Trang chính

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Lê nhập cảng từ Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu


HÀ NỘI (NV) - Thực phẩm nhập cảng từ Trung Quốc vào Việt Nam không bảo đảm phẩm chất và còn độc hại được nói đến trên báo chí tại Việt Nam.

Trong khi nỗi lo cải thảo Trung Quốc nhiễm độc chưa qua, thì mối họa từ lê Trung Quốc nhiễm độc ập tới. (Hình: Ðất Việt)

Theo tin tờ Ðất Việt hôm Thứ Sáu, “Cục Bảo Vệ Thực Vật, Bộ NN-PTNT phát hiện lê nhập từ Trung Quốc có dư lượng loại thuốc trừ sâu độc tính cao.”

Những ngày gần đây, dư luận ở Việt Nam xôn xao vì tin nói rau cải thảo nhập cảng từ Trung Quốc có nhiễm hóa chất phóc-môn (formaldehyde). Ðây là loại hóa chất có khả năng gây ra bệnh ung thư thường được biết là dùng để ướp xác chết cho sinh viên y khoa thực tập hoặc dùng trong kỹ nghệ nhuộm vải.
Vụ cải thảo độc hại đang được cơ quan nông nghiệp ở Việt Nam điều tra chưa đưa ra kết luận chính thức, nay lê lại được xác định độc hại.
Tờ Ðất Việt thuật lời ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật, Bộ NN-PTNT, cho hay cơ quan của ông “vừa phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng Endosulfan. Hóa chất này là hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam.”
Endosulfan là thuốc trừ sâu có độc tính cao, ảnh hưởng đến các sinh vật có ích trong môi trường và sức khỏe con người. Liên Hiệp Quốc đã đưa thuốc trừ sâu Endosulfan vào danh sách các loại hóa chất hữu cơ độc hại gây ô nhiễm lâu dài và phải loại khỏi thị trường toàn cầu vào năm 2012. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa cấm sử dụng. Trên thế giới một số nước vẫn còn sử dụng trên các cây công nghiệp, như bông, đay, nhưng không sử dụng trên các cây làm thực phẩm.
Tuy khám phá thấy lê độc hại nhưng nhà cầm quyền CSVN lại không cấm nhập cảng ngay mà ông Nguyễn Xuân Hồng chỉ nói sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn mà “nếu tiếp tục vi phạm sẽ áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu.”
Tuần trước, dư luận xôn xao khi được biết cải thảo nhập cảng từ Trung Quốc nhiễm chất phóc môn, một loại hóa chất được sử dụng để giữ cho tươi lâu. Dù vậy, người ta vẫn thấy cải thảo bày bán khắp các chợ Hà Nội “rất phổ biến,” theo báo Tiền Phong.
Báo chí Trung Quốc mở cuộc điều tra thì thấy nhiều thương lái Trung Quốc phun dung dịch phóc-môn vào rau củ quả trước khi đem bán để giữ cho tươi lâu, bất chấp sự an nguy của người tiêu thụ.
Nếu lượng phóc-môn vào người ở mức cao có thể dẫn tới đột tử. Với hàm lượng thấp và tích tụ dần dần trong cơ thể, người ta bị các chứng bệnh về da, hệ thống hô hấp, các bệnh về máu và ung thư phổi.
Các loại thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại khá phổ biến tại Việt Nam.
Thịt thối ngâm hóa chất công nghiệp để tẩy trắng như bì heo, lòng gia súc. Hóa chất Rhodamine B là một loại phẩm màu gây ung thư nhưng được sử dụng để nhuộm cho đẹp các loại hạt dưa, ớt bột, tương ớt.
Báo chí ở Việt Nam từng có nhiều bài viết về bún, bánh phở trộn chất phóc môn cho tươi lâu. Giò chả được trộn hàn the cho giòn cho dai. Thịt chà bông, lạp xưởng, xúc xích, nem, ô mai, xí muội nhiễm cả chì và hàn the v.v...
Việt Nam có các cơ quan kiểm soát thị trường, các cơ quan kiểm soát thực phẩm ở đủ mọi cấp nhưng vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam không có gì bảo đảm.
Cách đây ít tháng, dư luận đã rúng động vì người ta trộn cho heo ăn một loại hóa chất có tên Clenbuterol, hoặc Salbutamol giúp cho con heo trở thành “siêu nạc.” Nhưng hóa chất này tồn tại trong cơ thể con heo được chuyển sang người ăn lại gây ra ung thư, suy nhược cơ thể và nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. (TN)

++++++++++++++++
Quần áo Trung Quốc ế, tuồn vào Việt Nam tiêu thụ 
Friday, May 18, 2012 8:39:38 PM 

VIỆT NAM (NV) -Không chỉ tràn ngập, giá quần áo Trung Quốc còn xuống giá đồng loạt 20% tại khắp các cửa hàng, sạp chợ Việt Nam. Các công ty may mặc, thời trang nội địa tại Việt Nam đang bị dồn vào chân tường, buộc phải cắt giảm sản xuất, ngừng đầu tư mới.

Hàng Trung Quốc đầy dẫy khắp cửa tiệm, chợ Việt Nam.

Theo báo Người Lao Ðộng, khu mua sắm Sài Gòn Square ở quận 1, Sài Gòn la liệt các loại quần áo Trung Quốc, nhất là hàng nhái các sản phẩm nổi tiếng thế giới.
Một chủ tiệm cho biết: “Quần áo thời trang nhái hàng xịn đủ loại, từ áo thun cá Sấu cho đến quần jean Guess, C.K., Gap, G-Star, D&G, với giá trên dưới 15 đô/cái, bằng 1/10 giá hàng thật. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng hàng thật, giá lại rẻ nên người ta mua mà không cần suy nghĩ.”
Một chủ tiệm bán quần áo thời trang ở quận 7, Sài Gòn cho biết đã phải chọn hàng Trung Quốc để tiêu thụ vì lời nhiều. Ông tiết lộ: “Bán một món hàng Trung Quốc, chúng tôi lời ít nhất 50%. Không chỉ giao hàng cho chúng tôi với giá 'bèo,' họ còn thay đổi mẫu thường xuyên. Họ lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của chúng tôi tức thời cho nên hàng của họ đẹp, hút khách. Còn bán hàng của các công ty trong nước chỉ lời 30% là cùng.”
Cũng theo lời của giới kinh doanh, hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không chịu thuế, nhờ vậy mà giá thành thấp, tiêu thụ nhanh.
Một số nhà kinh doanh Việt Nam còn áp dụng chiêu độc: Nhập hàng lậu Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam đưa về nước tiêu thụ. Nương theo thủ thuật này, hàng Trung Quốc giành được thế “thượng phong” trên thị trường Việt Nam.
Báo Người Lao Ðộng dẫn lời của đại diện tổng công ty Dệt May Việt Nam nói rằng hàng Trung Quốc đang tồn kho lớn ở trong nước nên giới kinh doanh của họ tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam bằng mọi giá để “xả kho”. Ðã vậy, họ được sự tiếp tay của các nhà buôn Việt Nam, góp phần đắc lực giết chết hàng nội địa Việt Nam.
Cũng theo báo Người Lao Ðộng, phần lớn các công ty may Việt Nam đang thúc thủ trước sự lấn áp của phía Trung Quốc.
Một trong những đơn vị “đầu đàn” của Việt Nam lâu nay là công ty May Sài Gòn 2 coi như đã “buông tay”. Người đại diện của công ty thú nhận “chỉ hoạt động chiếu lệ để người tiêu thụ không quên nhãn hiệu của mình, chứ không còn tha thiết đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển.”
“Chắc chết và chết chắc,” là lời tâm sự của nhiều giám đốc thời trang, may mặc Việt Nam. Giám đốc công ty thời trang Nguyên Tâm Foci than thở: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy sức mua của khách hàng Việt Nam giảm mạnh như hiện nay. Nguy cơ lỗ lã trước mắt, lại không trả nổi lãi ngân hàng, chúng tôi đành cắt giảm tất cả mọi khoản đầu tư.”
Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện văn phòng Hiệp Hội Dệt May Việt Nam ở phía Nam thì nhìn nhận rằng hàng Việt Nam hoàn toàn “lép vế” trước hàng Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh không cân sức này. (P.L.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét