Trang chính

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Nha Trang: Việt cộng cướp đất Tu Viện để xây khu phức hợp khách sạn, căn hộ 5 sao


NHA TRANG -- Tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang sẽ bị xóa sổ để sẽ xây một khu phức hợp giải trí, theo quyết định của chính quyền địa phương.
Bản tin Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam viết trên mạng hôm 10/2/2012 như sau.

Dự án phá bỏ Tu viện DCCT Nha Trang
VRNs (10.02.2012) - Nguyên khu nhà - đất diện tích 24.638m275 tọa lạc tại số 38 đường Duy Tân (nay là 40 - Trần Phú) Nha Trang được DCCT Sài Gòn mua lại của vợ chồng Ông Van Breuseghem và Bà Minten (Quốc tịch Pháp) vào năm 1959.
Giấy bán đoạn mãi đất, nhà và đồ dùng trong nhà lập ngày 9/3/1959 (có thị thực của chính quyền sở tại và trước bạ ngày 19/3/1959) (“Giấy đoạn mãi”) xác định: “DCCT địa phận Sài Gòn - Bên mua - có quyền sở hữu chủ ngay lập tức kể từ ngày ký giấy đoạn mãi …” và “DCCT lập tại đó một nhà Dòng để chuyên lo phụng sự Thiên Chúa chớ không phải để khai thác làm lợi” (trang 3).
Từ 1959 cho đến 1978, toàn bộ khu nhà - đất này được DCCT sau khi xây lại vào năm 1965, sử dụng đúng mục đích làm trung tâm chuyên lo phụng sự Thiên Chúa, đào tạo tu sĩ DCCT, phục vụ nhu cầu mục vụ giáo dân địa phương… Có lúc sĩ số Linh mục, Tu sĩ Dòng phục vụ tại tu viện này lên đến 50 vị.
Từ năm 1978, nhà cầm quyền và UBMTTQ tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) đã liên tục làm việc với Tu viện đòi được nhượng lại, đòi trưng dụng tầng một để ở chung với Linh mục, Tu sĩ… nhưng Tu viện không chấp nhận vì lý do đây là cơ sở của DCCT Sài Gòn, Tu viện không có quyền định đoạt. Hơn nữa, cơ sở này đã được Đức Giám mục địa phận long trọng làm lễ dâng hiến cho Thiên Chúa. Và nữa là Linh mục, Tu sĩ không thể ở chung nhà với cán bộ…
Cuối cùng, bằng mọi biện pháp, trong đó có cả lý do “…mọi cơ sở của dân, ngay cả cơ sở UBMTTQ đều phải dời cách bãi biển 500m…” để buộc Tu viện DCCT Nha Trang phải giao Tu viện cho Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng… với lời cam đoan “không sử dụng vào những việc có thể làm tổn hại tình cảm của giáo dân”.
Vậy mà sau khi “trực tiếp quản lý, sử dụng” nhà cầm quyền tỉnh đã biến Tu viện thành khách sạn Hải Yến để khai thác làm lợi trái với mục đích, dùng ngôi nhà nguyện, nơi chuyên lo phụng sự Thiên Chúa, cử hành Thánh lễ sáng, chiều phục vụ giáo dân… làm nhà ăn… xúc phạm nghiêm trọng tình cảm giáo dân…
Đến nay, theo chúng tôi được biết, Nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa đang chủ trương kêu gọi đầu tư, gọi là “hợp tác liên doanh” với công ty tư nhân ở Sài Gòn thực hiện dự án “Xây dựng mới khu phức hợp: khách sạn và khu căn hộ cao cấp đạt chuẩn 5 sao…” tại số 40 Trần Phú, Nha Trang, mà mục đích cuối cùng nhắm tới là phá bỏ Tu viện DCCT Nha Trang, chuyển tài sản thuộc sở hữu của DCCT Sài Gòn cho tư nhân trực tiếp quản lý và sử dụng.
Xét về pháp lý, khu nhà - đất 24.638m275 tại 40 Trần Phú, Nha Trang ngày nay thuộc quyền sở hữu hợp pháp của DCCT Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng từ năm 1958 theo giấy đoạn mãi và giấy phép xây dựng số 6565/HC/KT ngày 8/5/1965 của chính quyền tỉnh Khánh Hòa cấp. Do vậy mà mọi ký kết, giao nhận (nếu có) do bị cưỡng ép của người không có thẩm quyền đại diện hợp pháp của chủ sở hữu khu nhà - đất này là DCCT Sài Gòn đều là bất hợp pháp, vô hiệu. Chưa kể đến các quy định pháp luật vào thời điểm năm 1978, kể cả “chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà - đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam (ban hành kèm theo quyết định của Hội đồng Chính phủ số 111_CP ngày 14/4/1977)” mà nhà cầm quyền tỉnh Phú Khánh trước đây và tỉnh Khánh Hòa ngày nay lấy làm căn cứ, cũng hoàn toàn không quy định cho Nhà nước quyền “trực tiếp quản lý, sử dụng Tu viện, của Dòng tu thuộc Giáo Hội Công Giáo” đang sử dụng đúng mục đích.
Hiện nay, theo chỉ thị về nhà đất liên quan đến Tôn giáo (số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ Tướng): “nhà đất liên quan đến Tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng, thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến tình cảm Tôn giáo của quần chúng, tín đồ…”. Và “trong trường hợp các cơ sở Tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà đất đó vào mục đích Tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà - đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức Tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định Pháp luật”.
DCCT Sài Gòn khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với khu nhà - đất 24.638m275 tại 40 Trần Phú, Nha Trang ngày nay và đang xem xét yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa trước mắt ngừng thực hiện dự án, giữ nguyên hiện trạng đất - nhà thuộc sở hữu DCCT Sài Gòn để thực hiện các bước giải quyết tiếp theo đúng quy định pháp luật.
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét