Trang chính

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Phạm Hồng Sơn – Sự nghi ngờ của dân chủ


Nếu có thể tóm gọn sự khác nhau giữa độc tài và dân chủ thì có thể nói độc tài luôn tạo ra và nuôi dưỡng sự lạc quan vô tận cho dân chúng còn dân chủ thì khuyến khích sự nghi ngờ về mọi thứ, nhất là về những người có quyền lực, nắm ảnh hưởng dư luận. Kết quả những cuộc thăm dò gần đây của các tổ chức có uy tín cũng cho ra chỉ số lạc quan vào tương lai của người dân ở một số quốc gia độc tài cao hơn rất nhiều so với ở các quốc gia dân chủ, trong khi chất lượng sống nói chung ở các quốc gia độc tài đó lại đang đi xuống và thấp hơn hoặc thấp hơn rất nhiều so với ở các quốc gia dân chủ.

Các nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và cân bằng (checks and balances), tranh cử tự do, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội hoặc các nhiệm kỳ có giới hạn của các lãnh đạo quốc gia, v.v. trong chế độ dân chủ đều có nền tảng dựa trên mối nghi ngờ quyền lực, nghi ngờ mặt trái của con người. Nếu nghi ngờ đã đưa con người đến với khoa học thì chế độ dân chủ, có thể nói, là một bước tiến vĩ đại của con người về khoa học nhân văn – đặt hẳn nghi ngờ và tạo ra các thiết chế thường trực nhằm thẳng vào những người có quyền, có ảnh hưởng tới xã hội bất kể công trạng, tài năng hay đức độ. Tinh thần dân chủ và chế độ dân chủ không bao giờ chấp nhận và không để cho bất kỳ sự ảnh hưởng, lãnh đạo, hướng đạo nào không phải trải qua sự soi xét, thẩm định của các nghi ngờ, của các thiết chế ước chế quyền lực, hạn chế sai lầm và ngăn chặn sự áp đặt, độc tôn. Đó chính là sự nghi ngờ của dân chủ. Sự nghi ngờ của dân chủ không chỉ giúp phát hiện, loại bỏ cái Ác mà còn ngăn ngừa sự suy đồi của cái Thiện. Thiếu sự nghi ngờ của dân chủ chắc chắn dân chủ sẽ thoái hóa, cái Ác sẽ lên ngôi hoặc vẫn chỉ là độc tài, phi dân chủ. Cuộc sống cũng cho thấy những sai lầm, vấp ngã, hụt hẫng tệ hại nhất, đau xót nhất của con người thường bắt nguồn từ sự tin tưởng tuyệt đối – sự lạc quan vô tận – vắng bóng nghi ngờ.

Nhìn cụ thể vào lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể thấy thảm trạng của đất nước hiện nay cũng một phần, có thể nói là lớn, do hệ quả xã hội Việt Nam chưa có hoặc có rất ít sự nghi ngờ của dân chủ. Trong thời kỳ lịch sử cận đại, đặc biệt giai đoạn 1930-1945, có rất nhiều người tài năng và đức hạnh đã nhiệt tâm ủng hộ và trao hết niềm tin, không một nghi ngờ, cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và các lãnh tụ của nó, chỉ vì đây là một tổ chức chính trị có sức hấp dẫn mạnh hơn so với các đảng phái, tổ chức khác cùng trên một con đường tranh đấu giành lại độc lập, tự do, công bằng cho dân tộc. Nhưng lịch sử tiếp sau đã cho thấy một tổ chức rất kỷ luật và bài bản, với nhiều con người rất đáng khâm phục, có sức thu hút và huy động quần chúng hết sức to lớn, đã tạo nên những chiến thắng lẫy lừng trước các lực lượng nước ngoài hoặc người Việt khác chính kiến, nhưng với động cơ, quan điểm chính trị phản tiến bộ – cụ thể là độc tôn, độc tài toàn trị, phi dân chủ – lại đưa dân tộc và đất nước lún sâu trở lại cú vòng lịch sử:  nhân dân cứ trao hết niềm tin, dốc hết của cải, xương máu cho một lãnh tụ, một tổ chức để rồi lại tiếp tục cuộc đời nô tì cho các vua chúa, lãnh tụ độc tài nội địa.

Chắc chắn không có người Việt nào thực tâm yêu nước hiện nay lại muốn cú vòng lịch sử hổ nhục, đau đớn như thế lại diễn ra một lần nữa. Nhưng việc tránh cú vòng lịch sử đó không đơn giản bởi cuộc đấu tranh hiện nay giữa nhân dân và lực lượng cầm quyền phản dân chủ về bản chất vẫn là cuộc đấu giằng co giữa hai lực lượng Thiện-Ác. Trong khi cái Thiện thường hồn nhiên và bị động thì cái Ác lại luôn âm mưu và chủ động, nhất là khi cái Ác đã bị lộ diện. Cái Ác không chỉ luôn cảnh giác, nhạy bén trong việc phát hiện, loại bỏ những gì gây nguy hiểm cho bản chất Ác mà chúng còn luôn tìm cách biến hóa, biến hình thành Thiện. Lịch sử của ĐCSVN cũng cho thấy Đảng không chỉ thanh trừng, loại bỏ thẳng tay những nhân tố không có lợi cho sự độc quyền quyền lực của Đảng mà Đảng còn dùng đủ cách khiến dư luận ngộ nhận và đồng nhất Đảng với dân chủ, tiến bộ, cải cách, như đổi tên, tự giải tán, tự lập ra các đảng phái khác hoặc “đổi mới”. Những đảng viên công thần hàng đầu của ĐCSVN như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách đều đã bị Đảng gạt bỏ không thương tiếc, không phải vì họ không còn yêu mến hay không trung thành với Đảng mà chỉ vì họ đã có những khát khao hết sức khiêm tốn, nhưng rất cơ bản cho dân chủ, như có một tờ báo tư nhân giống thời thực dân Pháp hoặc chỉ muốn có tranh biện tự do về chính trị. Những đóng góp, hy sinh hết mình cho Đảng, cho “Bác” của những người như Nguyễn Thị Năm hay Vũ Đình Huỳnh cũng không thể giúp họ tránh được lao tù hay phải thí mạng cho những mưu tính về quyền lực độc tôn của Đảng. Những Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ là những tổ chức dân chủ trá hình của Đảng.

Vậy điều gì để đảm bảo ĐCSVN không tiếp tục biến hình dân chủ trong thời đại mà dân chủ đang trở thành khát khao của mọi dân tộc? Ai trong xã hội hiện nay có uy tín, công trạng và sự lẫm liệt đối với Đảng hơn những người vừa kể? Ai có thể đảm bảo rằng giới lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay ngây thơ, yếu kém hơn những bậc tiền bối của họ trong việc duy trì quyền lực độc đoán? Hay giới lãnh đạo hiện nay đạo đức, ít ràng buộc với quyền lực hơn những vị tiền bối tới mức có thể “động lòng” chấp nhận những cải cách dân chủ từ những người tỏ ra “trung thành” với Đảng? Và điều gì đảm bảo rằng những người bề ngoài vẫn tỏ ra “trung thành” với ĐCSVN nhưng lại có tư tưởng dân chủ thực sự ở bên trong? Tất cả đều là những câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng chính việc không thể có một câu trả lời dứt khoát cho những câu hỏi này lại càng cho thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của sự nghi ngờ của dân chủ. Tuy nhiên các thiết chế dân chủ là những thứ không thể có được ngay. Cái có thể có ngay chính là ý thức thận trọng, nghi vấn, nghi ngờ có tính dân chủ đối với tất cả những người cầm quyền và tất cả những nhân vật có ảnh hưởng tới công luận.

Cho dù sự nghi ngờ của dân chủ có thể gây quan ngại hoặc ảnh hưởng tới sự gắn kết, đoàn kết vẫn còn mỏng manh giữa những người dám đứng lên chống lại cái Ác. Nhưng nếu một gắn kết, đoàn kết không chịu nổi hay cố lảng tránh những phê bình của dư luận thì chắc chắn nền tảng của nó có vấn đề. Có thể sự nghi ngờ của dân chủ cũng sẽ ảnh hưởng tới những trân trọng đang cần để khuyến khích thêm sự dấn thân cho xã hội. Nhưng sự trân trọng sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi dám đối mặt và vẫn đứng vững trước mọi thử thách. Tất nhiên, khó có một dân tộc nào đầy chiến tích lại để cho cái Ác cứ ngạo ngược giày xéo mãi. Nhưng chỉ có sự nghi ngờ của dân chủ mới có thể giúp cho dân tộc đó không bị quàng trở lại chiếc vòng nô lệ.

© 2012 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét