Trang chính

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Vì sao ở Việt Nam "quan" xấu không từ chức?


Một câu hỏi tưởng khó, nhưng nghĩ ra lại rất đơn giản:

Ai cũng công nhận, không đâu sướng bằng làm “quan” ở nước ta. Bổng lộc nhiều, được cống nạp dưới mọi hình thức. Hãy nhìn xem, những quan đầu tỉnh trong cả nước, ông nào cũng có biệt thự, ô tô riêng, con cái đi học nước ngoài…


Thử hỏi lương của ông trong một tháng, do nhà nước trả, liệu có thể làm được những điều đó không? Nếu không có “lộc”! Nên chuyện vi phạm khuyết điểm buộc phải từ chức để mất những “lộc” là một việc vô cùng khó khăn, không thể có đối với các quan, nhất là quan đầu tỉnh, thành phố.

Rồi nữa, làm gì có chuyện “từ chức” khi các quan nằm trong lợi ích nhóm, một sự liên kết chằng chịt về quyền lợi từ trung ương đến địa phương.

Không thể có hiện tượng “đứt dây” nửa chừng. Bởi, vì lợi ích nhóm, nên các “quan” phải bảo vệ lẫn nhau, hoặc “giơ cao, đánh khẽ" cho phải lối. “Đứt dây động rừng” chết cả nút, nên chuyện “từ chức” không phải là dễ. “Chờ ý kiến kết luận từ Trung ương, từ Ban tổ chức”… có lẽ cũng vì thế!

Lãnh đạo ở nước ta, vai trò cá nhân trông có vẻ lớn, nhưng lớn khi hưởng bổng lộc, còn rất nhỏ về trách nhiệm.

Vì tất cả đều có sự chỉ đạo của Trung ương, của Ban tổ chức, của kiểm tra Đảng, của sự “thống nhất cao trong thường vụ”… Khi đương chức, không bị lộ về bổng lộc, về khuyết điểm thì cứ an tọa, rung đùi mà tận hưởng.

Còn khi có khuyết điểm, những mưu ma chước quỷ bị lộ, có đủ ngàn cách bao biện, cãi chày, cãi cối để tại vị, mà một trong những luận điểm đưa ra để bào chữa là: “Tôi thực hiện đúng nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Đảng bộ, của Thường vụ…” Trăm tội cứ đổ lên đầu “nghị quyết”, “chỉ thị”, “luật”, “Thường vụ”… không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Thế là xong!

Tiếp nữa, tất nhiên không phải tất cả, nhưng trong những người làm “quan” ở nước ta văn hóa nhân bản, thẩm thấu vào bản lĩnh con người rất kém.

Kém từ các ăn nói (như bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng trước hơn năm trăm cán bộ hưu trí ở CLB Bạch Đằng là một ví dụ) đến kém cả nhận thức không thấy khuyết điểm, không thấy những hạn chế của mình. Đặc biết rất kém về kiến thức quản lý, kiến thức lãnh đạo.

Ăn nói ngạo mạng, kiêu căng, không coi dân ra gì, tự mình đứng trên tất cả, tự mình có thể “đưa đường, dẫn lối”, không cho ai phản biện lại. Nghĩ như thế, làm sao mà “từ chức”!

Một điều nguy hại nữa, những kẻ bất tài, suy đồi đạo đức mà làm “quan”, một cái “phao” họ bám khỏi “chết đuối” là luôn nhân danh Đảng, Nhà nước XHCN!

Nếu dư luận báo chí phê phán thì rất dễ bị họ quy vào tội: “có các thế lực phản động đứng đằng sau kích động, phá hoại làm giảm uy tín Đảng nhằm chống phá chế độ…” giống y như bài nói chuyện của ông Trưởng ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng trước ba trăm cán bộ cốt cán Đảng viên khi ông ta giải thích vụ cưỡng chế đất đai của anh Đoàn Văn Vươn.

Làm quan ở nước ta, không từ chức, cũng vì một nguyên nhân mà các “quan” thấy “sướng” là không chịu sự giám sát của nhân dân, rõ hơn là sự giám sát của Quốc Hội. Tất cả phải có ý kiến của Đảng, có kết luận của của Ban kiểm tra, ban tổ chức Đảng.

Tôi lấy ví dụ, bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng tại CLB Bạch Đằng gây nên sự phẫn nộ trong cán bộ Đảng viên hưu trí, trong đó có rất nhiều Cụ là Lão thành cách mạng, thậm chí có Cụ yêu cầu Bộ chính trị phải cách chức ông ấy.

Nhưng giả như Bộ chính trị không đồng ý cách chức ông ấy mà chỉ “rút kinh nghiệm” trong cách “phát ngôn” thì sao!!!
“Quan” mình sướng, là sướng chỗ đó!

Qua đây tôi nghĩ, nếu như ở Việt Nam, văn hóa “từ chức” thành một hành động phổ biến cho những cán bộ nắm quyền to, chức lớn khi họ thấy rằng, vai trò lãnh đạo của mình không được dân đồng tình, Quốc Hội phản đối, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì đây có thể bước mở đầu cho một cuộc cách mạng dân chủ mới, được toàn dân ủng hộ, uy tín của Đảng sẽ nâng cao.

Trần Kỳ Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét