Trang chính

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Tin chiến sự tuần này: Sân khấu mới ở Thái Bình Dương

Mỹ và các nước đồng minh đang tiến hành những bước đầu tiên để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Robert Haddick
Ngày 16-9-2011
Tuần qua Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã bay sang San Francisco để gặp gỡ những người đồng nhiệm đến từ Úc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký kết thành lập khối hiệp ước quân sự ANZUS tại Presidio, San Francisco. Hiệp ước được ký vào thời điểm Chiến tranh Lạnh sắp bắt đầu, khi Mỹ và các đồng minh còn đang bị kẹt trong cuộc chiến tranh đẫm máu chống hồng quân Trung Hoa ở Triều Tiên. Sự kiện trong tuần ở San Francisco này là một nỗ lực đổi mới hiệp ước quân sự nói trên, trong bối cảnh Trung Quốc đang là bóng ma ám ảnh hội nghị.

Sáu thập niên đã trôi qua kể từ đó, Chiến tranh Triều Tiên dường như vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chỗ đứng của các lực lượng quân sự Mỹ ở Đông Á. Ở phía tây bắc Thái Bình Dương, không quân, hải quân, bộ binh của Mỹ vẫn tiếp tục đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, có vẻ tập trung vào nguy cơ xung đột lại nối lại ở bán đảo Triều Tiên. Thái độ hung hăng của Bắc Triều Tiên, kéo dài từ năm 1950, đòi hỏi phải có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở tây bắc Thái Bình Dương. Trong những thập niên qua, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xây dựng một cấu trúc căn bản nhằm trợ lực cho sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của họ, cái mà họ đã thiết lập từ lâu.
Nhưng tiềm lực không quân và hải quân ngày càng mạnh của Trung Quốc và việc họ ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông rất có khả năng sẽ đẩy nhiệm vụ quân sự quan trọng nhất đi xa 2000 dặm khỏi nơi các lực lượng Mỹ trong khu vực hiện đang đóng. Sự bất xứng này có lẽ không có tác động gì tới các vị bộ trưởng Mỹ và Australia đang tụ tập ở San Francisco kia.
Bên cạnh việc cam kết hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực an ninh mạng (an ninh mạng là một vấn đề ngày càng bị cho là nảy sinh từ Trung Quốc), Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các khu vực huấn luyện quân sự của Australia, thiết lập trước các thiết bị quân sự ở Australia, sử dụng các cảng và cơ sở vật chất của Australia, và đưa ra các lựa chọn cho những hoạt động quân sự chung trong khu vực.
Bước tiến triển này trong việc hợp tác về quân sự với Australia diễn ra tiếp sau các động thái ngoại giao tương tự của Mỹ xung quanh khu vực Biển Đông. Vào năm 2005, Mỹ và Singapore ký một hiệp định khung chiến lược về hợp tác quân sự, mà tới năm nay đã được mở rộng thêm bằng một điều ước nhằm triển khai tàu chiến của hải quân Mỹ tới Singapore. Việc mở rộng thêm hiệp định như vậy sẽ làm tăng khả năng hải quân Mỹ hỗ trợ các hoạt động huấn luyện quân sự đa phương mà họ vẫn đi đầu thực hiện hàng năm với các đối tác trên khắp Biển Đông.
Tuy nhiên, Washington có vẻ như đang áp dụng một cách tiếp cận khác biệt rõ nét trên vùng tây nam Thái Bình Dương. Không như điều ước ký với Nhật Bản và Hàn Quốc, các hiệp định mới với Australia và Singapore, cùng với các thỏa thuận hạn chế khác với Philippines và các nước khác trong khu vực, không kêu gọi Mỹ phải đóng quân vĩnh viễn ở những nước này. Cả Mỹ và các đối tác trong khu vực đều có lợi ích trong việc duy trì “sự hiện diện tăng cường” của quân đội Mỹ trong khu vực. Nhưng các căn cứ và đơn vị đồn trú dài hạn ở Hàn Quốc và Nhật Bản đang hao mòn dần, đặc biệt ở Okinawa, nơi cộng đồng dân cư địa phương đã trở nên thù địch với quân Mỹ. Ngoài ra, những hạn chế tại các khu vực huấn luyện quân sự trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm hỏng tính cơ động của quân Mỹ và khiến sự có mặt của họ không còn hữu ích.
Có lẽ mô hình mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ định hình để áp dụng đối với Australia, Singapore, và khu vực Biển Đông, đòi hỏi phải tập trận thường xuyên, phải được quyền ra vào vĩnh viễn các cơ sở của nước chủ nhà, và tham vấn thường xuyên các sĩ quan và cố vấn. Để tập trận hoặc để đối phó với khủng hoảng, không quân và bộ binh Mỹ phải bay vào và tiếp cận trước các trang thiết bị, cơ sở vật chất, sau đó hải quân Mỹ mới tiến vào sớm. Phương pháp này sẽ giúp Mỹ tránh được các xích mích, va chạm về chính trị mà họ từng gặp phải ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và cho phép quân Mỹ cứ tiếp tục đóng tại các căn cứ ở Mỹ, nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, điều kiện sống thoải mái hơn đối với các quân nhân và gia đình họ.
Phương pháp mới này trong việc mang lại an ninh cho khu vực tây Thái Bình Dương, về căn bản, vẫn là lý thuyết, và sẽ phải chịu sức ép ngày càng tăng nếu cuối cùng quân Trung Quốc đe dọa con đường Mỹ vào khu vực. Nhưng nếu mô hình thành công, nó sẽ đặt ra sự cần thiết phải duy trì các đơn vị đồn trú hiện nay ở Okinawa và Hàn Quốc, mà trong trường hợp nào, các đơn vị đó cũng càng ngày càng không thể trụ vững được, một khi mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc tăng lên. Cái khó cho các nhà chiến lược quân sự và giới ngoại giao là họ sẽ phải triển khai mô hình quân sự linh hoạt hơn này, trong khi đó lại vẫn phải đảm bảo với các đối tác trong khu vực rằng lời cam kết về an ninh của Mỹ vẫn kiên định như bất kỳ lúc nào. Khi sức ép gia tăng, cái khó này không dễ được hóa giải.
Quân đội có cần chuẩn bị cho một kế hoạch huấn luyện nữa với quy mô như ở Afghanistan không?
Tuần qua, cảnh sát Afghanistan và quân đội quốc tế mất 20 tuần để trấn áp quân phiến loạn Taliban khi chúng tấn công vài địa điểm quan trọng trong nội ô Kabul, trong đó có cả tổ hợp Đại sứ quán Mỹ. Đại sứ Mỹ Ryan Crocker nói rằng vụ tấn công “không phải cái gì lớn lắm”, trong khi đó tư lệnh liên quân, Đô đốc John Allen, thừa nhận là Taliban “đã chiến thắng về thông tin trong vụ này”. 11 thường dân Afghanistan, bốn cảnh sát, và 10 phiến quân đã thiệt mạng trong giao tranh.
Mặc dù cuộc tấn công không cho thấy nhiều về năng lực quân sự của Taliban, cũng không có ảnh hưởng kéo dài, nhưng nó đặt ra câu hỏi về việc liệu các nỗ lực huấn luyện lực lượng an ninh Taliban có đang đi đúng hướng. Tuần trước, Viện Rand Corporation phát hành báo cáo “Hỗ trợ lực lượng an ninh ở Afghanistan”, một bản nghiên cứu chi tiết về chương trình huấn luyện và các bài học rút ra cho những kế hoạch đào tạo với quy mô lớn trong tương lai. Báo cáo mô tả các thách thức to lớn, cụ thể trong trường hợp Afghanistan và đưa ra hàng loạt đề xuất cải thiện chương trình.
Lầu Năm Góc và phần còn lại trong chính phủ Mỹ đã hiểu thêm nhiều về sự trợ giúp dành cho lực lượng an ninh ở Afghanistan. Các nhà hoạch định chính sách đã gần đạt tới đồng thuận rằng chương trình hỗ trợ thành công ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng phải là một cách hiệu quả, chi phí thấp, để vừa ngăn chặn xung đột vừa làm giảm rủi ro Mỹ phải can thiệp quân sự trong tương lai. Vấn đề đặt ra cho Lầu Năm Góc là liệu trường hợp Afghanistan, với độ khó khăn cao như thế, có phải là kịch bản chuẩn mực mà các lực lượng Mỹ phải chuẩn bị đối phó không.
Trong thời gian tiến hành nghiên cứu tại hiện trường, các tác giả ở Viện Rand Corporation phát hiện thấy vô số hạn chế trong chương trình hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan. Nghiên cứu diễn ra vào năm 2009, đúng vào lúc chính sách của Mỹ ở Afghanistan trải qua một cuộc đại tu, nhiều thay đổi diễn ra trên tầng lãnh đạo cao cấp nhất, và một luồng lớn quân chi viện, trang thiết bị, tiền được đổ vào khu vực. Các nhà nghiên cứu thấy là nỗ lực trợ giúp ở Afghanistan thiếu một sự liên kết chăt chẽ với các đòi hỏi thật sự về an ninh ở nước này, thiếu các biện pháp thích hợp để đo mức độ thành công, và không phù hợp với năng lực yếu kém của phần còn lại trong chính phủ Afghanistan. Bất chấp những khó khăn rất lớn trong việc phải huấn luyện một đội quân bản xứ ở một nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá với tỷ lệ mù chữ rất cao, từ năm 2009 đến nay, tình hình đã có nhiều tiến triển, một số tiến bộ xuất phát từ tương tác giữa các nhà nghiên cứu và đội ngũ sĩ quan huấn luyện ở Afghanistan.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ rất hy vọng là có thể sử dụng sự trợ giúp lực lượng an ninh để bảo vệ khu vực, giúp đối tác ngăn ngừa các hành động nổi loạn, hành vi vô chính phủ, và giảm sức ép đảm bảo an ninh toàn cầu lên quân đội Mỹ. Trợ giúp về an ninh và huấn luyện về quốc phòng là các nhiệm vụ thông thường của lực lượng đặc nhiệm. Nhưng yêu cầu về đào tạo ở Afghanistan và Iraq lớn đến mức các lực lượng truyền thống cũng được huy động vào công việc này. Quân đội Mỹ đã xây dựng học thuyết mới và viết các tài liệu hướng dẫn cho những đơn vị chiến đấu truyền thống nào được bổ về làm công việc trợ giúp đào tạo.
Nhưng cắt giảm thật mạnh ngân sách của Lầu Năm Góc vẫn là nỗi ám ảnh. Quân đội Mỹ đang đối diện với nguy cơ cắt giảm đáng kể cả cấu trúc lực lượng lẫn ngân sách huấn luyện (quả thật, công việc trợ giúp an ninh ở Afghanistan đang bị cắt giảm mạnh). Quân đội Mỹ hình dung các lực lượng chiến đấu của họ đã làm chủ được “khả năng hoạt động bao trùm”, từ tấn công cường độ mạnh và tinh vi đến “bảo đảm an ninh trên diện rộng”, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ chính quyền dân sự, và trợ giúp lực lượng an ninh.
Nhưng giảm nhân lực và vật lực cho việc huấn luyện chắc chắn sẽ đòi hỏi các quan chức phải xác định ưu tiên và lựa chọn. Còn về việc trợ giúp cho lực lượng an ninh Afghanistan, các nhà lãnh đạo của Lầu Năm Góc sẽ phải đánh giá xem bao nhiêu nguồn lực cần được chi cho việc chuẩn bị những đơn vị chiến đấu trên bộ để huy động vào nhiệm vụ đào tạo. Các nhà làm chính sách liệu có phải dự đoán một kịch bản hỗ trợ với quy mô như ở Afghanistan “trường hợp tồi tệ nhất” không, đòi hỏi những nguồn lực đào tạo vượt xa năng lực của lực lượng đặc nhiệm? Nếu có, thì ở những lĩnh vực nào họ sẽ sẵn sàng đón nhận rủi ro?
Trong thập niên qua, lính Mỹ đã tìm hiểu thêm nhiều về huấn luyện các lực lượng an ninh bản địa. Kỹ năng trong việc trợ giúp lực lượng an ninh là tài sản lớn của Mỹ, cũng như tàu khu trục, máy bay phản lực chiến đấu hay là tên lửa. Và kỹ năng ấy sẽ phải cạnh tranh với những tài sản khác trong tình hình khủng hoảng ngân sách tiếp tục ám ảnh.
Ảnh: Mỹ và Australia thử nghiệm một kế hoạch quân sự mới ở Tây Nam Thái Bình Dương.
Đỗ Quyên dịch từ Financial Times
Nguồn: Anh Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét