Trang chính

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

"Cần lắm một xã hội không tham nhũng"


Video: Ý kiến của bà Lê Hiền Đức và thanh niên tham dự hội trại cùng tiết mục trình diễn thời trang đề tài về tham nhũng.
Radio Australia - Đó là thông điệp mà các bạn trẻ gửi gắm qua màn trình diễn thời trang chủ đề Tham nhũng tại Hội trại Liêm chính cuối tuần qua tại Hà Nội.
Chương trình Hội trại Liêm chính với chủ đề Thanh niên Liêm chính vì sự Phát triển Bền vững đã diễn ra trong không khí tưng bừng và sôi động tại Công viên Gò Đống Đa, Hà Nội vào ngày 24/3 vừa qua. Có thể nói đây là lần đầu tiên một sự kiện về phòng chống tham nhũng được tổ chức rầm rộ như vậy tại Việt Nam. Chương trình đã thu hút hơn 1.000 lượt người tới tham gia, tham quan và 100 tình nguyện viên tham gia tổ chức.
Từ vấn đề to tát thành vấn đề gẫn gũi

Các bạn trẻ tham gia Hội trại Liêm chính. (Credit: ABC) 
Hội trại Liêm chính là ý tưởng của thanh niên và do chính các bạn trẻ thực hiện với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính của Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam. Các bạn trẻ đã thể hiện chủ đề “tham nhũng” - vấn đề nóng của xã hội - dưới những góc nhìn, nét vẽ, tiết mục hài hước và những hoạt động vui vẻ, sáng tạo mà ý nghĩa như thời trang không liêm chính, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ tại cây liêm chính, khám phá xứ sở liêm chính, xem phim về đề tài phòng chống tham nhũng v.v… Hội trại Liêm chính đã được không chỉ các bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi và trẻ em đón nhận một cách thích thú.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ trước đây các bạn ít khi để ý đến vấn đề tham nhũng vì cũng như nhiều người khác trong xã hội, các bạn nghĩ rằng chống tham nhũng quá to tát, không phải việc của mình. “Nhưng nhờ đến với hội trại này mà mình nhận ra rằng phòng chống tham nhũng là việc hết sức cấp bách và mình nghĩ nên có nhiều chương trình tuyên truyền như thế này hơn nữa”, Bùi Nhật Hoàng, sinh viên Đại học Luật, cho biết.
Thanh niên cần được vận động tham gia vào phòng chống tham nhũng
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có luật và chính sách khuyến khích người dân, trong đó có thanh niên, tham gia vào phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng tới nay các hoạt động tuyên truyền, vận động từ phía chính phủ dành cho đối tượng thanh niên hầu như chưa có.
Theo kết quả khảo sát tính liêm chính trong thanh niên Việt Nam do Tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố năm ngoái, 86% thanh niên được phỏng vấn nghĩ rằng thanh niên có thể đóng góp vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vũ Tố Quỳnh Anh, sinh viên Đại học Công nghệ và Quản lý (UTM) và Nguyễn Văn Vương, sinh viên Đại học Bách Khoa, cho biết các bạn cảm thấy rất bức xúc trước tệ nạn tham nhũng nhưng chưa biết cách làm thế nào.
“Bản thân em và nhiều bạn nữa rất muốn có những tổ chức hay những phong trào tuyên truyền phòng, chống tham nhũng vì tương lai công bằng, minh bạch,” Quỳnh Anh nói.
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồngcủa Quốc hội:“Nếu như trước kia, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc, thanh niên là lực lượng đi đầu thì ngày nay, cuộc chiến chống tham nhũng cũng cần có sự tham gia tích cực, đi đầu của thanh niên”.
Bà Lê Hiền Đức, người thường được biết với danh hiệu “Anh hùng chống tham nhũng” ở Việt Nam, tâm sự rằng bà rất buồn và búc xúc trước thực trạng tham nhũng hiện nay nhưng bà tin tương lai sẽ minh bạch hơn khi thanh niên sẵn sàng nói không với tham nhũng.
Mặc dù, đa số thanh niên đến Hội trại Liêm chính chia sẻ rằng họ đã nhận ra tầm quan trọng của liêm chính và phòng, chống tham nhũng nhưng các bạn cũng còn băn khoăn và thấy rất nhiều khó khăn phía trước.
Ông Phạm Quốc Lộc, chủ nhiệm câu lạc bộ Vì một nền giáo dục sạch (FACE), Đại học Hoa Sen, cho rằng: “Để thanh niên có thể tham gia một cách có hiệu quả vào phòng, chống tham nhũng, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có nhà trường, cần giáo dục đạo đức, ý thức và tăng cường sự hiểu biết về vấn đề phòng, chống tham nhũng cho thanh niên”.
Điều quan trọng hơn cả theo lời của một sinh viên: “Muốn tạo ra một môi trường trong sạch, phải thực hiện đồng bộ, từ trên xuống dưới. Các nhà lãnh đạo có gương mẫu thì những cán bộ dưới họ và những người dân mới nhận thấy những giá trị mà họ mang lại là tốt và mới tin tưởng vào xã hội tốt đẹp”.

*Xem thêm bài viết trên trang Facebook của Radio Australia:

1 nhận xét: