Trang chính

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Xây Dựng Xã Hội Dân Sự Bằng Lý Trí Và Tâm Thức

Nhóm chữ “Xã Hội Dân Sự” (XHDS),[1]  là một thuật ngữ bao hàm nhiều nghĩa, tùy theo quan niệm và chương trình hoạt động của từng khuynh hướng chính trị.  Theo khuynh hướng thiên hữu bảo thủ, XHDS chủ trương tự do cá nhân trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh.  Theo khuynh hướng thiên tả, XHDS chú trọng vào sự đoàn kết xã hội và khả năng dự kiểm mậu dịch.  Còn theo quan niệm quân bình, XHDS tự do hiện hữu trong một nền kinh tế thi trường có khuynh hướng bảo trọng xã hội.  Cách định nghĩa so sánh cơ cấu cho thấy XHDS được thành hình trên hai căn bản lý trí và tâm thức, mà ảnh hưởng tác động có tính cách ứng dụng bổ túc lẫn nhau.


XÃ HỘI DÂN SỰ ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG DUY LÝ
Tham luận, hội kiến, đối chất rộng rãi về một chính sách công cộng, hoặc về một công trình ích lợi chung là trọng tâm suy luận của một xã hội dân sự.  Nhìn nhận nhu cầu, chia sẻ quan điểm, cảm thông dị biệt và hợp tác kết sinh là những thuộc tính căn bản của thuật quản trị thực tiễn, ôn hoà, của cách điều hành hữu hiệu trong một cơ cấu tổ chức quyền hành dựa trên xã hội dân sự.    
Cuộc sống chung đụng đòi hỏi thương lượng, dàn xếp.  Điều kiện tiên quyết để bước vào một xã hội dân sự là sự chấp nhận từ bỏ thành kiến độc đoán, để có thể dung hoà với quan niệm đối tác trong sinh hoạt tập thể.  Xã hội dân sự hữu hiệu tùy thuộc vào khả năng đại đồng trong việc phát biểu, tranh luận, sáng tạo, học hỏi lẫn nhau, để giải quyết khó khăn, theo đường lối duy lý công cộng, hội nhập và kết sinh.  Đó là chính sách ứng dụng tự do,[2] trong đó có tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, để không một ai được quyền độc đoán, dành lẻ phải riêng về mình, mà luôn luôn có trách nhiệm thương lượng với nhau trong việc xác định lẽ phải và quyền lợi thụ đắc.
Như vậy, điều kiện đưa tới xã hội dân sự là sự khai triển đường lối suy luận phê phán,[3] đôn đốc thành sinh lực xã hội,[4] dưới hình thức vận động dân quyền tích cực,[5] tôn trọng lẽ phải và quyền lợi tương ứng.  Những điều kiện này không mấy dễ thực hiện, khi người dân còn bị thế lực chính trị đàn áp, bịt mắt, khoá miệng, hoặc bị quyền lợi tài phiệt chèn ép, thôi thúc, lừa đảo.   Mọi chính sách độc đoán, hẹp hòi, mờ ảo, lừa bịp, thiếu trong sáng, thiếu sáng kiến phê phán, đều là những trở ngại cơ cấu mà một xã hội dân sự phải tìm cách vượt thoát, cải bỏ, để tiến tới bình diện hợp lý khả quan của công ích chung.[6]  Do đó, một xã hội dân sự minh mẫn cần đề cao cảnh giác để giải trừ thế lực triệt tiêu của đảng phiệt, tài phiệt, của những ý thức hệ phản dân chủ, vô nhân đạo, lỗi thời, ngoan cố.  Xã hội dân sự là sự kết tác thăng hoa của dân trí vận và ý thức dân chủ vậy.  Và đó cũng là thể thức thi hành và thực hiện đúng mức quyền lực của người dân.

XÃ HỘI DÂN SỰ ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG TÂM THỨC
Một xã hội dân sự chân chính cũng không thể thuần duy lý, luôn luôn căn cứ vào quyền lợi và lẽ phải để giải quyết những khó khăn nội tại, hoặc để thực hiện những công ích chung.  Yêu sách quyền lợi quá trắng trợn, quyết dành lẽ phải quá đáng, quá mức, có thể gây nên cảnh áp bức thiên vị, độc quyền cố vị của kẻ thắng thế, của đa số cai trị, của kẻ mạnh độc tôn, độc tài, như thời Phát Xít Đức Quốc Xã, hoặc những cuộc tảy xoá sắc tộc[7] tại vùng Balkans (Bosnia-Croatia), tại các lò sát sinh chủng tộc Rwanda, Darfur, bên Phi Châu trong những thập niên gần đây.  Vào những thời điểm và địa điểm đó, con người đã nhân danh quyền lợi và lẽ phải cục bộ của họ để triệt hạ, tảy xoá toàn bộ những sắc tộc khác, những nhóm thiểu số yếu đuối hơn, thấp kém hơn.   
Trong những cảnh huống quá mức duy lý đó, con người phải bám víu vào đâu để duy trì mức độ nhân bản hài hoà của một xã hội dân sự chân chính? 
Tôn giáo chăng? Tôn giáo luôn luôn là một mẫu mực tâm linh cần tôn trọng và bảo vệ.  Nhưng tôn giáo đã từng bị lạm dụng.  Những suy luận bảo thủ chật hẹp đôi khi trở thành ngụy biện tai hại, nếu dựa vào giáo điều siêu thực để thêm phần võ đoán trong việc phủ định mọi ý kiến dị biệt, dù chính đáng.  Lịch sử Âu Châu, Ấn Độ, Á Châu đã ghi nhận nhiều cuộc tàn sát đẫm máu, khi con người mượn tôn giáo để sát hại lẫn nhau, sát hại kẻ thù, sát hại người “ngoại đạo”, kẻ “vô thần”.[8]  Những tín đồ cực đoan, những liệt sĩ tử vì đạo đôi khi chỉ là những kẻ ôm bom tự sát và đồng thời tàn sát cả trăm, cả ngàn người vô tội,[9] để đổi lấy giấy thông hành lên những thiên đường riêng rẽ, mờ ảo, vị kỷ.  
Một xã hội dân sự chân chính thường có tính cách nhân bản, ôn hoà, độ lượng. Xã hội dân sự chân chính đó dùng tới tâm thức bác ái để đôn đốc an sinh phúc lợi đại đồng, để phục vụ con người, chu toàn cho bản thân và tha nhân, chu toàn cho dân tộc và nhân loại.  Xã hội dân sự chân chính đó không biệt đãi một nhóm người, một tôn giáo nào và cũng không miệt thị kẻ khác, tôn giáo khác. Một ứng dụng tương tự đã được ghi nhận trong Tu Chính Án Một [Amendment I, (1791)], Hiến pháp Hoa Kỳ, mà theo đó nhà Lập pháp không được đôn đốc, biệt đãi bất kỳ tôn giáo nào, lẫn cấm đoán tự do tín ngưỡng liên hệ…[10]  để một mặt quy định tự do tin ngưỡng, mặt khác xác định sự phân tách giữa tôn giáo và chính quyền.[11]
Xã hội dân sự chân chính đó không phân chia cục bộ giai cấp văn hoá, kinh tế, xã hội; không thiên vị hay ngược đãi giới tính, tuổi tác, xu hướng chính trị, tín ngưỡng, khả năng trí tuệ, sáng tạo.  Trái lại, xã hội dân sự chân chính có xu hướng bác ái, chủ trương công bằng xã hội tự giác, tự kiểm; chủ trương ứng dụng luật pháp đồng đều và tương ứng cho từng hoàn cảnh, trên căn bản trung thực và cần thiết cho đời sống, cho tự do và phẩm chất con người.
Xã hội dân sự chân chính lấy tâm thức nhân từ để bù đắp, điều chỉnh những biện pháp quá cứng rắn về nguyên tắc.  Họ dựa vào tình cảm, tâm thức và đạo lý để ứng dụng cách đối sử tử tế đôn hậu, và từ đó khai triển những chính sách nhân đạo, trọng sinh, ôn hoà.  Nhân từ bác ái sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ngờ vực sẵn có trong thế thủ của từng người và xác định rằng những vấn đề khó khăn trong cuộc sống kinh tế, xã hội, chính trị không thể giải quyết một cách máy móc, đóng khung trong thành kiến, trong võ đoán cục bộ.  Nhân từ bác ái gia tăng khả năng cởi mở, cảm thông, dồn sức đón nhận sáng kiến cải tiến xã hội và đời sống con người.  Nhân từ bác ái sẽ bổ túc cho quyền lợi và lẽ phải, tâm thức sẽ thăng hoa trí tuệ trên con đường nhân bản kết sinh trùng khởi, cải tiến đại đồng.  
Vậy, xã hội dân sự xây dựng bằng lý trí và tâm thức là phương thức căn bản và cũng là cứu cánh tất yếu của một nền dân chủ chân chính, tân tiến.  
Nếu Việt Nam muốn thực sự hội nhập vào sự thịnh vượng và tiến bộ toàn cầu, chính quyền cùng dân tộc cần đôn đốc, phát huy ngay một xã hội dân sự có khả năng phối kiểm lý trí và tâm thức, trên bình diện tự duy và kết sinh theo trào lưu nhân bản, toàn diện, hài hoà.

TS.LS. LƯU NGUYỄN ĐẠT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét