Trang chính

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm VN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng Sáu tới trong vòng công du tới châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh an ninh khu vực tăng độ nóng vì nhiều tranh chấp chủ quyền.
Hoa Kỳ đứng trước một châu Á nhiều tranh chấp chủ quyền
Chuyến thăm kéo dài hai ngày đến Việt Nam của ông Panetta diễn ra hai năm sau chuyến thăm của người tiền nhiệm Robert Gates vào năm 2010.
Đây sẽ là lần thứ tư một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thăm Hà Nội.
Ông Leon Panetta, người từng nắm CIA, sẽ thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ trong chuyến đi một tuần t́ới châu Á.
“Hoa Kỳ có cam kết lâu dài đối với việc thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng song phương mạnh mẽ với Việt Nam dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau,” thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ George Little phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba 22/5.
“Chuyến thăm này sẽ là chúng ta cơ hội để chúng ta tiếp tục làm việc trong mối quan hệ rất quan trọng này,” ông nói thêm.
Ông Little cũng cho hay ngày 30/5, trước khi bắt đầu công du Á châu, Bộ trưởng Pannette sẽ tới Honolulu, Hawaii, nơi ông sẽ tham vấn chỉ huy trưởng quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Sam Locklear, về các vấn đề châu Á.
Sau đó ông mới đi Singapore.

Đối thoại Shangri-la

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
Ông Leon Panetta cũng từng nắm CIA nhưng nay lo về quốc phòng
Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Panetta đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể khi Lầu Năm Góc công bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực này hồi đầu năm.
Trước khi tới Việt Nam, ông Panetta sẽ đến Singapore để tham dự diễn đàn an ninh thường niên mang tên Đối thoại Shangri-la (1/6-3/6). Tại đó ông sẽ có các cuộc gặp gỡ cấp cao với các lãnh đạo từ các đồng minh chủ chốt trong khu vực và sẽ có một bài diễn văn quan trọng.
Dự kiến ông sẽ gặp lãnh đạo các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số nước khác, ông Little cho biết.
"Hoa Kỳ có cam kết lâu dài đối với việc thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng song phương mạnh mẽ với Việt Nam dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau."
Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little
Gần như chắc chắc hai đoàn Mỹ và Việt Nam sẽ có tiếp xúc, chí ít là để thống nhất lịch trình chuyến thăm Việt Nam của ông bộ trưởng.
Ông Panetta và các nhà lãnh đạo châu Á sẽ bàn về các vấn đề như tranh chấp ở Biển Đông, tàu ngầm, chiến tranh mạng, máy bay không người lái và các mối đe dọa đang nổi lên, theo chương trình dự kiến được đăng trên trang mạng của Đối thoại Shangri-la.
Sau Việt Nam, Leon Panetta cũng có chuyến thăm đầu tiên đến Ấn Độ kéo dài hai ngày.
Ông sẽ đến Hà Nội và New Dehli vào tuần lễ đầu tiên của tháng Sáu, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết. Tuy nhiên giờ chính xác của chuyến thăm vẫn chưa được thông báo.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói họ sẽ thông báo thêm chi tiết về lịch trình của ông Panetta trong những ngày tới.
Định hướng chiến lược quân sự mới của Mỹ được công bố hồi tháng Giêng cho biết Mỹ sẽ xây dựng ‘mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ để hậu thuẫn cho khả năng của nước này như là một trục kinh tế trong khu vực và là quốc gia đảm bảo an ninh trong cả Ấn Độ Dương.’
“Phát triển hơn nữa mối quan hệ Mỹ – Ấn là ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ, và mối quan hệ song phương của chúng tôi là một trong những yếu tố giúp định hình thế kỷ 21 đối với Hoa Kỳ,” người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Little cho biết.

Trở ngại nhân quyền

Trao đổi với BBC, ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, cho biết chuyến thăm của ông Leon Panetta năm trong khuôn khổ trao đổi quốc phòng cấp cao giữa hai nước mỗi ba năm kể từ năm 2003.
Một hòn đảo trên Biển Đông
Tranh chấp trên Biển Đông có thể sẽ được ông Panetta đề cập với Hà Nội
Mô tả mối quan hệ giữa hai nước là đang ‘tịnh tiến’ về phía trước, ông Thayer nói chuyến thăm này của ông Panetta sẽ cho biết hai nước thúc đẩy quan hệ quân sự đến đâu nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam đang có mối quan ngại sâu sắc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Việt Nam đang nhìn về phía Mỹ để cân bằng với Trung Quốc,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hai nước không dễ gì dỡ bỏ vấn đề nhân quyền vốn đang là rào cản lớn nhất trong việc phát triển quan hệ song phương.
Ông cho biết phía Hoa Kỳ vẫn nhất quán trong việc đặt điều kiện Việt Nam phải có bước tiến về nhân quyền nếu muốn tiếp cận vũ khí và trang thiết bị quân sự của họ.
“Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng phát biểu muốn tiến thêm một bước trong quan hệ với Hà Nội,” ông nói, “Không rõ Leon Panetta có thể tiến được đến đâu.”
Đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần thì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam càng trở nên khó chịu vì cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ hoạt động rất tích cực để gây sức ép với các ứng cử viên trên vấn đề này, ông Thayer cho biết.
“Sẽ có những lời lên án mạnh mẽ chế độ Hà Nội,” ông nói, “Trong khi phe Cộng hòa không có gì để mất (trong cuộc bầu cử tổng thống)”.
Trả lời câu hỏi liệu Washington có cần một liên minh quân sự với Hà Nội để kiềm chế Trung Quốc hay không, ông Thayer cho rằng điều này ‘rất khó xảy ra’ vì thể hiện tư duy thời Chiến tranh lạnh và sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở Quốc hội.
“Hai nước không có cùng suy nghĩ về các giá trị,” ông nói nhưng thừa nhận rằng cả Việt Nam và Mỹ đang ngày càng gần gũi trong mối quan ngại về an ninh.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/05/120523_panetta_visits_asia.shtml 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét