đã vận động ôn hòa cho Phật giáo Hòa Hảo. Cũng trong tháng Chạp, mục sư Tin lành Nguyễn Trung Tôn bị kết án hai năm tù giam vì đã viết về các hành động đàn án tôn giáo của chính quyền. Trong năm 2011, công an cũng bắt thêm ít nhất mười chín nhà vận động Công giáo và hai nhà vận động Tin Lành khác.
“Chính quyền Việt Nam muốn tách biệt tín ngưỡng khỏi mọi hoạt động vận động xã hội, nhưng tự do tôn giáo cũng bao gồm tự do nói, viết và biểu tình về các vấn đề liên quan tới niềm tin, đạo đức và quyền tín ngưỡng,” ông Robertson nói. “Trước những vi phạm tự do tôn giáo liên tiếp như vậy, Hoa Kỳ cần tái xác định Việt Nam là một ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ (CPC), và vận động các quốc gia khác gây sức ép về vấn đề này với giới lãnh đạo Hà Nội.”
Pháp luật Việt Nam cho phép tùy tiện “quản chế hành chính” không cần xét xử. Theo Pháp lệnh 44 (năm 2002) và Nghị định 76 (năm 2003), những người bất đồng chính kiến ôn hòa và mọi người khác, nếu bị coi là có nguy cơ gây hại tới trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia, có thể bị cưỡng chế đưa và các cơ sở chữa bệnh tâm thần, quản chế tại gia, hoặc quản chế tập trung trong các trung tâm “giáo dục” và “cải tạo” của nhà nước. Những người sử dụng ma túy có thể bị quản chế tới bốn năm trong các trung tâm cai nghiện do chính phủ quản lý, nơi họ được điều trị rất ít nhưng lại là đối tượng bị đánh đập, tra tấn, cưỡng ép lao động (dưới vỏ bọc “lao động trị liệu”), và biệt giam.
Những cựu trại viên từng qua các trung tâm cai nghiện cho biết họ từng bị ép buộc làm việc trong dây chuyền chế biến hạt điều và các việc nông nghiệp khác, rồi các công việc may mặc và các ngành nghề sản xuất khác như gia công mây tre đan. Theo luật Việt Nam, các công ty khai thác sản phẩm từ các trung tâm này được miễn thuế. Một số sản phẩm là kết quả của quá trình lao động cưỡng ép nói trên đã tìm được đường vào dây chuyền cung tiêu của các công ty xuất khẩu cung cấp hàng ra các thị trường ngoài nước, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu.
Theo một bản đánh giá vào đầu năm 2011, trên toàn quốc có 123 trung tâm cai nghiện đang quản chế 40,000 người trong đó có cả trẻ em mới 12 tuổi. Trong tháng Mười Một, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định cho công an đưa một nhà vận động quyền lợi đất đai, Bùi Thị Minh Hằng, vào một cơ sở giáo dục để quản chế trong 24 tháng.
“Không một người nào đáng bị cưỡng ép lao động và nhục mạ trong bất kỳ tình huống nào, chưa nói đến dưới danh nghĩa ‘điều trị’ hay ‘giáo dục’”, ông Robertson nói. “Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích những người bị quản chế, đóng cửa các trung tâm đày đọa này, và hủy bỏ các pháp lệnh và nghị định cho phép quản chế hành chính.”
Để đọc chương riêng về Việt Nam trong bản Báo cáo Toàn cầu 2012 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xin truy cập: http://www.hrw.org/node/104318
Để xem các báo cáo khác của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:
http://www.hrw.org/asia/vietnam

Muốn có thêm thông tin, xin liên lạc:
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406; hay robertp@hrw.org
Ở London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-7908-728-333 (di động); hay adamsb@hrw.org
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay siftonj@hrw.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét