Trang chính

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Tòa Bạch Ốc lên tiếng cho Điếu Cày và các ký giả nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới


WebVT
Sau khi Tòa Bạch Ốc lên tiếng về trường hợp anh Điếu Cày thì chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhà cầm quyền CSVN đã ra lệnh hoãn phiên tòa xử anh Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Anh3sàigòn (Phan Thanh Hải) và chị Tạ Phong Tần, dự kiến diễn ra ngày 15/5/2012. Sau đây là Bản tuyên bố của Tổng Thống nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3/5.
BBT-WebVT
- - -
Tòa Bạch Ốc
Văn Phòng Bộ trưởng Báo Chí
Để phổ biến ngay
Ngày 3 tháng 5, 2012



Tuyên bố của Tổng Thống nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới
Nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, Hoa Kỳ vinh danh vai trò của báo chí tự do trong việc thiết lập các nền dân chủ bền vững và xã hội thịnh vượng. Chúng tôi đặc biệt tưởng nhớ các ký giả đã hy sinh mạng sống, sự tự do và an nguy của mình khi đi truy tìm sự thật và công lý.
Đã hơn 60 năm sau ngày bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tuyên nhận quyền của mỗi con người được "tìm kiếm, thu nhận, và truyền bá các thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới", nhưng quyền đó vẫn bị đe dọa ở quá nhiều quốc gia.
Tuy trong năm nay có nhiều tiến triển tích cực, như việc thả các ký giả cùng với hàng trăm tù nhân chính trị khác tại Miến Điện, nhưng những vụ bắt giữ và giam cầm tùy tiện đối với ký giả vẫn tiếp diễn khắp thế giới. Chúng tôi lên án việc giam cầm gần đây đối với các ký giả như Mazen Darwish, một người tranh đấu hàng đầu cho tự do ngôn luận tại Syria, và kêu gọi hãy thả họ ra lập tức. Cùng lúc, chúng ta cũng không thể quên những người khác như blogger Điếu Cày, người đã bị bắt năm 2008 trong chiến dịch đàn áp hàng loạt phong trào dân báo tại Việt Nam; hay ký giả Dawit Isaak, người bị chính quyền Eritrean biệt giam đã hơn mười năm mà vẫn không có tội danh chính thức hay xét xử.
Những hành động sách nhiễu và đe dọa, như đối với ký giả Cesar Ricaurte tại Ecuador và nhà dân chủ Belarus lưu vong Natalya Radzina, cũng như những hình thức kiểm duyệt gián tiếp, bao gồm cả việc giới hạn đi lại như đã áp dụng đối với blogger người Cuba Yoani Sanchez, tiếp tục có tác động ghê rợn lên quyền tự do ngôn luận và báo chí. Chúng tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy bảo vệ quyền của các ký giả, bloggers và các nhà đối kháng để họ có thể viết và lên tiếng tự do mà không bị trừng phạt; và hãy ngưng việc cấm đoán đi lại và những hình thái kiểm duyệt gián tiếp khác nhằm bóp nghẹt việc xử dụng các quyền phổ quát này.
Trong một số trường hợp, không chỉ các chính phủ đe dọa quyền tự do báo chí, mà còn có cả các băng đảng tội phạm, các kẻ khủng bố, hay các bè nhóm chính trị nữa. Dù vì lý do gì, khi các ký giả bị hăm dọa, tấn công, bỏ tù, hay mất tích, thì từng cá nhân sẽ bắt đầu tự kiểm duyệt; nỗi sợ hãi sẽ thay thế sự thật; và mọi xã hội chúng ta sẽ gánh hậu quả. Loại văn hoá cho phép những hành vi như thế không thể để tiếp tục tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào.
Năm nay, khắp vùng Trung Đông, Bắc Phi và lân cận, thế giới đã chứng kiến không những các hiểm họa này nhưng cũng thấy những tiềm năng của nền báo chí tự do trong việc nuôi dưỡng các nền dân chủ bền vững, sáng tạo và thành công. Nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới năm nay, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi chính phủ hãy nắm lấy tiềm năng đó bằng cách nhìn nhận vai trò then chốt của nền báo chí tự do và có những bước cần thiết để thiết lập các xã hội mà trong đó các ký giả độc lập có thể hoạt động tự do và không sợ hãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét