Trang chính

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Vụ án “Vay tiền của giặc để đánh giặc” ở Cà Mau: Xin đừng làm tổn thương lòng tin của dân



Vợ chồng ông Tỷ – bà Nguyệt lặn lội ra Hà Nội kêu oan.

Theo chỉ đạo của tổ chức Cách mạng, gia đình cụ Lang vay tiền của Ngân hàng chế độ cũ gửi vào cho kháng chiến.
Năm 1975 thống nhất đất nước, cụ Lang lại cho chính quyền mượn nhà làm kho. Sau này, cụ Lang đòi lại nhà thì bị từ chối với lí do trừ tiền nợ ngân hàng chế độ cũ. Thế ra vay tiền của giặc để đánh giặc lại biến thành nợ Chính phủ. Vụ án đòi nhà này cho thấy nhiều vấn đề pháp lí và đạo lí không nhỏ…

Chủ nhà bị kiện đòi nhà
Nhiều năm qua và ngay trước Tết Nhâm Thìn 2012, vợ chồng ông bà Quách Hồng Tỷ – Lê Thu Nguyệt ở 116 Quang Trung, TP Cà Mau liên tục gửi đơn từ địa phương đến Trung ương để đòi lại 6 căn nhà họ cho Ty Thương nghiệp mượn từ sau giải phóng. Trong lúc đang chờ phán quyết từ chính quyền tỉnh Cà Mau thì vợ chồng ông Tỷ trở thành bị đơn trong vụ kiện đòi tài sản, đòi lại chính căn nhà họ đang ở, mà nguyên đơn là Công ty Cổ phần Phát triển nhà Minh Hải.
Theo nguyên đơn thì kho 6 ở 116 Quang Trung, TP Cà Mau là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Năm 1983, UBND tỉnh Minh Hải giao cho Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Minh Hải sử dụng làm kho chứa hàng. Ngày 19-11-1990, Sở Xây dựng xin mua lại rồi giao cho Công ty Phát triển nhà Minh Hải đại diện kí hợp đồng với Công ty Thương nghiệp mua bán kho 6 với giá 110 triệu đồng.
Năm 1997 Công ty cho doanh nghiệp Nam Sương thuê một gian làm kho chứa hàng, hai gian còn lại cho nhân viên Công ty gặp khó khăn thuê ở. Khi doanh nghiệp Nam Sương hết hạn hợp đồng, dọn đi vào năm 2004 thì gia đình bà Nguyệt dọn đến một gian kho 6 và ở từ đó đến nay. Vì vậy, Công ty này yêu cầu bà Nguyệt trả lại gian nhà kho và bồi thường thiệt hại.
Bà Lê Thu Nguyệt cho biết, năm 1975 Ty Thương nghiệp Cà Mau do ông Lê Xuân Tươi làm Phó Giám đốc đại diện, mượn của cha mẹ chồng bà Nguyệt là hai cụ Quách Văn Hén – Nguyễn Thị Lang 12 căn nhà để làm kho. Đến năm 1988, Ty Thương nghiệp trả lại 6 căn bằng cách hoán đổi nhà 78 Lý Bôn, còn lại 6 căn có diện tích 372 m2 mà Nhà nước cất kho 6 hiện nay chưa trả .
Nay Công ty Minh Hải yêu cầu trả lại tài sản trên, gia đình bà Nguyệt không đồng ý mà yêu cầu Tòa công nhận quyền làm chủ tài sản tại phần đất và một phần kho 6 gia đình đang sử dụng thay thế 6 căn nhà Ty Thương nghiệp mượn năm 1975…
Tòa án nhân dân TP Cà Mau nhận định: “Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải trước đây và tỉnh Cà Mau kế thừa đã xử lí theo quy định chung, đó là việc hoán đổi tài sản nhà mượn với nhà 78 Lý Bôn, phường 2, thành phố Cà Mau cho cụ Lang – cụ Hén để trừ ½ giá trị tài sản mượn; phần còn lại là 6 căn trước đó được đối trừ với tiền cụ Hén – cụ Lang vay ngân hàng của chế độ Sài Gòn 5.000.000đ”.
Vì vậy, Hội đồng xét xử TAND TP Cà Mau chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc gia đình bà Nguyệt dọn đi chỗ khác, trả lại gian kho 6 cho nguyên đơn. Buộc ông Tỷ -bà Nguyệt bồi thường cho Công ty Cổ phần Phát triển nhà Minh Hải 225 triệu đồng. Bị đơn kháng cáo bản án này và vụ án gần đây sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vì có những nhận định của Tòa “nói vậy mà không phải vậy”.
Gia đình có công với cách mạng
Gia đình các cụ Quách Văn Hén, Nguyễn Thị Lang là thương nhân có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến.
Hoạt động kháng chiến của cụ Lang là nuôi giấu cán bộ, ủng hộ tiền bạc cho cách mạng. Ngoài tài sản của gia đình, cụ Lang còn vay tiền ngân hàng để làm suy yếu nền kinh tế của địch, ủng hộ cách mạng. Cụ Lang là một thương nhân có uy tín vay 5 triệu đồng (số tiền lớn ngày đó), để gửi vào vùng giải phóng. Sau ngày Giải phóng miền Nam 1975, thấy Nhà nước còn khó khăn, có nhu cầu mượn kho 6, cụ Lang đã đồng ý. Ông Lê Xuân Tươi, người trực tiếp mượn nhà, mới đây đã phát biểu với báo chí ca ngợi nghĩa cử của gia đình cụ Lang và cho rằng đã mượn thì phải trả lại, nhất là vợ chồng ông Quách Hồng Tỷ, Lê Thu Nguyệt, con trai, con dâu cụ Lang đang gặp khó khăn. Đó là đạo lí…
Luật sư Giã Hoàng Nhựt, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Lê Thu Nguyệt, cho rằng bản án sơ thẩm số 76/2011/DSST ngày 9-9-2011 của TAND TP Cà Mau cần phải hủy bỏ và bác yêu cầu đòi lại tài sản là Kho 6 của Cty Cổ phần Phát triển nhà Minh Hải. Bởi lẽ bà Lê Thu Nguyệt không phải là đối tượng tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất Kho 6 với Cty Cổ phần Phát triển nhà Minh Hải. Nếu có tranh chấp thì Cty này tranh chấp với Cty Thương nghiệp Tổng hợp Minh Hải (nay là Cty Cổ phần Thương nghiệp Bạc Liêu) trong một vụ kiện khác. Trong hồ sơ cũng không có văn bản nào để Tòa cho rằng Sở Xây dựng giao cho Cty Phát triển nhà Minh Hải trực tiếp quản lí, khai thác quyền sử dụng đất tại kho 6.
Về tố tụng cũng không bình thường. Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng QĐ 59/QĐ-UBND là quyết định hành chính. Tuy nhiên, khi bà Nguyệt gửi đơn khởi kiện Quyết định 59/QĐ-UBND ra Tòa Hành chính – TAND tỉnh Cà Mau thì bị trả lại đơn kiện. Theo Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 02/TB-TA ngày 28-7-2011 của TAND tỉnh Cà Mau do Thẩm phán Chung Văn Kết trả lời: Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật tố tụng Hành chính thì QĐ 59/QĐ-UBND ngày 15-8-2006 không phải là quyết định hành chính. Vậy Quyết định 59 là quyết định gì?
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Trưởng Ban Thanh tra TANDTC nhận định: “Tiền mà cụ Lang vay của giặc để đánh giặc mà biến thành nợ của Chính phủ, rồi thu nợ (nếu có quyết định thu nợ) của cụ Lang, như vậy có đúng với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trong Văn bản số 2016 ngày 4-1990 gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính về việc thu nợ đối với những người còn nợ Ngân hàng chính quyền cũ hay không?
Trong khi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo như sau: …”Không chủ trương thu nợ ồ ạt đối với tất cả những người dân mắc nợ Ngân hàng dưới chính quyền cũ”. Không biết người có thẩm quyền giải quyết vụ đòi nhà này, có biết văn bản này không? Hay là cấp trên nói, cấp dưới không nghe?
Cho đến nay gia đình bà Nguyệt khẳng định chưa bao giờ nhận được Quyết định đối trừ số tiền 5 triệu này. Tòa phán xử như vậy là không có căn cứ.
Phải giải quyết tận gốc
“Mượn thì phải trả”, đó là nguyên tắc pháp lí. Trả lại tài sản cho gia đình đã vì cách mạng mà không nề nguy hiểm, không tính thiệt hơn là đạo lí, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, cao hơn nữa là củng cố lòng tin của dân. Mong rằng vụ đòi nhà của gia đình cụ Lang, nay là vợ chồng ông Tỷ – bà Nguyệt được khép lại trên tinh thần ấy.
Trương Tấn Hiền – nguoicaotuoi.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét