Trang chính

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Chứng minh “có chuyện chạy công chức 100 triệu”

Tiểu Vũ (Danlambao) - Nghe kết luận về việc chạy công chức ở Hà Nội mà thấy khôi hài quá. Thật là, có đời nào trộm (tham nhũng) lại tự nhận mình là trộm (tham nhũng) đâu. Bằng chứng cho những việc trộm cắp này nếu có tìm được thì cũng chẳng ai dại gì mà nhận là của mình cả. Thế nên, cứ điều tra trên giấy thì tìm đâu ra dấu vết được. Quan chức nước mình ai cũng trong sạch cả mà sao dân lại cứ hay đi "đặt điều" như thế? Các ông chủ, bà chủ nhân dân cớ sao chưa thấy lửa mà đã thổi đầy khói vào mặt của đầy tớ vậy nhỉ?


Thật giả, đúng sai thì ai cũng biết. Vấn đề là chấp nhận nó và xử lý nó thế nào thôi. Tôi thấy các ngài kết luận nội bộ trong sạch, vững mạnh và đặc biệt không có chuyện chạy công chức mà buồn thay. Chút niềm tin mong manh vào tính thiện lương của các bậc đầy tớ trung thành của nhân dân bỗng nhiên tan biến cả. Thôi thì, tôi chẳng giỏi toán được như anh Ngô Bảo Châu cũng chưa có trình độ lý luận chính trị cao cấp như các vị giám đốc sở, nhưng để chứng minh cái sự thật hiển nhiên nó trái ngược với kết luận của các ngài thì tôi vẫn thừa sức làm. 

Quay lại vấn đề các ngài kết luận "không có chuyện chạy công chức 100 triệu", tôi xin khái quát hóa bài toán hơn nữa, với kết luận mới là: "không có quan chức tham nhũng, nhận hối lộ". Hẳn nhiên, các ngài hiểu rằng có thể có tham nhũng, hối lộ - vì đến ngài chủ tịch nước còn nói là có - nhưng là tham nhũng, hối lộ ở chỗ khác chứ không phải ở việc chạy công chức. Vâng, tôi hiểu ý các ngài muốn nói. Nhưng các ngài chỉ cần nhớ đơn giản hơn một chút: tham nhũng, hối lộ trong công tác tuyển dụng, sắp xếp nhân sự nhà nước chính là việc chạy công chức đấy ạ. Do có quá nhiều lĩnh vực, tôi không muốn đi chứng minh cho từng lĩnh vực một, mà chỉ chứng minh bài toán tổng quát; sau đó, các ngài ở lĩnh vực nào thì chỉ cần đối chiếu vào lĩnh vực đó là nhìn nhận được ngay. Vậy là rất dễ hiểu đúng không? Khi đã hiểu, các ngài cũng sẽ có câu trả lời cho vấn đề tại sao không tìm ra chứng cứ. 

Tôi không chứng minh theo kiểu nói dài dòng, không dùng những câu thành ngữ như "trót nhúng tràm, xấu đều hơn tốt lỏi" để kết luận các ngài bao che cho nhau. Tôi cũng không đưa chuyện các ngài như dân làng Vũ Đại, nghe Chí Phèo chửi cả làng nhưng ai cũng bảo chắc nó chừa mình ra; vì các ngài thừa nhận có tham nhũng, hối lộ, nhưng lại bảo rằng: ở chỗ nào có tham nhũng chứ, chỗ chúng tôi trong sạch lắm... Tôi không chứng minh theo cách đó, vì như thế rất phản khoa học và nếu làm thế thì tôi cũng sẽ chẳng khác gì các ngài lắm, tức là cũng dùng lời nói, tuyên truyền để làm thay đổi suy nghĩ của người khác. 

Tôi bắt đầu với việc tóm tắt đề bài: Chứng minh phát biểu:"không có quan chức tham nhũng, nhận hối lộ" là sai. Tôi dùng một phương pháp cực kì phổ biến trong toán học và đời sống: "chứng minh bằng phản chứng", nội dung của phương pháp này rất đơn giản: đặt giả sử điều nào đó đúng, rồi chứng minh điều đó dẫn đến vô lý, phi logic; khi đó ta có thể kết luận điều đó là sai. Theo đó, tôi sẽ đặt giả sử: phát biểu "không có quan chức tham nhũng, nhận hối lộ" là đúng. 

Bắt đầu nhé, các vị quan (chắc hẳn hơn 99% là đảng viên) và để có thể được nhận hối lộ thì chắc hẳn phải có chút quyền hành hoặc ở vị trí công tác nào đó quan trọng. Mà để làm lãnh đạo thì thành phần xuất thân cơ bản của các vị ấy (bản thân hoặc bố mẹ, ông bà các vị ấy) thường là: bần cố nông, nông dân,... hoặc quá lắm thì là tiểu tư sản (công nhân) thôi. Vậy có thể coi rằng số vốn khi quan chức có ở tuổi 20 là con số 0 hoặc cùng lắm là bằng với số tài sản mà quan chức đó được thừa kế từ những người được cho là "vô sản". 

Các tài sản được nhà nước cấp theo chế độ và các tài sản thừa kế của các vị ấy ta coi là hợp pháp và khoanh lại 1 bên. Còn các tài sản khác của các quan chức đều phải do tích lũy mới có. Thu nhập hợp pháp của quan chức bao gồm: lương, phụ cấp và có thể có nguồn thu khác từ vợ, con hoặc bố mẹ, họ hàng cho tặng (cũng rất dễ chứng minh nguồn gốc nếu cần thiết); nếu người đó có đem các tài sản hợp pháp vào kinh doanh và mang lại lợi nhuận thì cũng rất dễ để chứng minh số lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các thu nhập đó. Giả định rằng các ngài ấy mà thu lợi lớn nhưng lại báo con số nhỏ thì cơ quan thuế vụ, công an kinh tế đã bắt các ngài ấy từ lâu rồi; vì ở Việt Nam nghe nói có anh Điếu Cày chẳng biết trốn được mấy đồng thuế mà còn bị đi tù dài ngày kia, nếu các vị quan chức mà trốn thuế thì chắc hẳn đã chẳng còn ngồi đó mà làm quan được. Như vậy, tất cả các nguồn thu hợp pháp của các vị ấy đều minh bạch, rõ ràng và có thể tính được ngay. 

Con các ngài ấy thì đa phần là còn nhỏ (còn phải lo ăn lo học chứ kiếm tiền thế nào), vợ thì cũng không có xuất thân tư sản, đại địa chủ (vì nghe đâu đảng viên mà làm quan thì vợ không được có xuất thân tư sản) nên của hồi môn chắc cũng dễ chứng minh lắm. Nếu là công chức thì lương cũng cố định rồi, còn làm ăn ngoài thì sẽ tính tiếp. Cứ cho vợ các quan có tài sản ban đầu và thời kì trước đổi mới có dấm dúi được chút ít để sau đổi mới làm ăn, kinh doanh kiếm thêm thì con số kiếm được cũng có thể khảo ngay mấy anh bên thuế là ra mà J Thuế vụ với công an kinh tế Việt Nam làm tốt lắm, làm sao mà khai gian hay trốn tránh được (nếu làm không tốt thì đấy là ăn hối lộ rồi còn gì). Vậy nên, ta cũng có tài sản rõ ràng do vợ, con của quan chức góp vào rồi. 

Cộng các con số trên lại, ta được tổng tài sản của gia đình quan chức hiện có. Và chắc chắn là, với đồng lương của các quan không đủ sống, với thu nhập của vợ không đủ nuôi con... thì chúng ta sẽ thấy ngay hàng loạt câu hỏi: 

- Thu nhập chính của các ngài ấy là lương. Vâng, lương của các ngài ấy theo như sổ sách thì đủ sống là tốt lắm rồi. Thế mà nhà lầu, xe hơi, con đi du học nước ngoài... Bảo các ngài ấy chứng minh xem các ngài ấy lấy tiền từ đâu? Đánh xổ số à? Hay là đánh bạc? Ấy chết, đánh bạc bị cấm cơ mà, đi tù như chơi. Còn đánh xổ số mà dễ trúng vậy thì chắc dân thường còn giàu hơn các ngài nhiều lần rồi ấy chứ. 

- Vậy phải chăng vợ các ngài ấy làm ăn phi pháp? Hay là đi đường các ngài ấy nhặt được tiền? Ôi! Làm ăn phi pháp thì chẳng những vợ các ngài phải đi tù mà các ngài ấy còn phải liên lụy, đi tù ngay ấy chứ, sao lên quan to được? Còn nhặt được tiền thì cũng lạ thật, thiên hạ có nhiều người lắm tiền để làm rơi thế cơ à? Mà các ngài ấy là đảng viên thì sao lại xài đồ nhặt được của người khác được? Các ngài ấy vẫn dạy bảo mọi người là: nhặt được của rơi trả người đánh mất cơ mà, không nhẽ là đạo đức giả à? Chắc không đâu, các ngài ấy là quan cơ mà, phải có liêm sỉ chứ, thời này làm gì có quan như huyện Hinh chuyên ăn bẩn đâu? Vậy lên các giả thiết này cũng không thể rồi nhé. 

Với thu nhập và tích lũy như kể trên, kết hợp với điều giả sử "không có quan chức tham nhũng, nhận hối lộ" là đúng thì ta thấy rằng: nhà các ngài ấy chắc chỉ có thể là nhà chung cư nhà nước cấp hoặc ở nhà do bố mẹ để lại (thừa kế); phương tiện đi lại là xe buýt hoặc xe đạp hoặc nếu có chức quyền thì có xe công vụ đưa đón (không có ôtô riêng); con của các ngài ấy đi học thì chỉ học ở các trường dành cho người nghèo hoặc các trường bình dân...

Thế nhưng thực tế, chúng ta đều thấy những điều ngược lại. Quan chức nào cũng có nhà lầu, xe hơi riêng, con của các vị mà không học trường tốt nhất thì cũng đi du học nước ngoài,... Điều thực tế này cho chúng ta thấy: điều giả sử của chúng ta ở trên là sai. Như vậy: phát biểu "không có quan chức tham nhũng, nhận hối lộ" là sai. Điều phải chứng minh. 

Đến đây các ngài có thể phản bác, chẳng hạn: tôi còn có thu nhập này, thu nhập kia nhưng không phải là ăn hối lộ. Vâng, thế thì các thu nhập đó các ngài có kê lên để nộp thuế không? Nếu câu trả lời là có thì sẽ tính được ngay, còn nếu không, cũng rất đơn giản: các ngài đang phạm tội trốn thuế, chuẩn bị được đi bóc lịch rồi đó. Các ngài có thể kể rằng có người họ hàng này, kia gửi tiền cho. Vâng, hãy kể họ ra và kê rõ để chúng ta tiếp tục kiểm tra về người họ hàng giàu có ấy và kiểm tra tiếp xem nguồn gốc tài sản đó từ đâu mà có. 

Kết luận về bài toán này rất rõ ràng: Nhìn vào tài sản hiện có của các quan chức, ai cũng có thể nhận ra là có tham nhũng, hối lộ hay không. Bây giờ, chỉ cần đưa cái nhìn về nhà các quan chức sở nội vụ, người có ảnh hưởng, có quyền quyết định ở các cơ quan có quyền tuyển dụng, sắp xếp nhân sự nhà nước. Nếu thấy nhà của các quan chức này có tổng tài sản lớn hơn số mà các bạn kê ra được thì hoàn toàn kết luận được là có chạy công chức hay không. 

Thiết nghĩ, thay vì chứng minh có chạy công chức hay không ta sẽ cho các quan chức chứng minh điều ngược lại. Đó là: yêu cầu quan chức chứng minh bản thân không tham nhũng, không nhận hối lộ bằng cách kê tổng tài sản gia đình và chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ của tài sản nhé. 

Nguồn :DLB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét