Trang chính

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Đô đốc Mỹ quan ngại về biển Đông


Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ Đô đốc Patrick Walsh vừa bày tỏ quan ngại rằng những tranh cãi về các vùng biển tranh chấp ở biển Đông có thể dẫn đến những vụ đụng độ lớn hơn và nghiêm trọng hơn.


Các tàu hải quân Mỹ trong một lần đến biển Đông - Ảnh: Chiangraitimes.com
Các tàu hải quân Mỹ trong một lần đến biển Đông - Ảnh: Chiangraitimes.com
Trong cuộc phỏng vấn với AP ngày 17.1, ông Walsh cho rằng sự cố tiềm ẩn ở biển Đông có thể leo thang giống như vụ đụng tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hồi tháng 9.2010.
Ông Walsh chỉ ra rằng vụ này lúc đầu chỉ mang tính địa phương, có thể quản lý được nhưng lại dẫn đến mâu thuẫn cấp quốc gia.
Trong vụ này, lực lượng tuần duyên Nhật đã bắt thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng, khiến Bắc Kinh phản đối kịch liệt, hủy mọi cuộc trao đổi cấp bộ trưởng với Tokyo. “Sự việc leo thang rất nhanh chóng. Đó là lý do tôi quan ngại”, ông Walsh, 57 tuổi và sẽ về hưu trong vài ngày tới, chia sẻ.
Đô đốc Walsh đánh giá biển Đông rất quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Nó là nút quan trọng cho tất cả hoạt động kinh tế trong khu vực. Bất kỳ sự va chạm nào ở vùng biển này cũng có thể gây ra vấn đề thật sự”, ông nhận định.
Ông Walsh còn cho rằng các nước trong khu vực ngày càng quan tâm đến việc mua sắm vũ khí hiện đại. Ông kết luận: “Hiện giờ bạn có tất cả yếu tố của một tình huống leo thang”. Trước tình thế này, ông Walsh cho rằng Mỹ nên ủng hộ các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở biển Đông. Theo đó, Mỹ có thể hỗ trợ các diễn đàn khu vực bàn về các vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Nghị sĩ Mỹ lên tiếng về biển Đông
Vấn đề biển Đông cũng được 4 thượng nghĩ sĩ Mỹ John McCain, Joseph Lieberman, Sheldon Whitehouse và Kelly Ayotte bàn với Ngoại trưởng Phillippines Albert Del Rosario trong chuyến thăm Manila 3 ngày, bắt đầu từ ngày 17.1.
Ông McCain tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng Mỹ và các nước ASEAN cần phải nhấn mạnh sẽ làm bất kỳ điều gì để bảo vệ tự do đi lại trên biển, đặc biệt ở biển Đông”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét