Trang chính

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

TRÒ KHỦNG BỐ MỚI : CÔNG AN THẢ 4 NÔNG DÂN VĂN GIANG SAU KHI BẮT HỌ KÝ CAM KẾT KHÔNG KHIẾU KIỆN.


Thụy Mi - RFI


Cảnh sát cơ  động triển khai ở Văn Giang, ngày 24/04/2012, để cưỡng chế đất của nông dân.
Cảnh sát cơ động triển khai ở Văn Giang, ngày
24/04/2012, để cưỡng chế đất của nông dân.
Reuters

Theo tin từ người dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, hôm nay có 4 trong số 20 người dân bị công an bắt trong vụ cưỡng chế đất hôm 24/04/2012 đã được được thả, sau khi ký cam kết sẽ không khiếu kiện. Những người không chịu ký hiện vẫn bị giam giữ.

Được biết, để được trả tự do, các nông dân trên phải ký khống vào ba tờ giấy trắng, và làm thêm một tờ cam kết sẽ không khiếu nại tiếp.
Trừ một vài bài báo hiếm hoi chỉ trích vụ cưỡng chế, báo chí chính thức hầu hết chỉ đưa lại tin theo chính quyền Văn Giang là « hoàn thành cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Quan ». Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên nói rằng trước đó « số đối tượng quá khích đã kích động hơn 100 người dân dựng lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng ». Sáng 24/4, « lực lượng hỗ trợ thi công đã tuyên truyền vận động (…) nhưng vẫn còn khoảng 200 người dân cố tình chống lại ».

Tuy nhiên thông tin về vụ cưỡng chế đã lan truyền rất nhanh trên mạng. Dư luận trong nước hiện đang rất xôn xao vì chính quyền huy động một lực lượng lên đến 3.000 cảnh sát mặc đồng phục lẫn thường phục, trật tự mang băng đỏ cùng nhiều xe ủi, sử dụng cả hơi cay để tấn công vào những người dân đang bám trụ trên cánh đồng để giữ đất. Cũng theo thông tin trên mạng, thì dân chúng đã thu nhặt được một số trái nổ tại phần đất bị cưỡng chế.
Theo báo Người Cao Tuổi, thì quyết định cưỡng chế của Ủy ban huyện Văn Giang là không đúng luật, không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ « lợi ích nhóm » trong đó có chủ đầu tư dự án. Phóng viên của báo này bị cản trở không cho vào chụp hình, phải cải trang và nhờ dân hỗ trợ mới chụp được các hình ảnh về vụ cưỡng chế.
Nhà báo Huy Đức nhận định, nếu Luật Đất đai năm 1993 quy định « Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… », thì Luật Đất đai năm 2003 lại định nghĩa « lợi ích quốc gia » là « những dự án đầu tư phù hợp quy hoạch, được cơ quan thẩm quyền xét duyệt », tức ngang hàng với lợi ích của các nhà đầu tư địa ốc. Việt Nam không có Tối cao Pháp viện để nói rằng điều này là vi hiến, cũng không có tư pháp độc lập để nông dân kiện chính quyền, nên họ đành phải kháng cự dù nhiều rủi ro.
Một cựu đại sứ cho rằng việc huy động lớn một lực lượng vũ trang để cưỡng chế, lại xảy ra sát thủ đô Hà Nội, là một chiều hướng nguy hiểm, và chắc chắn lòng dân sẽ không yên. Một bài báo đã bị gỡ xuống trên tamnhin.net đặt câu hỏi về hậu quả xã hội và chính trị trong tương lai.
Trang vneconomy.vn hôm nay trong bài báo « Nhộn nhịp đầu tư bất động sản tại Văn Giang » cho biết, công ty tư nhân Việt Hưng rao bán giá căn hộ dự án Ecopark khoảng 20 triệu đồng/m2 và biệt thự, nhà phố là 45 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó tại Văn Giang còn có hàng loạt dự án đầu tư địa ốc khác, nhờ ở rất gần Hà Nội và thuận tiện về giao thông.
Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay 27/04/12, một người dân Văn Giang cho biết về tình cảnh của một phụ nữ có con nhỏ còn bú, nhưng hiện vẫn đang bị giam giữ. Người dân này cũng nói rằng lực lượng cưỡng chế đã cho đào hào sâu bao bọc xung quanh, và như vậy nông dân đã vĩnh viễn mất đất.
Còn một nông dân khác có em gái bị bắt, cho biết bà con đang đùm bọc giúp đỡ cho người con của chị này đang học cấp ba. Ông nói thêm, đất nông nghiệp của Văn Giang trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế rẩt cao, nay bị tịch thu người dân không biết lấy gì để mưu sinh.
tags: Việt Nam - Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét