Trang chính

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Hải Phòng xử lý vụ Tiên Lãng đến đâu?

Ủy ban nhân dân [TP] Hải Phòng đã ra thông cáo báo chí thông báo kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng.


Dư luận chờ đợi Thủ tướng Việt Nam sẽ nói gì về cuộc điều tra của thành phố Hải Phòng


Một số người quan tâm vụ việc lại cho rằng việc thực hiện của Hải Phòng là chưa thỏa đáng.

Toàn văn thông cáo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng vào tối hôm thứ Ba ngày 3/4, tức là quá ba ngày so với thời hạn mà Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng phải báo cáo.

Theo đó, Hải Phòng cho biết họ đã thực hiện được 7 công việc: thu hồi các quyết định thu hồi cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn, xử lý vi phạm sử dụng đất của ông Vươn, điều tra khởi tố vụ phá nhà ông Vươn, điều tra và khởi tố vụ án ‘giết người và chống người thi hành công vụ’ của gia đình ông Vươn, xử lý kỷ luật các cán bộ và tổ chức có liên quan và cuối cùng là ổn định chính trị, tư tưởng nhân dân.

Thông cáo cho biết Ủy ban nhân dân [TP] Hải Phòng đã ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết vụ Tiên Lãng chỉ hai ngày sau khi có kết luận của Thủ tướng và thành lập một Tổ công tác chuyên trách do Phó Chủ tịch thường trực Đan Đức Hiệp đứng đầu để thực hiện các công việc trên.

‘Vi phạm có hệ thống’

Đáng lưu ý là trong bảy công việc trên, thông cáo đã tập trung phân tích rất cụ thể các vi phạm của ông Vươn với đầy đủ diễn biến và số liệu. Nội dung xử lý vi phạm ông Vươn chiếm độ dài đáng kể trong toàn bộ thông cáo.

Thông cáo kết luận ông Vươn đã ‘vi phạm pháp luật một cách có hệ thống’ trong quá trình sử dụng đất.

Trong 5 ‘vi phạm’ được nêu, thông cáo cho biết 2 hành vi đã được xử lý là lấn chiếm đất và phá rừng phòng hộ trong khi 3 hành vi còn lại chưa được xử lý dứt điểm là cho thuê lại đất, nợ đọng thuế và không đăng ký tạm trú với chính quyền.

Về vụ án phá dỡ ‘nhà coi đầm’ của gia đình ông Vươn vốn đang được dư luận quan tâm, thông cáo cho biết đã ‘làm rõ được toàn bộ vụ án và hành vi của các đối tượng tham gia’.

Tuy nhiên, thông cáo của thành phố Hải Phòng lại không nói rõ những sai phạm đã được làm rõ đó giống như phần phân tích những hành vi phạm pháp của ông Vươn cũng như chưa đề cập đến việc khởi tố bị can và nêu danh tính các bị can.

Về xử lý cán bộ vi phạm, thông cáo cho biết đã ‘tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật’ tổng cộng 25 tổ chức và 50 cá nhân ở cả cấp huyện Tiên Lãng và cấp thành phố.

Ủy ban nhân dân Hải Phòng kết luận rằng sau gần hai tháng thực hiện kết luận của Thủ tướng thì tình hình Tiên Lãng hiện nay là ‘tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội thực hiện tốt hơn so với cùng kỳ’.

Về dư luận nhân dân thì thông cáo cho biết là ‘nội bộ đoàn kết, tư tưởng cán bộ đảng viên và nhân dân ổn định’.

Thông cáo cũng nêu rõ Hải Phòng cũng đã có phương hướng giải quyết lâu dài như đã chỉ đạo đình chỉ thu hồi đất nuôi trồng thủy sản và đã tiếp xúc với các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ.

‘Chưa thỏa đáng’


Vụ án phá nhà ông Vươn đã 'điều tra rõ ràng' nhưng vẫn chưa khởi tố bị can



Sau khi có thông cáo của thành phố Hải Phòng, BBC đã liên hệ gia đình ông Vươn và một số nhà quan sát để tìm hiểu phản ứng của họ.

Bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý và là một trong các bị can trong vụ án ‘giết người và chống người thi hành công vụ’ bị nêu tên trong thông cáo, cho biết bà thấy thông cáo này ‘chưa thỏa đáng’.

Bà Hiền nói bà ‘không đồng ý những cái họ nói về những sai phạm của nhà em’ và than phiền vụ án phá nhà của gia đình bà đã khởi tố ‘lâu quá’ mà vẫn chưa tìm ra bị can nào – điều mà bà cho rằng ‘chưa hợp lý’.

Về nội dung thông cáo nói chính quyền đang xúc tiến cho gia đình bà tiếp tục thuê đất để sản xuất, bà Hiền cho biết là ‘họ chỉ nói như vậy thôi chứ chưa chính thức có văn bản nào cả’.

“Mong rằng tới đây mọi việc được nhanh chóng giải quyết để chị em ổn định tư tưởng và sắp đặt lại cuộc sống”, bà nói và cho biết bây giờ cuộc sống của gia đình bà ‘chỉ cầm cự thôi’ và bản thân bà cũng cảm thấy rất mệt mỏi.

Luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi sát sao vụ việc, nhận xét thông cáo của Hải Phòng bộc lộ hai vấn đề chưa thỏa đáng.

“Vụ phá nhà ông Vươn nói rằng đã điều tra đầy đủ rồi nhưng tại sao chưa khởi tố bị can?”, ông nói, “Vấn đề thứ hai là đá quả bóng lên cho Bộ Tài nguyên Môi trường (về giải quyết cho ông Vươn và các hộ nông dân khác thuê đất) chứ không tự mình giải quyết theo thẩm quyền”.

Luật sư Hải cũng không đồng ý việc khơi lại ‘tội lỗi’ của ông Vươn vì ‘đã giải quyết từ lâu lắm rồi’.
“Nếu nhắc lại thì phải nhắc lại rất nhiều (về vi phạm của chính quyền) như quy hoạch đúng sai thế nào, phát ngôn thế nào và tạo điều kiện cho dân khai hoang lấn biển như thế nào”, ông nói.
Ông cho rằng việc kỷ luật các quan chức có liên quan là ‘hời hợt’ và ‘thiếu nghiêm túc’ trong khi vụ việc Tiên Lãng là ‘rất nghiêm trọng’.

“Lẽ ra lãnh đạo thành phố phải trực tiếp nhận trách nhiệm và phải từ chức”, ông nói và nói thêm rằng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành đã từng làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch thành phố nên ‘biết rõ những điều như thế này’.

‘Kỷ luật buồn cười’


Một số người yêu cầu truy cứu trách nhiệm Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành



Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, cũng có cùng bức xúc với ông Hải về việc ‘cho đến nay việc phá nhà ông Vươn cũng chưa truy tố người nào cả’.

Ông cho biết theo dõi vụ việc từ đầu đến nay ông thấy rằng chính quyền Hải Phòng ‘không thực tâm thực hiện ý kiến kết luận của thủ tướng’.

Ông dẫn chứng với việc bổ nhiệm Phó chủ tịch thành phố Phan Trung Thoại, người đổ tội phá nhà ông Vươn cho ‘người dân bức xúc’, làm Tổ trưởng tổ xử lý ngay từ đầu và mới đây là động thái ‘truy bức ông Vươn’ mà ông coi như ‘động thái trả thù’ của chính quyền đối với ông Vươn.

Là đảng viên hơn 40 năm, ông cho biết các hình thức kỷ luật cảnh cáo hay khiển trách ‘không có ảnh hưởng gì hết và hơi buồn cười, như ‘gãi ngứa’ vậy thôi’ vì đảng viên bị cảnh cáo chỉ bị ‘ghi lý lịch thôi’.

“Phải có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc, phải truy tố ra tòa”, ông nói.

Ông chỉ trích lãnh đạo Hải Phòng đứng trước sự việc xảy ra đã ‘tránh né đổ thừa chứ không dám chịu trách nhiệm’ và ‘không xử lý nghiêm khắc những người thuộc quyền của mình’.

Ông Đằng dẫn Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng có đề cập ‘người đứng đầu phải chịu trách nhiệm’ để cho rằng Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành có ‘trách nhiệm chính’ trong vụ việc và lẽ ra phải bị Trung ương Đảng xử lý.

Ông Đằng cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần thể hiện trách nhiệm trong quá trình xử lý vụ việc.

“Thủ tướng khi ra kết luận thì phải theo dõi để có ý kiến chỉ đạo”, ông nói. “Từ ý kiến của Bí thư Hải Phòng phát biểu cho đến việc làm của ban xử lý, Thủ tướng cũng không có ý kiến gì, điều chỉnh gì để cảnh báo Hải Phòng làm đúng kết luận của Thủ tướng’.



Nguồn: bc.co.uk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét