Trang chính

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

VN bác bỏ cáo buộc về buôn người


Lê Nguyễn

tường thuật từ Hà Nội - thứ sáu, 17 tháng 2, 2012
Ông Vũ Hùng Vương trả lời BBC
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương phản bác cáo buộc của Mỹ về nạn buôn người
Người chịu trách nhiệm chính trong đấu tranh chống nạn buôn người của Việt Nam đã phản bác cáo buộc của Hoa Kỳ rằng Việt Nam dung túng tệ nạn này là ‘không xác thực’ và ‘không thỏa đáng’.

Trao đổi với BBC bên lề Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) lần thứ 8 của các nước Tiểu vùng sông Mekong tại Hà Nội hôm thứ Tư ngày 15/2, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, phó tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát của Bộ công an đã yêu cầu Hoa Kỳ rút lại cáo buộc này.
Hạ viện Hoa Kỳ hiện đang tranh luận về một dự luật đe dọa cắt giảm tài trợ cho Việt Nam nếu nước này không cải thiện thành tích nhân quyền và có nỗ lực nghiêm túc chống nạn buôn người.
Chương trình quốc gia
Tuy nhiên, ông Vương cho rằng điều này không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam.
“Gì thì gì chứ Việt Nam là một dân tộc rất trọng đạo lý,” ông nói, “Đối với nạn buôn người thì người dân rất ghét.”
“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình (để chống nạn buôn người),” ông khẳng định và cho biết nhà nước Việt Nam ‘kiên quyết bằng mọi biện pháp’ loại tội phạm này người ra khỏi đời sống xã hội.
Ông dẫn chứng với việc chống buôn người nằm trong 30 chương trình quốc gia, tức là những vấn đề quan trọng, cấp bách đối với Việt Nam và là một trong 13 mục tiêu quốc gia được cấp ngân sách đặc biệt tương đương các mục tiêu khác như xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu.
Ông cho biết mỗi năm chính phủ Việt Nam dành "hàng trăm triệu đô la cho công tác chống buôn người" và đã nhanh chóng xây dựng luật phòng chống tệ nạn này mà ông tin tưởng đang từng bước được đẩy lùi ở Việt Nam.
"(Nạn buôn người) trong xuất khẩu lao động và trong kết hôn với người nước ngoài xảy ra rất ít. Không thể nói là chúng tôi vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực này.”"
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương
“(Nạn buôn người) trong xuất khẩu lao động và trong kết hôn với người nước ngoài xảy ra rất ít,” ông khẳng định, “Không thể nói là chúng tôi vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực này.”
Về vấn nạn cô dâu Việt bị đưa ra nước ngoài thông qua con đường hôn nhân trá hình, ông Vương nói Việt Nam đã có những hành động rất cụ thể như công an đã phá nhiều vụ người nước ngoài vào Việt Nam để kết hôn trá hình, tuyên truyền để người dân không rơi vào bẫy và giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở phải ngăn chặn.
Chính phủ ‘cũng làm rất tốt’ đối với nạn nhân, ông nói, chẳng hạn như xây dựng khu lánh nạn, tạo công ăn việc làm, cho vay vốn…
“Chủ trương có, pháp luật có và chúng tôi hành động rất kiên quyết,” ông nói.
Về chống buôn người thông qua xuất khẩu lao động, Tướng Vươn cho biết biện pháp của Việt Nam là ‘xét duyệt rất kỹ những công ty đủ tiêu chuẩn đứng ra tuyển dụng lao động’ và cơ quan nhà nước phụ trách xuất khẩu lao động phải nắm chắc qua chính phủ nơi đến xem họ có nhu cầu lao động thật sự hay không.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khó khăn lớn nhất của công an Việt Nam trong việc đấu tranh chống nạn buôn người là địa bàn của tệ nạn này quá rộng lớn vượt biên giới nhiều quốc gia.
“Có những người bị đưa lên những vùng sâu vùng xa của các nước làm cho xác minh, giải cứu nạn nhân rất khó khăn,” ông nói.
Ông cũng cho biết là để thuyết phục phía Mỹ thay đổi quan điểm về vấn đề này, cả hai bộ Ngoại giao và Công an của Việt Nam đã thiết lập một cơ chế làm việc thường xuyên với tòa đại sứ Mỹ để thông báo về nỗ lực của chính phủ Việt Nam và các kết quả đã đạt được.
‘Đáng khen ngợi’
Người chịu trách nhiệm Tiểu vùng sông Mekong của Dự án Liên Hiệp Quốc về phòng chống nạn buôn người (Uniap) là ông Matthew Friedman cũng cho BBC biết ông không đồng y với nhận định của Hoa Kỳ về chống buôn người ở Việt Nam.
Ông đã có thời gian 5 năm theo dõi lĩnh vực này ở khu vực và dành nhiều lời khen ngợi cho Việt Nam.
Ông cho rằng chính phủ Việt Nam ‘rất nghiêm túc’ trong vấn đề này và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để hiểu được vấn đề mà ông đánh giá rằng rất phức tạp.
"Điều mà tôi thấy ở chính phủ Việt Nam là họ đã suy nghĩ rất nhiều để hiểu được những gì họ cần biết và kết quả là họ đã có những bước đi rất có trách nhiệm và có ích."
Matthew Friedman
“Điều mà tôi thấy ở chính phủ Việt Nam là họ đã suy nghĩ rất nhiều để hiểu được những gì họ cần biết và kết quả là họ đã có những bước đi rất có trách nhiệm và có ích,” ông nói.
Ông dẫn chứng là hiện nay Việt Nam đã có luật phòng chống buôn người, số lượng vụ việc bị khởi tố đã gia tăng so với cách đây ba năm và các việc lánh nạn của các nạn nhân đã cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên ông cũng lưu y rằng những kết quả này không phải là nỗ lực của chỉ riêng Việt Nam mà còn có sự can dự rất lớn của các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức dân sự xã hội.
“Từ hội nghị này (SOM8), chúng ta cũng thấy Việt Nam nghiêm túc như thế nào với việc đưa ra kế hoạch hành động và mục tiêu mà họ nhắm đến,” ông lưu y và nhận xét đó là những dấu hiệu ‘đáng khích lệ’.
Ông cũng không cho rằng Việt Nam còn chậm trong hành động chống buôn người.
“Việt Nam đang tịnh tiến với tốc độ tự nhiên mà bất cứ chính phủ nào cũng phải đi qua,” ông nói.
“Có những mục tiêu (Việt Nam) vẫn chưa đạt được,” ông nói, “Nhưng cần phải có thời gian. Có những việc không thể làm được chỉ sau một đêm.”
Luật đã có, Friedman cho biết, giờ là diễn giải luật và đưa nó vào cuộc sống.
‘Vai trò lãnh đạo’
Việt Nam đã tổ chức hội nghị ba ngày về chống buôn người
Ông nhận xét rằng Việt Nam đang chứng tỏ vai trò ‘lãnh đạo’ trong lĩnh vực chống buôn người ở khu vực bằng cách làm mọi thứ có thể để cải thiện cơ chế và quy trình hợp tác giữa các nước.
“Nếu so với 3 hay 5 năm trước đây thì Việt Nam đã có những tiến bộ to lớn. Điều này giúp tôi cảm thấy khích lệ rằng tình hình ở Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều trong những năm tới,” ông nói.
Riêng trong lĩnh vực buôn người qua con đường hôn nhân, ông nói rằng đây là một vấn đề vẫn còn mới nên Việt Nam cần ‘nghiên cứu thêm’ để hiểu về cơ chế cũng như những sự tổn thương khiến vấn nạn này có thể xảy ra.
“Chúng ta chưa hiểu chính xác những ‘kỹ thuật’ lừa đảo mà những kẻ buôn người sử dụng để đưa người vào nhà thổ hoặc bắt họ lao động cưỡng bức,” ông nói.
“Do đó chúng ta cần lắng nghe câu chuyện của các nạn nhân, kết hợp các thông tin và phân tích chúng,” ông nói thêm.
“Những hiểu biết mà chúng ta cần có về vấn đề này phải sâu chứ không phải chỉ ở bề mặt,” ông nói và cho biết thêm rằng Việt Nam đang thu thập thông tin và làm việc với các đối tác để hiểu thêm về vấn đề này.
BBC đã cố gắng tìm hiểu bình luận từ phía Hoa Kỳ về hành động chống buôn người của Việt Nam nhưng Đại sứ David Shear, vốn cũng tham dự Hội nghị các quan chức cấp cao và Hội nghị liên bộ trưởng sau đó của Tiểu vùng sông Mekong về nạn buôn người, đã từ chối tiếp xúc báo chí.
Các quan chức khác của Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội mà BBC tiếp cận cũng cho biết họ không thể bình luận gì vào lúc này.
bbc 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét