Trang chính

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Bức thư của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ gửi ông Trương Tấn Sang và lãnh đạo Hà Nội về chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua của ông Chủ tịch


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền viện
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Saigon



Phật lịch 2557
Số : 05/TT/VT/TT


Đồng kính gửi :
Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCNVN,
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CHXHCNVN,
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam,
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Thưa quý Ông,

Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi viết thư này để nói lên ý kiến của Phật giáo đồ chúng tôi về tình hình đất nước nói chung, và chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.

Từ một đế quốc phải đánh đổ và tiêu diệt, nhưng nay Chủ tịch nước lại hớn hở bắt tay Tổng Thống Hoa Kỳ Obama mong cầu hợp tác và viện trợ. Chứng tỏ cái nhìn của Đảng đã bắt đầu thay đổi.

Mười thế kỷ trước đây, các triều đình quân chủ nước ta đã sử dụng nền ngoại giao khôn khéo, tuy trung thuận triều cống Bắc phương, nhưng chủ quyền không mất một tấc đất, một thước biển, quốc thể cũng như quốc phong chưa một lần bị hạ nhục.

Chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Chủ tịch Nước hôm 19 đến 21 tháng 6 vừa qua để lại những hình ảnh không mấy vui cho người dân Việt biết tự trọng. Chưa kể mười văn kiện hợp tác lép vế, đánh mất chủ quyền và nền chính trị độc lập của dân tộc.

Trái lại, chuyến công du vừa qua tại Hoa Thịnh Đốn với sự tiếp đón của Siêu cường Dân chủ thế giới là Hoa Kỳ đã giúp ông Chủ tịch Nước không phải khom lưng lần thứ hai như đã trải qua ở Bắc Kinh.

Với bức thư này, tôi muốn đi thẳng vào vấn nạn có nguy cơ mất nước với nền ngoại giao đu dây phi chiến lược của Đảng và Nhà nước.


Tuyên bố chung Việt - Trung tại Bắc Kinh ngày 21.6 đã xác định chủ trương xâm lược của Trung quốc với sáu chữ “Hai hành lang, một vòng đai”. Chẳng khác chi chính sách tằm ăn dâu đối với Đài Loan khi Bắc Kinh chủ trương“Hai chế độ, một quốc gia”.

Khi việc đã thấy rõ, tất không thể không lo liệu. Kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc. Tôi hy vọng dù ngồi cao trên ngôi báu, quý ông vẫn còn muốn đóng vai trò sĩ phu.

Chẳng cần vận giải thống kê, số liệu, ai cũng thấy quảng đại nhân dân chưa no ấm, hạnh phúc, nhất là chẳng có tự do, nhân quyền. Ai cũng biết Việt Nam tụt hậu ít cũng 20 năm so với các nước láng giềng trong vùng.

Nguy biến hơn, quần đảo Hoàng Sa và 9 đảo trong quần đảo Trường Sa đã bị Trung quốc xâm chiếm, hàng nghìn cây số đất đã mất khi ký Hiệp định trên Đất liền năm 1999. Thác Bản Giốc, Ải Nam quan, cũng như hiện trạng những thị trấn người Hoa chễm chệ dựng lên trên quê hướng ta, là điển hình cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang tiến hành. Thế mà quý ông vẫn không chịu noi gương Phi Luật Tân dùng Luật Biển đưa vấn đề tranh chấp ra trước LHQ để bảo vệ chủ quyền.

Xu thế địa cầu ngày nay đã thoát ly chiến tranh lạnh, bước vào kỷ nguyên hợp tác, đối thoại. Phong trào Toàn cầu hóa Kinh tế và Toàn cầu hóa Dân chủ do các quốc gia Âu Mỹ đề xướng là lợi thế khách quan mà nước ta không có được vào những năm 1945 hay 1954.
Thưa quý Ông,

Tại sao chúng ta không chớp lấy thời cơ để hồi sinh và phát triển đất nước ?

Đó là nói trên phạm vi đối ngoại.

Còn đối nội thì sao ?

Ai không biết định hướng xã hội, và ý thức hệ Mác-Lê đã thất bại, không đem lại tự do, no ấm cho nhân sinh. Cuộc thăm dò ý kiến vừa qua để sửa đổi Hiến Pháp, quý ông đã thấy mọi tầng lớp nhân dân, trong hay ngoài Đảng, từ giới trí thức tới dân chúng công nông, ai cũng gào kêu phải dân chủ hóa đất nước theo chiều hướng đa nguyên, đa đảng.

Không vì trào lưu, mà bây giờ Phật giáo đồ và Giáo hội chúng tôi mới cất lời kêu gọi cho dân chủ. Bản thân đạo Phật trong đời sống thường nhật của tứ chúng, bao gồm chư Tăng, chư Ni, nam và nữ Cư sĩ đã sống theo tinh thần Lục Hòa của Đức Phật, mà Lục Hòa là gì nếu không là đời sống dân chủ của phương Đông.

Ngày 21.2.2001, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi đã công bố “Lời Kêu Gọi Cho Dân chủ Việt Nam”thông qua một chương trình 8 điểm.

Tết Ất Dậu, 2005, tôi lại gửi “Thư Chúc Xuân” đến quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng đồng bào các giới, gọi kêu một Liên minh dân tộc để thực hiện dân chủ hóa Việt Nam. Bởi vì tôi nghĩ rằng, phi dân chủ, Việt Nam sẽ không bao giờ hồi sinh thành một quốc gia phát triển, đồng thời ngăn chận móng vuốt xâm lăng.

Từ trước cho đến bây giờ, tôi quan niệm không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không, để Giáo hội hậu thuẫn hay bác bỏ. Trong kinh sách Phật giáo, Ðức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh.

Ở nước ta, các quốc sư Phật giáo dưới các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần… vin vào thái độ chính trị bao dung, trí tuệ như thế, nên đã cố vấn các vua làm cho đất nước hưng thịnh. Gặp lúc biến, các thiền sư cũng tham gia chống ngoại xâm. Ðuổi xong giặc, các ngài trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.

Giới Tăng Ni không tham gia chính trị. Nhưng hai chúng nam nữ Cư sĩ sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v...

Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử sống tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Ðài nước ngoài mươi năm trước, tôi có ngỏ lời đề nghị Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Hãy xem gương các Ðảng cộng sản ở các nước Ðông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng. Thế mà ở các nước đó, dân chúng vẫn có người bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, thì có mất gì đâu.

Miễn là mọi đảng phái quốc gia khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn ; các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn.

Ngay từ bây giờ, phải tức thời cho các xã hội dân sự tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, đồng thời thiết lập những thiết chế dân chủ. Muốn được như vậy, tiên quyết phải có tự do, nhân quyền, để mỗi người và mọi thành phần xã hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho.

Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ 38 năm qua trên đất nước. Ðời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam ngày nay.

Thử trầm tĩnh nghĩ xem, có phải là “đảo chính” qua lá phiếu dân chủ vẫn hơn là những cuộc đảo chính bằng bạo loạn ? Cứ như tình hình đè nén, áp bức hiện tại, chóng hay chầy, bạo loạn là chuyện đương nhiên sẽ xẩy tới.

Chẳng nên nghĩ rằng hễ có công an cho đông, nhà tù cho nhiều, và quân đội hùng mạnh là sẽ giữ được quyền bính mãi mãi. Chỗ dựa vững chắc nhất của một chế độ chính trị là lòng dân.

Vài ý kiến nung nấu sau một thời gian dài trong chiến tranh, rồi hàng chục năm trong nhà tù Xã hội Chủ nghĩa, tôi kêu gọi quý ông đừng bỏ lỡ cơ hội nghìn năm, nghĩ tới 90 triệu dân và nguy cơ mất nước, mà khởi động tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Trân trọng và trông chờ.


Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 5.8.2013
Đệ Ngũ Tăng Thống, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ

2 nhận xét:

  1. Có một điều như thế này, tôi tưởng rằng đã là một nhà sư thì phải quên đi thời thế, sống ăn chay niệm phật thôi chứ.Sao giờ lại đòi tham gia vào cả thế sự thế này? Tôi nên hiểu ông Thích Quảng Độ không phải là một Đức tăng chân chính hay tôi nên nghĩ rằng ông bị bọn phản động hientinhvn này mạo danh đây? Chấm dứt ngay trò hề này đi bọn phản động ạ

    Trả lờiXóa