Trang chính

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

CPJ: Việt Nam, một trong 5 nước bỏ tù nhiều ký giả nhất thế giới

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cầm tù nhiều ký giả nhất trên thế giới bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria, và Ethiopia. Đó là đánh giá của Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế (CPJ) trong phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu vừa công bố hôm 14/2.

Bấm vào nghe tường trình và phỏng vấn
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế có trụ sở ở New York, Hoa Kỳ, nhan đề 'Các cuộc tấn công báo chí' nói rằng năm 2012 là năm có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất, với 70 ký giả bị sát hại. Năm qua cũng như có số ký giả bị cầm tù cao kỷ lục là 232 người.

Theo CPJ, các nhà báo bị bỏ tù tại Việt Nam chủ yếu vì bị cáo buộc tội 'chống phá nhà nước', một trong những tội danh mà Việt Nam thường dùng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ.


Ông Bob Dietz, Phối Hợp Viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký giả Quốc tế CPJ, phát biểu với VOA Việt ngữ:

"Bản phúc trình thường niên 2012 này của chúng tôi điểm lại tình hình tại các nước trong năm qua. Qua đó, ta thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cường đàn áp quyền tự do báo chí và tự do internet của công dân. Số người thể hiện quan điểm cá nhân qua các bài viết hay trên mạng internet bị bỏ tù tại Việt Nam tiếp tục tăng. Báo chí trong nước đều của nhà nước và bị kiểm soát chặt chẽ. Còn những ai nói lên những gì nhà nước không thích thì lại bị đi tù. Đây là một xu hướng hết sức đáng quan ngại."

Ông Dietz cho biết Việt Nam, Thái Lan, và Malaysia là ba nước đáng chú ý nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Những nước CPJ ghi nhận quyền tự do báo chí bị trấn áp nhiều nhất trong năm 2012 ​​Phúc trình của CPJ chỉ ra rằng các chính phủ ở khu vực này trong năm qua đã tìm cách giới hạn quyền tự do Internet bằng các quy định hạn chế, theo dõi, kiểm duyệt và đe dọa bỏ tù những người cầm bút bằng các tội danh liên quan đến "an ninh quốc gia". Các chiến thuật Việt Nam áp dụng để đàn áp quyền tự do báo chí bị CPJ nêu lên trong phúc trình bao gồm sử dụng các luật lệ mơ hồ về "chống phá nhà nước" để trấn áp các ký giả mạng, dùng công an mạng để theo dõi các hoạt động trên net, thành lập đội ngũ các "dư luận viên" tuyên truyền có lợi cho nhà nước và phản biện các ý kiến chỉ trích nhà nước trên các diễn đàn mạng.

Báo cáo của CPJ nêu lên rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đã áp dụng một loạt các luật lệ cho phép nhà cầm quyền tăng cường kiểm duyệt internet và truy tố các blogger có quan điểm trái với nhà nước.
​​
Một nghị định hồi năm 2008 quy định việc truy cập vào các trang web bị nhà nước cấm trong đó có các trang cổ xúy dân chủ đa đảng hay chỉ trích chính sách cai trị của đảng cộng sản là bất hợp pháp.

Trong cùng năm, một chỉ thị của Bộ Văn hóa Thông tin ban hành yêu cầu các trang blog cá nhân không được bàn đến các vấn đề chính trị và phải gỡ bỏ các bài viết mà chính quyền cho là "nhạy cảm" kể cả các bài báo nước ngoài được in lại hay dịch lại.

CPJ cũng nhắc tới một dự thảo nghị định hồi cuối năm ngoái yêu cầu các công ty kỹ thuật quốc tế thành lập các trung tâm dữ liệu và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này khiến các cư dân mạng lo ngại về mức độ an toàn đối với địa chỉ IP khi họ truy cập internet. Nghị định này cũng không cho phép các blogger nặc danh hay ẩn danh.

CPJ nói nghị định vừa kể buộc các công ty internet và các nhà cung cấp dịch vụ phải hợp tác với chính quyền thực thi các luật lệ bao quát không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền và đề ra một mối đe dọa lớn đối với quyền riêng tư và tự do bày tỏ quan điểm của công dân.

Các chiến thuật Việt Nam áp dụng để đàn áp quyền tự do báo chí bao gồm sử dụng các luật lệ mơ hồ về chống phá nhà nước để trấn áp các ký giả mạng, dùng công an mạng để theo dõi các hoạt động trên net, thành lập đội ngũ các dư luận viên tuyên truyền có lợi cho nhà nước và phản biện các ý kiến chỉ trích nhà nước trên các diễn đàn mạng. Phúc trình CPJ
CPJ cho biết chiến dịch trấn áp internet của nhà nước Việt Nam nhắm vào các blogger đang ngày một gia tăng, với 13 nhà báo tự do lãnh án tù hồi gần đây chủ yếu vì các bài viết trên mạng.

Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, ba blogger nổi tiếng trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG bị kêu án với mức cao nhất 12 năm vì các bài viết mà Hà Nội cho là lạm dụng internet để phá hoại lòng tin nhân dân đối với nhà nước.

Hồi tháng 8, hai blogger Đinh Đăng Định và Lê Thanh Tùng bị tuyên án tổng cộng 11 năm tù vì tội danh tương tự, "tuyên truyền chống nhà nước".

Theo CPJ, các ký giả mạng tại Việt Nam là một thách thức trước sự kiểm duyệt độc tài lâu nay của nhà nước đối với báo chí, truyền thông. Việc phê phán chính phủ và phanh phui tham nhũng của quan chức nhà nước trên mạng đã khiến giới hữu trách xem các luồng thông tin qua mạng lưới này là một mối đe dọa cho quyền hành của họ. 

Trước báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cuối tháng rồi, Việt Nam bị tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ở Pháp liệt kê là một trong 10 nước có nền tự do báo chí tồi tệ nhất toàn cầu, với vị trí giữ nguyên 172/179 quốc gia trong bảng xếp hạng về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2013 do RSF thực hiện.

Phóng viên Không biên giới cũng nhận xét rằng tình hình tự do báo chí tại Việt Nam đang ngày càng xuống cấp trầm trọng và Việt Nam từ vị trí thứ ba đã nhảy lên hàng thứ hai trong danh sách các nước cầm tù nhiều cư dân mạng nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.


Nguồn :VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét