Trang chính

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Securency 'chi tiền mua dâm cho đoàn VN'



Bê bối Securency dính líu việc in tiền polymer ở Việt Nam

Một phái đoàn viên chức chính phủ Việt Nam được trả tiền để mua vui với gái bán dâm trong bê bối hối lộ in tiền polymer, theo lời một nhân chứng trong phiên tòa ở Úc. 

Tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, đang hầu tòa vì cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam.
Ra tòa hôm 6/9, một nhân chứng kể lại vào cuối năm 2007 và giữa năm 2008, ông gặp một đoàn gồm 10 đến 12 viên chức Việt Nam, được công ty Securency đặt cho bí danh “Beanland”.

Ông Gary Power, giám đốc kỹ thuật của Securency, nói với cảnh sát rằng một vị trong đoàn “cho hay buổi tối hôm trước, họ đã thăm các cô gái bán dâm, mà chi phí được ‘ông John’ trả… Tôi không kéo cuộc trò chuyện này đi xa hơn.”

‘Ông John’ ám chỉ David John Ellery, cựu Giám đốc Tài chính của Securency, đã thoát án tù hồi tháng Tám sau khi chấp nhận hợp tác điều tra về vụ bê bối.

Nhân chứng Gary Power nói thêm: “Tôi còn nhớ viên chức này nói ông ta thích một cô gái bán dâm tóc vàng.”

Ông Power, đã làm cho Securency từ năm 1999, nói đó là “khoản chi phí kỳ cục duy nhất” mà ông nghe là Securency đã trả cho đoàn Việt Nam.

Nhưng ông cũng nói mình từng thấy “nghi ngờ và bất thường” khi được kể về việc con trai ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được học bổng tại Đại học Durham của Anh.

Trong bản khai, ông nói một lãnh đạo của Securency, Bill Lowther, có quan hệ với Đại học Durham.

Ông cũng nói với tòa rằng phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, được công ty Úc đặt cho biệt danh là “Suzy mắt đen” (black-eyed Suzy).

Luật sư của một trong các bị cáo, Mitchell Anderson, nói “không có gì gian trá” về các biệt danh.
Tám người từng giữ các chức vụ lãnh đạo ở công ty Securency và Note Printing Australia đã ra tòa hôm 14/8 để nghe chứng cứ chống lại họ trong vụ án tiền polymer.

Phiên nghe lời khai tại tòa án Úc vẫn đang tiếp tục.

Nguồn: BBC Tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét