Trang chính

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Ngư dân bị Trung Quốc bắt: Bán nhà chuộc người thân

Dân Việt) - “Chúng tôi định bán nhà để nộp 70.000 nhân dân tệ tiền chuộc như yêu cầu của phía Trung Quốc” - chị Lê Thị Phúc, vợ thuyền trưởng Trần Hiền (32 tuổi, ở Lý Sơn, Quảng Ngãi) nghẹn ngào nói.

Bắt người để... đòi tiền
Ngày 29.3, chị Nguyễn Thị Mai Trang (An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đau đớn kể lại: Hôm 1.3, tôi mới sinh con chưa được 3 tuần nhưng do trong nhà tiền bạc chẳng còn nên chồng tôi, anh Phan Văn Tân, đành để lại mẹ con tôi ở nhà, rồi xuống tàu ra biển. Hai ngày sau thì tàu bị Trung Quốc bắt. Chồng tôi và 10 ngư dân trên tàu (QNg - 66074, do ông Trần Hiền làm thuyền trưởng) bị giam giữ từ đó đến nay.
Người thân của 21 ngư dân bị bắt đang ngóng đợi tin lành (ảnh chụp ngày 29.3).
Được biết, tàu ông Trần Hiền bị bắt khi đang hành nghề lặn bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Tin dữ do thuyền trưởng Trần Hiền báo về cho vợ là chị Lê Thị Phúc. Chị Phúc kể lại, ngày 12.3, anh Hiền điện thoại về nhà báo tin bị Trung Quốc bắt giam giữ tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) từ ngày 3.3.
Trung Quốc yêu cầu nộp 70.000 NDT (khoảng 230 triệu đồng) tiền chuộc thì mới thả về. Từ khi nghe tin đó, chị Phúc và 10 gia đình ngư dân trên tàu anh Hiền hoang mang trước số tiền quá lớn. Không biết vay mượn ở đâu số tiền này được, chị Phúc phải tính kế bán nhà.
Cùng bị Trung Quốc bắt giam lần này còn có 10 ngư dân trên tàu QNg - 66101 do ông Bùi Thu (48 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) làm thuyền trưởng. Phía Trung Quốc cũng ra “giá cho tự do” của 10 ngư dân tàu này là 70.000 NDT như tàu ông Hiền. Gia đình của những ngư dân này cũng hoang mang, không biết tìm đâu ra tiền để cứu ngư dân về.
Mong chờ sự can thiệp của Chính phủ
Ngày 29.3, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý sơn, cho biết, từ khi 21 ngư dân bị bắt giữ, huyện cử cán bộ thường xuyên đến các gia đình ngư dân để động viên bà con. Huyện đã hỗ trợ theo quy định 15kg gạo/người/tháng (3 tháng) và 2,25 triệu đồng cho mỗi gia đình các nạn nhân.
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đầu năm 2012 đến nay, tỉnh có 5 tàu cá/61 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, tịch thu ngư cụ, đòi tiền chuộc. Riêng năm 2011, có 17 tàu thuyền, với 200 ngư dân bị nước ngoài bắt và giam giữ, xua đuổi, phạt tù... Phần lớn tàu và ngư dân gặp nạn là ở xã Bình Châu (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn.
“Chúng tôi thấy rằng, việc hỗ trợ như trên là kịp thời nhưng so với những mất mát mà gia đình các ngư dân đang gánh chịu thật chẳng thấm vào đâu. Đấy là lý do, huyện kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng. Đã có một số doanh nghiệp cho biết sẽ đến hỗ trợ thêm cho các gia đình, động viên họ an tâm trong tai nạn này”- bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh, cùng các ngành liên quan đề nghị giúp đỡ và có hướng đề xuất với Nhà nước tìm cách can thiệp để Trung Quốc thả người.
Ông Lê Viết Chữ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã gửi văn bản cho các bộ, ngành T.Ư đề nghị can thiệp để 21 ngư dân và phương tiện được trả về trong thời gian sớm nhất. Tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các bộ phận liên quan giúp đỡ, hỗ trợ cho thân nhân gia đình các ngư dân bị bắt ổn định cuộc sống.
“Sói biển” Mai Phụng Lưu: “Tan cửa nát nhà vì tiền chuộc”
Đã 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu cá khi đang đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa, ông Mai Phụng Lưu, người được mệnh danh là “sói biển” ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: Tôi rất xót xa vì 21 ngư dân Lý Sơn đang phải chịu đựng những đau đớn, khổ ải cùng cực như tôi ngày trước vì khi rơi vào tay phía Trung Quốc, họ phải chịu ăn uống thiếu thốn, ở tạm bợ, mất tự do, và không chừng bị đánh đập tàn nhẫn. Tuy nhiên cái đáng sợ nhất là họ đối diện với nguy cơ bị tịch thu tàu thuyền, mà như vậy là trắng tay.
 
Trong 4 lần tôi bị phía Trung Quốc bắt, thì đến 2 lần tôi bị tịch thu tàu, 3 lần tôi phải nộp tiền chuộc (trên 700 triệu đồng). Phía Trung Quốc đã làm cho gia đình tôi tán gia bại sản, con cái ly tán mỗi đứa một nơi, tôi thất nghiệp, lâm vào nợ nần chồng chất. Trải qua những cảnh đó, tôi thiết tha mong Nhà nước có can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ bằng con đường ngoại giao để Trung Quốc mau chóng thả vô điều kiện 21 ngư dân và tàu thuyền của họ về nước. Nếu không có sự can thiệp này, các ngư dân sẽ kéo dài những ngày tháng đau khổ tại nhà tù Phú Lâm. Gia đình họ sẽ rất đau đớn mong ngóng người thân trở về. Và sẽ rất xót xa khi những gia đình ngư dân nghèo phải vay mượn, thậm chí bán nhà cửa để gửi tiền chuộc tự do cho những ngư dân vô tội.
Nhân đây, tôi hy vọng rằng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ mau chóng được thành lập, được trang bị đầy đủ những phương tiện cần thiết cũng như cơ sở pháp lý để có tiếng nói và hành động bảo vệ được công dân mình đang hoạt động hợp pháp tại biển khơi, trong đó có ngư dân chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét