Trang chính

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Phóng Sự Lao Động Việt – 30/07/2013: Lao động tỵ nạn trên đất Thái Lan

Bảo Ngọc,Lao Động Việt
30/07/2013 chao@laodongViet.org
 Những người tỵ nạn đến từ Việt Nam, họ ở trong những ngôi nhà thuê tồi tàn trên đất Thái. Hàng ngày họ phải bươn trải lao động bằng đủ thứ nghề mong sao đủ tiền ăn và tiền thuê nhà sau khi đã phải vượt hàng nghìn km để trốn chạy cộng sản.

LDV Thailand Picture1



Tỵ nạn ở Thái Lan- ông Viên, cựu sỹ quan thiết giáp (Ảnh: LĐV)

Trong phóng sự này, những phóng viên của Lao Động Việt đã tìm hiểu những người lao động là người tỵ nạn trên đất Thái Lan. Họ đến từ khắp các nẻo quê Việt Nam : Bắc Trung Nam , Cộng Hòa đều có. Họ cũng xuất thân từ đủ mọi thành phần , tôn giáo tại Việt Nam như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, cựu sỹ quan quân lực VNCH, người Kh’me, H’Mong… Nhưng có một mẫu số chung đó là họ đều là những người tỵ nạn cộng sản và là những người lao động nghèo.
Chúng tôi đến thăm cộng đồng người Tỵ nạn có gốc Kh’me , tại đây họ làm đủ nghề để sống như quét dọn chợ, phu khuân vác xây dựng, nhặt ớt… để kiếm sống. Do tình trạng định cư là bất hợp pháp so với luật pháp Thái Lan nên những người này không có giấy tờ để đi xin việc chính thức. Ngoài ra để làm chui thì hàng ngày số tiền lương còn bị các ông chủ cắt lại một phần để lo cho cảnh sát Thái có thể bỏ qua cho các lao động này. Chúng tôi đã nói chuyện với ông Viên,ông Viên là cựu sỹ quan thiết giáp quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975 thì ông phải đi tù của cộng sản rồi ra tù tiếp tục bì đày đọa . Cuối cùng ông và 2 con phải vượt biên sang tỵ nạn tại đất Thái Lan.
Hàng ngày ông Viên phải dậy từ 5h sáng để đi làm phụ hồ xây dựng. Công việc chính của ông là tìm các công trình xây dựng để cùng người con trai 17 tuổi lao động. Nhưng do lao động bất hợp pháp trên đất Thái nên đồng lương khá rẻ mạt so với công sức lao động do ông bỏ ra một ngày . Số tiền công do nghề phụ hồ xây dựng chỉ được 200 baht/ngày (Khoảng 140 nghìn đồng Việt Nam) trong khi cũng công việc đó nếu là người Thái sẽ được trả 400-450 baht/ngày. Đó là chưa kể đến tiền xe buýt đi hàng 20-30 km cả đi về từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại.
Để đáp ứng được nhu cầu cho 4 người sinh hoạt, ông Viên hàng ngày sau khi đi làm về hoặc tranh thủ hôm trời mưa không có việc phải phụ cùng vợ và một số gia đình tỵ nạn khác để nhặt ớt kiếm sống. Tiền công lao động cho 1 Kg ớt được nhặt cuống là 10 baht (Khoảng 7 nghìn đồng Việt nam). Nếu lao động cật lực cả ngày thì mỗi người cũng chỉ  nhặt được khoảng 5kg ớt. Như vậy theo ông Viên và gia đình cho biết :” Số tiền phu hồ và nhặt ớt không đủ cho tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống… Nhiều lúc phải nhờ anh chị em mỗi người giúp một ít. Cuối tháng đến hạn tiền nhà là méo mặt “.
LDV Thailand Picture2
Ông Sơn cùng vợ bên núi ớt cần phải nhặt (Ảnh: LĐV)

“ Mặc dù làm đủ mọi công việc vất vả nhưng cuộc sống của những người tỵ nạn trên đất Thái Lan vẫn rất khó khăn “

Nói về công việc khiến người ta có thể sụn lưng mà đồng công rẻ mạt này ông Sơn là một người tỵ nạn cùng lao động như  vợ chồng ông Viên cho biết :” Vợ chồng tôi làm việc này hai năm nay rồi kể từ khi qua tỵ nạn. Đồng công thì rẻ mạt nhưng không có giấy tờ đành phải làm. Vừa đau lưng lại vừa hại mắt do ớt cay lắm…”
Bên cạnh cộng đồng người Kh’me chăm chỉ với nghề xây dựng và nhặt ớt thì cộng đồng người H’mong từ Lào Cai chạy qua Thái Lan tỵ nạn do bị đàn áp tôn giáo cũng trung thành với nghề xây dựng, phụ nữ thì có nghề giúp việc cho các quán ăn người Thái.Anh Hòa là một người H’mong đã sang Thái tỵ nạn gần 1 năm qua cho biết :” Chúng tôi nam thanh niên thì đi khuân gạch, vác hồ cho các công trình xây dựng. Bình quân mỗi ngày được 250 baht tiền công nhưng mà phải trốn cảnh sát Thái không thì lại mất tiền để ông chủ chạy chọt..” . Để đảm bảo cuộc sống thì vợ anh phải đi rửa bát thuê cho một tiệm phở của người Thái nhưng cũng chưa chắc đảm bảo cuộc sống.
Tâm sự với Lao Động Việt , những người lao động là người Tỵ nạn trên đất Thái chỉ muốn được giúp đỡ nhanh chóng có quy chế tỵ nạn chính thức từ LHQ hoặc được có công ăn việc làm ổn định hơn để trang trải cuộc sống đang khó khăn hàng ngày của họ. Đó cũng là mong ước của Lao động Việt để chia sẻ một phần nỗi khó khăn với bà con.
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét