Trang chính

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Cựu tướng tiết lộ cưỡng chế đất: 'Quân ta đánh quân mình'


HÀ NỘI (NV) - Ở Việt Nam từng có nhiều vụ cưỡng chế đất vì xung đột lợi ích dẫn đến việc dàn quân đánh nhau giữa hai địa phương nhưng dư luận không hay biết vì guồng máy thông tin đã bị bưng bít.
Cựu Tướng Nguyễn Quốc Thước. (Hình: Báo Giáo Dục Việt Nam)
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu tư lệnh Quân Khu IV đã nghỉ hưu, hiện đang là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của “Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam,” tiết lộ như vậy trên báo VietnamNet hôm Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012.

Cùng với Cựu Chủ tịch nước Lê Ðức Anh, Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước là cựu tướng lãnh lên tiếng mạnh mẽ phản đối chính quyền thành phố Hải Phòng trong vụ “cưỡng chế” đất của gia đình ông Ðoàn Văn Vươn gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Theo lời Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, “Những năm đầu thập kỷ 1990, ở Quân Khu IV cũng xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai, có vụ nghiêm trọng đến mức chính quyền hai địa phương tổ chức dân quân dàn thế trận, xây dựng trận địa, hầm hào, chướng ngại để tranh chấp một vùng đất. Sự việc kéo dài nhưng chính quyền cấp trên không cương quyết xử lý, từ tranh chấp đã biến thành đấu súng giữa hai bên, gây ách tắc quốc lộ 1.”
Ông kể tiếp rằng, thường vụ tỉnh ủy (không thấy nêu trên mặt báo là tỉnh nào) đã yêu cầu ông mang thiết giáp tới “dẹp loạn.” Ông đã từ chối.
Ông hỏi lại là: “Ðưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, Tư lệnh quân khu ra lệnh 'quân ta đánh quân mình' sao?”
Sau đó, ông đã cử đại diện không mang súng, vào điều đình với cả hai phe để cùng thu quân, không biến thành xung đột lớn.
Quân Khu IV gồm các tỉnh phía Bắc miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế.
Năm 1997, người ta chỉ có nghe thấy có vụ người dân nổi loạn ở Thái Bình chống lại nhà cầm quyền tỉnh này quá tham nhũng, ức hiếp người dân. Như vậy những gì được ông Thước tiết lộ phải xảy ra trước biến cố Thái Bình nhưng không ai biết trừ những người chứng kiến, liên quan và những người địa phương.
Ngay như vụ Thái Bình, dư luận quốc tế chỉ biết đến một thời gian sau chứ không biết ngay khi nó xảy ra. Nhưng bây giờ, Internet khá phổ biến, lại có điện thoại di động thông minh, hình ảnh, tin tức, của bất cứ sự việc gì xảy ra ở Việt Nam cũng được người ta phóng lên Youtube, Facebook khó lòng che giấu.
Vụ việc đang diễn ra ở Tiên Lãng, nhà cầm quyền từ xã, huyện đến thành phố nói những lời dối trá với hy vọng che đậy sự thật. Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn nạn nhân, người dân địa phương lên tiếng, tài liệu, hình ảnh cụ thể liên quan đến vụ việc đã chứng minh ngược lại. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét