Trang chính

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Huyện Tiên Lãng phải thừa nhận mình sai


TT - Đó là ý kiến của nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Đặng Hùng Võ phản bác giải thích của các cơ quan chức năng Hải Phòng về việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng.
Khu vực xảy ra vụ cưỡng chế tại khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)- Ảnh: Nguyễn Khánh
Tại cuộc họp báo chiều 12-1 về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, ông Bùi Quang Sản, giám đốc Sở TN-MT TP Hải Phòng, khẳng định: “UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất cho công dân để nuôi trồng thủy sản vào thời điểm ngày 4-10-1993, trong khi Luật đất đai năm 1993 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-1993. Như vậy quyết định giao đất này phải áp dụng theo Luật đất đai năm 1987 chứ không phải Luật đất đai năm 1993. Do vậy quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-1 về phát biểu trên của ông Sản, ông Đặng Hùng Võ khẳng định: “Với một người không hiểu luật thì có thể phát biểu như thế, còn những người trực tiếp nắm luật và triển khai thi hành Luật đất đai thì không thể phát biểu như vậy. Điều ông ấy (ông Bùi Quang Sản - PV) nói rất không đúng”.
Thực hiện sai luật
"Thừa nhận mình sai là cách duy nhất huyện Tiên Lãng làm... đúng"
Ông Đặng Hùng Võ
Ông Đặng Hùng Võ phân tích: “Thứ nhất, tôi đề nghị các vị này hãy xem và đọc kỹ lại nghị định 64 của Chính phủ ban hành ngày 27-9-1993. Trong nghị định này đã nói rất rõ: nếu việc giao đất được thực hiện trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực, tức là trường hợp giao đất đã thực hiện trước thời điểm 15-10-1993, thì thời điểm giao đất được tính từ 15-10-1993. Như vậy thời hạn giao đất vẫn phải là 20 năm, mức tính thời điểm giao đất là từ 15-10-1993.
Thứ hai, với quyết định giao bổ sung 19,3ha đất được ký ban hành ngày 9-4-1997, tức là Luật đất đai 1993 có hiệu lực được gần bốn năm rồi mà huyện Tiên Lãng vẫn giao đất chỉ có 14 năm, trong khi Luật đất đai 1993 quy định phải giao đất 20 năm.
Tiếp nữa, quyết định giao đất bổ sung ký ban hành tại thời điểm năm 1997 nhưng lại tính thời điểm giao đất từ ngày 4-10-1993, trong khi Luật đất đai 1993 đã quy định rõ nếu giao sau ngày 15-10-1993 phải tính thời gian giao đất tại thời điểm ban hành quyết định. Nghĩa là việc giao đất bổ sung lần hai bắt buộc phải tính từ năm 1997, tại sao lại làm trái luật để tính từ ngày 4-10-1993?
Ông Đặng Hùng Võ - Ảnh: X.LONG
Còn với quyết định thu hồi đất, thời điểm ban hành quyết định từ năm 2009, lúc này việc thu hồi đất phải tiến hành theo Luật đất đai 2003. Cụ thể, việc thu hồi phải theo quy định của nghị định 181, trình tự thủ tục thu hồi phải theo nghị định 84, tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất... Nhưng thử xem lại trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng ban hành có điểm nào ăn nhập với các quy định nêu trong nghị định.
Theo tôi, cách tốt nhất bây giờ là huyện Tiên Lãng thừa nhận mình sai, đó là cách duy nhất huyện Tiên Lãng làm... đúng”.
Thu hồi đất không có căn cứ pháp lý
Cũng liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Tài cho rằng việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng không có căn cứ pháp lý, không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong số các trường hợp thu hồi đất được quy định tại điều 38 Luật đất đai.
Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong một số trường hợp như: sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế (khoản 1); người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất (khoản 4); cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế (khoản 7); người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất (khoản 8); đất trồng không được sử dụng trong thời hạn quy định (khoản 11)...
Ngoại trừ các trường hợp thu hồi như đã nêu, hộ ông Vươn đương nhiên được tiếp tục gia hạn mà không cần phải thông qua thủ tục thu hồi. Luật sư Tài nhấn mạnh: “Ngay cả trong trường hợp đã hết thời hạn sử dụng 20 năm theo luật định, hộ ông Vươn vẫn được tiếp tục giao hoặc cho thuê đất, điều 67 Luật đất đai khẳng định nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”.
Trong một tình huống khác, luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng huyện Tiên Lãng đã làm sai khi phá dỡ căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3ha bị huyện cưỡng chế thu hồi, vì ngôi nhà này không thuộc phạm vi cưỡng chế nêu trong quyết định cưỡng chế.
Nếu cho rằng căn nhà là nơi các đối tượng ẩn nấp để gây án thì càng phải giữ gìn ngôi nhà nguyên vẹn để phục vụ điều tra, do đây là hiện trường phạm tội. “Nếu lực lượng cưỡng chế phá hủy ngôi nhà không có căn cứ pháp luật thì người trực tiếp chỉ đạo việc phá hủy phải bồi thường cho chủ sở hữu ngôi nhà” - luật sư Nông nói.
XUÂN LONG - T.C. ghi
Ông Nguyễn Quốc Cường (ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội Nông dân VN): Kiến nghị giao đất từ 50-70 năm
Hội Nông dân VN đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó về đất đai có hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai (2003) theo hướng nâng thời hạn giao đất từ 20 năm lên 50-70 năm. Thứ hai, bỏ quy định về hạn điền hoặc nâng diện tích lên để tạo điều kiện cho nông dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa.
Theo chúng tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ ngành có liên quan nghiên cứu các kiến nghị nêu trên. Tới đây khi Thủ tướng Chính phủ có chương trình làm việc với Hội Nông dân, chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lại kiến nghị này. Trước đó, chúng tôi đã nêu kiến nghị trong cuộc làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Hội Nông dân.
V.V.THÀNH ghi
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét