Trang chính

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Những phức tạp và bí ẩn đàng sau vụ bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến


1* Mở bài

Thời gian gần đây, báo chí hải có những bài bình luận về quốc hội CSVN, chủ yếu là việc sửa đổi Hiến Pháp 1992, kế đến là việc bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Đàng sau việc bãi nhiệm có nhiều phức tạp và bí ẩn. Phức tạp, vì những nguyên do bãi nhiệm chồng chéo, xen kẻ nhau. Bí ẩn, vì một cái “tội” rất đơn giản và công khai mà được tiến hành xử lý một cách bí mật của các cơ quan chính quyền, cụ thể là những cuộc họp kín, bầu kín, thông tin một chiều, bịt miệng bị cáo…thường xảy ra trong sinh hoạt chính trị của chế độ Cộng Sản, giống như những chuyện thuộc về  “thâm cung bí sử” của thời xa xưa.
Các nhà phân tích đưa đến kết luận là, nguyên nhân bãi nhiệm có thể là do những rạn nứt trong đảng, nói rõ ra là đấu đá nhau tranh giành quyền lực. Sự lo ngại của đảng trước thành công của các doanh nhân tư nhân ngoài đảng, sự ganh tỵ của cán bộ tham nhũng đang lãnh đạo các công ty quốc doanh, trước việc thành đạt của các tư nhân không có điều kiện tham ô, sự thành công của khu vực kinh tế tư nhân là cái tát vào mặt khu vực kinh tế theo định hướng XHCN, đang chìm ngập trong nợ nần, làm ăn bết bát, thua lỗ.

Tất cả những điều trên là những nguyên nhân phức tạp đưa đến việc bãi nhiệm một doanh nhân thành đạt, bà Đặng Thị Hoàng Yến.

2* Bà Đặng Thị Hoàng Yến bị tố cáo
Trong cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khoá 13 được tổ chức ngày 22-5-2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến được đắc cử ở đơn vị một của tỉnh Long An, với tỷ lệ phiếu bầu 62.37%. Nhiệm kỳ 2011-2016.
Đến tháng 8 năm 2011, trên trang mạng của hội Cựu Chiến Binh, một trang web chính thức của nhà nước, có một thơ tố cáo nặc danh về đại biểu Hoàng Yến. Bài báo nầy viết “Đây là đơn khiếu nại của một số cán bộ tỉnh Long An” và đặt câu hỏi: “Có “thế lực nào” đứng đàng sau, bao che cho bà Yến?”
Thơ tố cáo đưa ra đúng vào lúc quốc hội đang bầu bán những chức vụ quan trọng như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng…
Đơn tố cáo về các tội: Chạy thầu, khai man lý lịch, mua chuộc cử tri.
Sau đó, 2 tờ báo, Người Cao Tuổi và Hội Nhà Văn Sài Gòn nhảy vào vạch tội bà Đặng Thị Hoàng Yến về những cáo buộc nêu trên.

3* Mặt Trận Tổ Quốc nhảy vào đánh hội đồng
Ngày 18-4-2012, 100% ủy viên Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN (UB/TW/MTTQ/VN) có mặt, đã tán thành kiến nghị lên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTV/QH) bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Buổi họp có sự hiện diện của bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ Tịch Quốc Hội.
Sau đó, Trưởng Ban Công Tác Đại Biểu QH, bà Nguyễn Thị Nương phát biểu trên báo: “Nhân dân làm sao mà chấp nhận được một đại biểu không trung thực như bà Đặng Thị Hoàng Yến, làm sao đại diện được cho cử tri đã bầu mình”.

4* Một chiến dịch chính trị
GS Carlyle A. Thayer, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam, thuộc Học Viện  Quốc Phòng Úc cho biết, đây rõ ràng là một chiến dịch chính trị. Ông nói thêm: “Báo chí VN bị kiểm soát chặt chẽ, phải là người có nhiều quyền lực mới có thể duyệt cho hàng loạt thơ nặc danh chỉ trích bà Yến. Có thể tin được, bà là nạn nhân của những người thuộc bên ghen tỵ với tài sản và sự thành công của bà. Việt Nam còn lâu lắm mới trở thành một quốc gia được cai trị bằng pháp luật.”
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
tại Gala Dinner thuộc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN 2010 (AEM 2010) tại Hà Nội

5* “Gièm pha, sỉ nhục và bôi nhọ tôi”
Ngày 21-4-2012, trả lời phỏng vấn đài BBC bằng Email, nữ đại biểu quốc hội thuộc hàng giàu nhất VN, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bác bỏ những cáo buộc về khai man lý lịch và nói “Tôi bị bôi nhọ và sỉ nhục”.
Dưới đây là phần trả lời phỏng vấn được gởi đến đài BBC:
-         BBC: Xin bà cho biết nhận xét về UB/MTTQ đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu của bà.
-         Bà Yến: Thật sự tôi chưa được bất cứ ai trong MTTQ yêu cầu tôi giải thích, trình bày hoặc làm sáng tỏ vấn đề nầy. Cũng không có ai thông báo cho tôi về vụ việc nầy, tất cả chỉ được biết qua báo chí, cho nên tôi không thể đưa ra nhận xét nào được.
-         BBC: Cho đến nay, bà có nhận được tin tức nào từ quốc hội không?
-         Đáp: Chưa có. Chỉ đọc trên báo chí mà thôi.
-         BBC: Báo VN nói bà không khai tư cách đảng viên trong hồ sơ ứng cử. Nếu biết trước rắc rối xảy ra như hôm nay, vậy liệu bà có khai đã từng được kết nạp, và chưa bao giờ xin ra khỏi đảng hoặc bị khai trừ, không?
-         Đáp: Tôi tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế năm 1980. Làm công chức với bầu nhiệt huyết và được kết nạp năm 1985 tại quận 5, Sài Gòn. Sau đó, tôi ra làm kinh doanh, và từ năm 1995, tôi không còn tham gia sinh hoạt đảng. Theo điều lệ của đảng, khi không sinh hoạt và không đóng đảng phí 3 tháng thì đương nhiên không còn là đảng viên nữa.
Tại thời điểm bầu cử quốc hội, căn cứ vào bản điều lệ, tôi biết rõ mình không còn là một đảng viên. Tôi được kết nạp công khai tại quận 5 Sài Gòn chớ không phải tại mật khu trong thời kỳ kháng chiến, cho nên không cần gì phải giấu giếm hay né tránh. Không phải chỉ có một mình tôi bị rơi vào trường hợp nầy, mà nhiều đại biểu khác cũng tương tự, và cũng khai như tôi, mà họ có sao đâu?
-         BBC: Một số báo đề cập đến quan hệ giữa bà và ông Jimmy Trần, đó có phải khó khăn mà bà gặp phải khi là đại biểu quốc hội hay không?
-         Đáp: Về mặt lý. Tại thời điểm tôi ứng cử, tôi và ông Jimmy Trần đã có quyết định của toà án cho phép ly hôn được ký ngày 6-10-2010. Và tại Hoa Kỳ, toà án Houston, Texas, cũng đã tiếp nhận bản án cho phép ly hôn. Đó là về mặt pháp lý, chúng tôi không còn quan hệ vợ chồng. Một số kẻ có dụng ý xấu lợi dụng, bịa chuyện để bôi nhọ, hành hạ và sỉ nhục tôi.
-         BBC: Có báo buộc bà mua phiếu. Đưa 500,000 đồng cho hơn 1,000 cử tri. Cáo buộc có đúng không?
-         Đáp: Nếu cho rằng, việc tài trợ mà tôi đã thực hiện suốt 18 năm qua là mua chuộc, là cố ý phỉ báng cái văn hoá “lá lành đùm lá rách” của dân tộc VN. Vì thế, trong năm nay, chúng tôi phải hủy bỏ kế hoạch thăm viếng, tặng quà, vậy ai là người thiệt thòi?
Cũng phải nói thêm rằng, suốt 18 năm qua, Tập Đoàn Tân Tạo do tôi thành lập đã thực hiện công tác từ thiện lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có việc xây 1,000 căn nhà ở vùng rừng U Minh cho đồng bào nghèo.
Đã tài trợ chi phí giải phẩu cho 1,000 trẻ em dị tật bẩm sinh. Xây dựng nhiều trường mẫu giáo và trung học, tặng các vùng biên giới. Đã tặng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, kể cả hiến tặng gần hết tài sản của tôi cho sự nghiệp giáo dục, để xây trường Đại Học Tân Tạo, một trường đại học phi lợi nhuận theo tiêu chuẩn hiện đại của Đại Học Duke ở Hoa Kỳ, Tân Tạo được coi là một đại học Harvard của VN. Đã cấp hàng ngàn học bổng “Hoa Trạng Nguyên” cho học sinh có tài năng mà nghèo khó.
-         BBC: Theo bà thì, đàng sau những cáo buộc trên báo về việc bãi miễn tư cách đại biểu thì có uẩn khúc gì không?
-         Đáp: Nếu tôi biết được những điều mà anh hỏi, thì có lẻ tôi không bị rơi vào tình trạng như hiện nay.

6* Phân tích của phóng viên Financial Times:
CSVN lo ngại doanh nhân ngoài đảng không tham nhũng.
Ngày 23-4-2012, phóng viên Ben Bland của báo Financial Times có bài phân tích về các diễn biến trong việc bà Hoàng Yến bị đề nghị bãi nhiệm như sau:
“Bà Yến có thể thành công trong kinh doanh để trở thành một trong những người giàu nhất VN, nhưng bà luôn luôn biết rằng, khi bước vào thế giới tối tâm mờ ám của chính trị cấp cao trong một nước độc tài toàn trị, là một canh bạc thắng ít thua nhiều. Chẳng bao lâu, khi bà và em bà là Đặng Thành Tâm, là những doanh gia giàu kết xù đầu tiên, được vào quốc hội do đảng CSVN kiểm soát, họ đã bị nhiều tờ báo nhà nước tấn công vào đời tư”.
“Trước khi tôi quyết định tham gia quốc hội, tôi đã biết rằng, trong trường hợp xấu nhất, “họ” có thể loại tôi ra. Tôi sẵn sàng cho điều đó”, bà Yến nói với phóng viên Ben Bland hồi tháng 3 năm 2012 như thế. Bà kết luận: “Tôi bị một số báo nhà nước bôi nhọ”.
Việc chóng lên mau xuống của một doanh nhân thành đạt hàng đầu cho thấy cái khó khăn mà đảng CSVN phải đối diện. Trong khi Trung Cộng có những bước nhanh chóng trong việc đưa doanh nhân hàng đầu vào bộ máy nhà nước, thì trái lại CSVN rất e ngại, vì những doanh nhân giàu kết xù nầy có nhiều quan hệ sâu rộng trong bộ máy chính quyền.
Việc bà Yến và em bà đắc cử trong một cuộc bầu cử, có một số rất ít ứng cử viên ngoài đảng cho thấy, quần chúng không còn niềm tin vào cán bộ đảng viên, vì ông nọ, bà kia đầy thành tích tham ô. Từ đó phát sinh ganh tỵ, gièm pha hạ bệ. Có dư luận cho rằng bà Hoàng Yến bị tham nhũng hạ gục.
Trong vận động bầu cử, bà Yến công khai tuyên bố, sẽ đấu tranh chống thực trạng tham nhũng, lãng phí tại các công ty quốc doanh, đồng thời, kêu gọi nhà nước tạo một môi trường bình đẳng cho khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Bà đã chỉ cho quần chúng thấy các công ty quốc doanh đang lún sâu vào nợ nần, kém hiệu quả vì cán bộ lãnh đạo công ty quốc doanh kém tài mà lại tham nhũng. Nhưng điều làm cho đảng CSVN không hài long, là việc bà ấy đã bỏ đảng và thành công. Trong quần chúng có câu “Bảng đỏ sao vàng” tức là “Bỏ đảng, sang giàu”, và bà Yến thuộc vào diện nầy, đảng nhột là phải.
Một người làm việc cho bà Yến, đã từng theo dõi sát vũ đài chính trị có nhiều mảng đen tối cho biết, một trong những câu chuyện trong 10 năm qua, là sự gia tăng thành công trong khu vực kinh tế xem như của tư nhân, có nghĩa là kinh tế quốc doanh của đảng luôn luôn làm ăn bết bát.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến hiện cũng đang giữ chức vụ Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ do VCCI chủ trì

7* Dự đoán có sự rạn nứt trong đảng Cộng Sản Việt Nam
Dư luận cho rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến là người thân cận của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, một chức vụ cao nhất nhưng quyền lực có tính nghi lễ và tượng trưng.
GS Carl Thayer nêu nhận xét: “Tôi phỏng đoán rằng sự thành công của bà Yến làm gai mắt một số cá nhân có nhiều quyền lực, mà cá nhân nầy lại không ưa Trương Tấn Sang, nên bươi móc đời tư của bà và bơm thông tin lên báo chí.”
Cũng có đồn đoán rằng bà Yến có thể bị mất chức là do hậu quả của Nguyễn Tấn Dũng bị mất chức Trưởng Ban Chỉ đạo chống tham nhũng. Nói rõ ra, bà Yến là nạn nhân, ruồi muổi chết vì con trâu Trương Tấn Sang và con bò Nguyễn Tấn Dũng húc nhau. (Trâu bò húc nhau, ruồi muổi chết)
Báo Người Cao Tuổi và báo Cựu Chiến Binh là 2 tờ báo phê phán bà Yến nặng nề nhất, hồi năm 2011, 2 tờ báo gởi một lá thơ cho Ủy Ban Thường Vụ QH, đồng gởi cho Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng và Chủ Nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng, đề nghị bãi nhiệm bà Hoàng Yến. Có điểm đặc biệt là lá thơ không gởi cho Trương Tấn Sang. Việc vắng tên Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang làm tăng thêm đồn đoán trong dư luận, là bà Yến cùng phe cánh của ông Sang, vì thế, 2 tờ báo cố ý không nhắc đến tên ông Sang.

8* Đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến xin từ nhiệm
8.1. Xin từ nhiệm
Ngày 4-5-2012, sau một thời gian quá mệt mõi, bà Đặng Thị Hoàng Yến gởi đơn đến UBTV/QH xin từ nhiệm, không nói lý do trực tiếp. Trong đơn, nêu lý do: quá mệt mõi vì sức ép của dư luận chồng chất”. Trong lá đơn 2 trang, bà cam kết, “sống có trách nhiệm và giúp đở người nghèo khó với lòng quả cảm”.
8.2. Bà Đặng Thị Hoàng Yến không có quyền từ nhiệm
Ngày 5-5-2012, Ủy Ban Thường Vụ QH “họp kín” để bàn về vụ việc. Buổi họp không có mặt của đại biểu Hoàng Yến. Các thành viên của Ủy Ban bỏ “phiếu kín” nhất trí như sau:
-         Bà Đặng thị Hoàng Yến không có quyền từ nhiệm
-         Việc bãi nhiệm sẽ được đưa ra kỳ họp khoáng đại vào cuối tháng 5 năm 2012.
8.3. Bà Hoàng Yến bị bãi nhiệm
Ngày 26-5-2012, trong phiên họp kín, Quốc Hội CSVN đã chính thức bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, sau một năm làm đại biểu quốc hội từ 22-5-2011 đến 26-5-2012, Bãi nhiệm với 457 phiếu tán thành và 16 phiếu không tán thành.
Lý do: Không trung thực trong khi khai hồ sơ ứng cử.

9* Người chồng bị truy nã
9.1. Gặp nhau, kết hôn
Năm 2002
Bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất cảnh sang Mỹ theo hộ chiếu công vụ, được sứ quán Mỹ cấp Visa loại B1, dành cho doanh nhân đi tìm cơ hội đầu tư, theo nội dung của thương ước Việt-Mỹ.
Năm 2003
Bà Yến tình cờ gặp ông Jimmy Trần, “khi đó bị vợ bỏ, không nhà không cửa, không có công ăn việc làm, hàng ngày phải đi tìm coupon giảm giá để ăn trưa. Bản thân tôi rất thương người nghèo khó, nhất là người Việt ở xứ người, nên tôi cho ông Jimmy Trần vào làm việc trong công ty của tôi ở Houston, Texas.”
Năm 2006
Ông Jimmy về VN, đến gặp gia đình tôi và cho biết, ông muốn về nước sống quảng đời còn lại, và xin được kết hôn với tôi.
Để cho cha mẹ an lòng, bà Yến đồng ý, và hôn lễ được tổ chức ngày 17-8-2007 tại Houston, Texas (HK). “Tôi đồng ý, mặc dù biết ông nầy hoàn toàn không có điểm nào xứng đáng so với người chồng đã chết vì tai nạn năm 1989 của tôi cả”.
Để giữ thể diện, ông Jimmy Trần đề nghị bà Yến ghi trong bảng liệt kê tài sản của ông trước khi cưới là một triệu đô la.
“Chỉ ngay sau khi kết hôn, tôi phát hiện ông mê cờ bạc và tiêu tốn hàng triệu đô la, và tôi là người phải trả nợ cho ông ta.”
Cũng vì lý do đó mà bà Yến dứt tình, đòi ly hôn và trở về VN cuối năm 2007.
Tháng 9 năm 2008
Sau nhiều lần năn nỉ bằng những lời hứa ngon ngọt, thề thốt đủ điều, xin vợ cho về nước để làm lại cuộc đời.
Bà Yến mềm lòng, và đồng ý cho ông Jimmy Trần vào làm việc ở công ty Vietnam Land của người em họ. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì ông Jimmy Trần là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Đốc công ty cổ phần Phát Triển Đô Thị Việt Nam (Vietnam Land)
Năm 2009
Chứng nào tật nấy, ngày 5-7-2009, Jimmy Trần bị cảnh sát bắt vì quan hệ tình dục với gái mãi dâm ở một khách sạn Sài Gòn, trong khi bà Yến đi công tác ở Hà Nội.
9.2. Ly hôn
Thế là bà Yến đâm đơn xin ly hôn.
“Ngay bản thân tôi cũng bị gái mãi dâm tống tiền, vì vậy ông ta mới đồng ý ký tên vào đơn xin ly dị đề ngày 9-7-2009, với lý do: “Ông Trần vi phạm luật hôn nhân gia đình và vi phạm đạo đức trong sinh hoạt”.
Khi về VN hồi tháng 9 năm 2008, tài khoản của Jimmy Trần chỉ có 3.92 USD (3 đô la 92 xu). Đến điểm ly hôn, ông Jimmy ghi rõ tài sản là 50,000 đô la, là tiền kiếm được từ công ty Vietnam Land.
9.3. Về tiền án của Jimmy Trần
Cho đến khi phạm pháp ở VN, thì cơ quan luật pháp Hoa Kỳ cho biết là:
Cuối năm 1989, Jimmy Trần được thuê vào làm tổ trưởng bán hàng cho một cửa hiệu, chỉ sau một tháng, ông bị bắt quả tang ăn trộm nhiều thùng bia và nước ngọt. Toà Houston kết án 6 tháng tù và 12 tháng quản chế.
Khi làm Tổng Giám Đốc công ty Vietnam Land, ông lợi dụng chức vụ, ký những hợp đồng kinh tế thoả thuận ăn chia phần trăm với các đối tác, và nhận tiền cọc để chiếm đoạt làm của riêng. “Chính em họ là Vũ Thị Nga và gia đình tôi là những người bị hại. Bản thân tôi phải trả 160 tỷ đồng để thanh toán hậu quả”.
Ngày 2-7-2010, Vietnam Land gởi công văn đến cơ quan điều tra công an tố cáo Jimmy Trần.
Ngày 5-7-2010, Jimmy Trần trốn ra khỏi nước qua phi trường Tân Sơn Nhất
Ngày 8-9-2010, công an điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Jimmy Trần và các tòng phạm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Chuyển tiền trái phép qua biên giới”.
Ngày 27-9-2010, công an phát lệnh tầm nã Jimmy Trần.
Jimmy Trần bị tầm nã là do công ty Vietnam Land tố cáo, chỉ riêng dự án Kiên Lương, công ty nợ các nhà thầu 100 tỷ đồng.

10* Vài nét về Đặng Thị Hoàng Yến
10.1. Tiểu sử
Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 tại Hải An, Hải Phòng.      Cha là cán bộ Sài Gòn tập kết ra Bắc. Mẹ là người Hải Phòng.
Tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế Sài Gòn. Làm công chức 13 năm. Đến năm 1993 ra thành lập công ty Hoàng Yến, sau đổi thành Tập Đoàn Tân Tạo.
Người chồng trước chết vì tai nạn năm 1989.
Năm 2007 Hoàng Yến kết hôn với ông Jimmy Trần tại Texas, HK. Ly hôn năm 2009.
Tháng 5 năm 2011, đắc cử đại biểu quốc hội khoá 13.
Ngày 26-5-2012, quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.
10.2. Thành tích
Đặng Thị Hoàng Yến lập được những thành tích như sau:
Thành lập Tập Đoàn Tân Tạo. Thành lập Khu Công Nghiệp Tân Tạo (Sài Gòn), Khu Công Nghiệp Tân Đức (Đồng Nai), trường Đại Học Tân Tạo và Quỹ Từ Thiện.
10.3. Các chức vụ
- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Tân Tạo
- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị trường Đại Học Tân Tạo
- Chủ tịch Hội Đồng Doanh Nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ
- Thành viên Ủy Ban Kinh Tế Xã Hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP)
- Thành viên Hội Đồng Kinh Tế của tổ chức ASEAN
- Thành viên Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, khu vực Đông Nam Á
- Đắc cử đại biểu quốc hội khoá 13, nhiệm kỳ 2011-2016. (Bị bãi nhiệm ngày 26-5-2012)

11* Tập đoàn Tân Tạo (Tan Tao Group)
Năm 1993, bà Đặng Thị Hoàng Yến thành lập Tập Đoàn Tân Tạo. Là một doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng và Khu Công Nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Tan Tao Group có 21 công ty con hoạt động trên nhiều lãnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng, năng lượng và truyền thông.
Một công ty con của Tân Tạo là ITACO đã trở thành 1 trong 9 cổ phiếu Blue-chip, được cho gia nhập chỉ số index chứng khoán Russell Global. Và là 1 trong 10 công ty có số vốn lớn nhất VN hiện nay. Đang đầu tư xây dựng một nhà máy điện lớn nhất VN với số vốn 3 tỷ đô la.

12* Trường Đại Học Tân Tạo
Trường Đại Học Tân Tạo (Tan Tao University-TTU) là một đại học tư thục phi lợi nhuận, giảng dạy bằng tiếng Anh đầu tiên ở VN, theo chương trình đại học hiện đại Duke của Hoa Kỳ. Đại Học Tân Tạo, tại Long An, được xem như một Harvard của VN, thành lập ngày 25-11-2010. 60% giáo sư là người nước ngoài.
Người sáng lập và Ban Cố Vấn trước tòa nhà trung tâm của Đại học Tân Tạo

12.1. Ban Giám hiệu:
Hiệu trưởng: GS TS Võ Tòng Xuân
Hiệu phó: TS Trần Xuân Thảo, Thạc sĩ Lê Văn Khôi
Hội Đồng Cố Vấn:
-         GS Malcolm Gillis, nguyên hiệu trưởng Đại học Rice (HK)
-         GS Eugene H. Levy. Hiệu trưởng Đại học Rice, Hội đồng Cố vấn cơ quan NASA
-         GS Peter Lange. Hiệu trưởng Đại Học Duke, giáo sư Đại học Harvard
-         GS Charles J. Henry. Nguyên phó hiệu trưởng Đại học Rice
Các khoa ngành: Kỹ thuật và khoa học vi tính, kinh tế và quản trị kinh doanh, nhân văn và ngôn ngữ học, Y khoa.
12.2. Cấp học bổng
Năm học 2012-2013, 500 sinh viên được cấp học bổng toàn phần (3,000 USD) cho tất cả sinh viên năm thứ nhất. Sau năm thứ nhất, học bổng được cấp theo số điểm như sau:
-         Điểm từ 3.5 đến 4.0: Được cấp 100% học bổng (3,000USD)
-         Điểm từ 3.0 đến 3.5: 75% học bổng
-         Điểm từ 2.5 đến 3.0: 50%
12.3. Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên
Nhằm tôn vinh và khích lệ những tài năng trong học tập, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào phấn đấu rèn luyện trong học sinh, sinh viên vươn tới đỉnh cao, sáng lập Giải thưởng để tuyên dương các học sinh đạt giải quốc tế , quốc gia, thủ khoa ở các trường đại học, học viện, và học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc trong cả nước.
Ngày 23-9-2011 trao 1,800 giải, ngoài ra còn thưởng cho 8 học sinh đoạt giải các kỳ thi quốc tế, 7 học sinh đoạt giải quốc gia và 50 sinh viên thủ khoa của các trường đại học trong nước.
50 thủ khoa ĐH được tặng giải thưởng Hoa trạng nguyên năm 2011

13* Hoạt động từ thiện
Tập đoàn Tân Tạo tham gia tích cực vào nhiều hoạt động từ thiện tại  nhiều địa phương, trong cả nước.
Ngày 30 tháng 9 năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo đã ra mắt 3 quĩ từ thiện gồm:
Quĩ ITA vì tương lai, Quĩ ITA chiến thắng bệnh tật, Quĩ ITA hàn gắn vết thương, để hỗ trợ các em học sinh nghèo học giỏi, các  gia đình neo đơn bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt, các bệnh nhân nghèo.

14* Bà Hoàng Yến thách thức chính quyền
Trong buổi họp báo ngày 21-4-2012, bà Hoàng Yến cho biết:
Tôi chấp nhận việc bãi nhiệm, nhưng muốn cho mọi người tâm phục, khẩu phục, tôi đề nghị làm rõ 3 vấn đề:
1.     Nhiều đại biểu khác cũng ở trong tình trạng giống như tôi trong việc khai hồ sơ, nhưng có ai bị như tôi không?
2.     Tôi yêu cầu làm sáng tỏ việc hồ sơ lý lịch của tôi bị cạo sửa, tẩy xoá, viết thêm bằng tay vào, mà trước đây, tôi đã gởi thơ yêu cầu Ban Công Tác Đại Biểu làm sáng tỏ, mà tới nay chưa được trả lời.
3.     Tôi là một trong 3 thành viên được chính phủ cử tham gia Hội Đồng Tư Vấn về kinh tế và kinh doanh của tổ chức ASEAN, do đó, việc bãi nhiệm phải cho rõ ràng.
Chưởng nầy độc thật. Một phụ nữ tay trắng lập nên sự nghiệp hiển hách, từng lăn lộn trong đấu trường kinh doanh dưới chế độ phe đảng và tham nhũng, ắt phải có bản lĩnh về mọi mặt. Không phải là tay vừa.
Nhà nước CSVN bí lối, cứng họng, làm sao mà trả lời cho được?

15* Nhận xét vụ việc
15.1. Những cái sai của Mặt Trận Tổ Quốc
1). Mặt Trận Tổ Quốc phải chịu trách nhiệm
Hồ sơ ứng cử phải qua 3 giai đoạn duyệt xét từ Sở Nội Vụ đến MTTQ.
Đặng Thị Hoàng Yến nhận hồ sơ từ Sở Nội Vụ, điền đơn rồi nạp lại cho Sở Nội Vụ tỉnh Long An.
Ngày 14-3-2011, Sở NV trả đơn, yêu cầu khai thêm.
Ngày 18-3-2011, Sở NV nhận đơn, xem như hợp lệ. Hồ sơ chuyển qua MTTQ, cứu xét hợp lệ, nên chấp nhận cho ra ứng cử.
Rõ ràng là MTTQ đã làm sai, nếu cho rằng hồ sơ đó khai không đầy đủ.
Mặt Trận Tổ Quốc chính là cơ quan làm sai, cho nên phải chịu trách nhiệm. Không phải lỗi của bà Yến.
2). Mặt Trận Tổ Quốc vi phạm nguyên tắc
MTTQ chỉ nhận hồ sơ, xét hồ sơ, đồng ý giới thiệu cho ra ứng cử. Sau khi đắc cử, bà Hoàng Yến thuộc về nhân viên dưới sự quản lý của Quốc hội.
Nếu MTTQ phát hiện ra sự “khai man lý lịch”, thì chỉ có quyền thông báo cho QH để cơ quan nầy giải quyết.
Việc MTTQ họp bỏ phiếu là vi phạm nguyên tắc. MTTQ không có quyền quyết định có nên hay không nên đề nghị bãi nhiệm. Trường hợp đa số phiếu không đồng ý đề nghị bãi nhiệm thì sao? Vì sai là sai, không có gì thay đổi khi bỏ phiếu đồng ý hay không đồng. MTTQ đã  vi phạm nguyên tắc.
MTTQ không có thẩm quyền biểu quyết, cho nên kết quả biểu quyết không có giá trị pháp lý. Và rồi quốc hội lại căn cứ vào một vụ việc không có giá trị pháp lý, để ra một quyết định pháp lý, thì cả hai đều sai.
3). Ai cạo sửa hồ sơ lý lịch của bà Hoàng Yến?
Hồ sơ lý lịch của bà Hoàng Yến bị cạo sửa, tẩy xoá, viết tay thêm vào.
Nếu MTTQ quản lý hồ sơ đó thì phải chịu trách nhiệm hành vi phạm pháp nầy. Nếu MTTQ không quản lý hồ sơ, thì làm sao biết được đã khai man lý lịch? Làm ăn  cái kiểu gì mà qua 3 vòng kiểm tra, cứu xét mà không thấy đuợc sự “khai man”?
4). Mặt Trận Tổ Quốc bịt miệng bị cáo.
Trước khi giải quyết vụ việc “khai man”, theo nguyên tắc phải chính thức thông báo cho “bị cáo” Hoàng Yến biết, để trình bày lý do, đồng thời xác nhận có vi phạm hay không? MTTQ đã không làm việc nầy, lại họp kín, bỏ phiếu kín là hành động bịt miệng bị cáo, lừa bịp cử tri.
Tóm lại, kiến nghị của MTTQ lên QH không có giá trị pháp lý. Ít nhất, phải có một cơ quan pháp luật như công an điều tra hoặc tòa án có thẩm quyền để chứng nhận thực chất của vụ việc.
15.2. Cái sai của Quốc Hội CSVN
1). Cần phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập
Quốc Hội là cơ quan làm việc về pháp luật, làm ra luật, thế mà vi phạm luật, làm việc phi pháp. Giải quyết một việc quan trọng như thế, thì phải lập một ủy ban điều tra độc lập mới công bằng, trung thực, như các quốc gia văn minh đã thực hiện.
2). Đại đa số đại biểu không dám bỏ phiếu công khai
“Khai man lý lịch” là một hành vi đơn giản và công khai, không thuộc phạm vi bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, thế mà 457 đại biểu không dám bỏ phiếu công khai. Đó là hành vi hèn nhát, không dám đối diện với sự thật, không dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình, chứng tỏ gian dối, không xứng đáng đại diện của dân. Thật là ô nhục và vô liêm sĩ.
3). Quốc hội bịt miệng bị cáo
Hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà án thể hiện chế độ hiện nay ở VN. Quốc hội ô nhục nầy cũng thể hiện cái ô nhục đó.
Bà Hoàng Yến phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-4-2012: “Thông tin một chiều của chính quyền làm cho cử tri không hiểu rõ sự thật về người đại diện của họ”.
Tại sao không dám mời bà Hoàng Yến ra trước những ủy ban cáo buộc bà, để tr ình bày, làm sáng tỏ vụ việc? Che dấu sự thật không phải là tư cách của người đại diện nhân dân.
Câu nói của bà Hoàng Yến trong buổi họp báo làm cho mấy cha nội đại biểu gia nô nhột không ít:”Nhiều người hỏi tôi, sao hay phát biểu tại nghị trường như thế?, tôi trả lời: Nếu vào quốc hội mà hèn nhát, không dám nói, thì tôi xin ra”.

16* Kết
Việc bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến cho thấy CSVN vẫn còn vi phạm nhân quyền trầm trọng, một đại biểu quốc hội mà còn bị như thế, thì người dân thấp cổ bé miệng bị đối xử như thế nào.
Ngày 24-5-2012, phúc trình năm 2011 của Bộ Ngoại Giao HK về nhân quyền VN đã xác nhận tình hình nhân quyền ở VN đã xuống cấp trầm trọng. Phụ tá Ngoại trưởng, ông Michael Posner nêu rõ: “Chúng tôi vẫn thấy nhân quyền tại VN không có gì khích lệ và không thể chấp nhận được”.
Ngày 3-5-2012, Tổng thống HK kêu gọi thế giới đừng quên trường hợp bị giam cầm của Blogger Điếu Cày tại VN, vì các hoạt động thực thi tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến.
Việc bãi nhiệm bà Hoàng Yến cho thấy những khó khăn mà đảng CSVN sẽ phải đối diện trước sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, sự thành đạt của các doanh nhân ngoài đảng, không tham nhũng, làm mất thêm niềm tin vào cán bộ đảng viên, vào sự lãnh đạo của đảng, đồng thời chứng tỏ sự rạn nứt trong đảng.  Có ý kiến cho rằng, việc bãi nhiệm bà Yến gắn liền với việc mất chức Trưởng Ban chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng.
Về pháp luật của CSVN, cán bộ đảng viên làm ra luật, đảng viên sửa đổi luật, đảng viên thi hành luật, đảng viên đi bắt người, đảng viên ngồi toà xét xử bỏ tù người, đảng viên giam giữ người trong nhà tù, đảng viên xét ân xá, ân giảm, đảng viên quản chế tại gia. Cái mỉa mai là VC cho rằng quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng không biết cái quyền lực cụ thể đó cái gì?
Dân gian có câu rất chí lý: “Đảng chỉ tay, quốc hội giơ tay, Mặt Trận Tổ Quốc vổ tay, và nhân dân trắng tay”.

Trúc Giang
Minnesota ngày 1-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét