Trang chính

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Trung Quốc yêu cầu Cam Bốt không thúc đẩy "quá nhanh" hồ sơ Biển Đông


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, Phom Penh, 31/03/2012
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, Phom Penh, 31/03/2012
Reuters

Trọng Nghĩa
Ngày 31/03/2012, chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu thủ tướng Cam Bốt Hun Sen không nên thúc đẩy “quá nhanh” các cuộc thảo luận về Biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc đồng thời loan báo các khoản viện trợ mới và cam kết nâng trao đổi thương mại song phương lên mức 5 tỷ đô la.

Theo hãng tin Anh Reuters, lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập đến những vấn đề trên với thủ tướng Cam Bốt nhân cuộc tiếp xúc song phương đầu tiên ngày hôm nay 31/12/2012. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, ông Sry Thamrong, cố vấn của thủ tướng Hun Sen cho biết là ông Hồ Cẩm Đào đã nói với ông Hun Sen rằng Trung Quốc rất muốn hướng tới việc đúc kết một bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông, nhưng một cách “không quá nhanh”, sao cho tranh chấp này không đe dọa tình hình ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Cam Bốt được cho là đã tán đồng quan điểm của Bắc Kinh trên hồ sơ này. Theo ông Sry Thamrong, ông Hun Sen đã nói với ông Hồ Cẩm Đào rằng vào lúc các nước ASEAN khác có khả năng sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN ở Phnom Penh trong hai ngày 03-04/04/2012, Cam Bốt chia sẻ lập trường của Trung Quốc là không nên "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông. 
Hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn nguyên văn câu nói của ông Sry Thamrong như sau : "Quan điểm của chúng tôi là mỗi nước có liên can nên giải quyết vấn đề trong khuôn khổ ASEAN và Trung Quốc, chứ đừng quốc tế hóa vấn đề... Nhưng Thủ tướng Hun sen cũng nói là chúng tôi cũng vướng phải khó khăn vì trong Hội nghị (ASEAN), nhiều lãnh đạo khác cũng sẽ nêu bật vấn đề và chúng tôi không thể cấm họ nói".
Hãng AFP nhắc lại : Cho đến nay, Bắc Kinh luôn chống lại việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông mà chỉ muốn thương thuyết song phương với từng láng giềng yếu hơn mình, thay vì đàm phán chung với tất cả các nước.
Một số nhà quan sát cho rằng chuyến công du Cam Bốt trong 4 ngày của ông Hồ Cẩm Đào đã được quyết định nhằm chứng tỏ quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh với chủ tịch ASEAN đương nhiệm, và có lẽ là để khuyến khích nước chủ nhà loại hồ sơ tranh chấp vùng biển ra ngoài chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, mở ra đúng 1 hôm sau khi ông Hồ Cẩm Đào rời Cam Bốt.
Cách đây không lâu, Phnom Penh từng tuyên bố là hồ sơ Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này.
Cam Bốt hiện là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, do đó có quyền hạn nhất định trong việc hoạch định chương trình các cuộc họp. Cam Bốt qua đó có ảnh hưởng đối với các cuộc thảo luận về việc giải quyết căng thẳng ngày càng tăng trong khu vực Biển Đông - hiện đang bị Trung Quốc tranh chấp với Đài Loan cùng 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Philippines đã liên tiếp tố cáo Bắc Kinh dùng võ lực để áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Bắc Kinh tố cáo các láng giềng vi phạm chủ quyền của Trung Quốc mà theo họ, bao trùm lên gần như toàn bộ khu vực bên trong tấm bản đồ “lưỡi bò” chính thức công bố hồi năm 2009.
Theo các nhà quan sát, từ một chục năm qua, Trung Quốc đã dồn tiền bạc vào Cam Bốt để biến nước này thành một đồng minh thân cận. Cùng lúc với việc kêu gọi Phnom Penh “giúp đỡ” trong hồ sơ Biển Đông, lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra rất hào phóng trong vấn đề tài trợ cho Cam Bốt.
Theo phát ngôn chính phủ Cam Bốt, ông Khieu Kanharith, lãnh đạo hai bên đồng ý tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên thành 5 tỷ đô la vào năm 2017.
Theo chính quyền Cam Bốt, từ năm 1992 đến nay, Bắc Kinh đã cam kết tài trợ cho Phnom Penh hơn 2 tỷ đô la, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi. Riêng trong năm 2011, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Cam Bốt lên đến 1,19 tỷ đô la, gấp 10 lần so với mức đầu tư của Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét