Trang chính

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Trung Quốc lại đe dọa Ấn Ðộ tìm dầu trên biển Đông



Ấn Ðộ giữ nguyên ý định

BẮC KINH (TH) - Bắc Kinh lại tiếp tục những lời đe dọa cả Hà Nội và New Delhi là nếu hai nước hợp tác dò tìm dầu khí trên Biển Ðông tức là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Công nhân làm việc cho PetroVietnam, công ty hợp tác với Ấn Ðộ về thăm dò dầu khí ngoài khơi Khánh Hòa và Ninh Thuận, dù thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc đang lớn tiếng đe dọa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

“Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi với các quần đảo trên Biển Ðông và lập trường của chúng tôi căn cứ trên các bằng chứng hoàn toàn của lịch sử và pháp lý.” Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói như vậy trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011.
“Bất cứ nước nào thăm dò dầu khí ở trong vùng này mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc cũng đều xâm phạm chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia Trung Quốc, mà như vậy là bất hợp pháp và vô giá trị.”
Hồng Lỗi nói thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan (dò tìm dầu khí biển Ðông) phải hiểu lời tuyên bố, lập trường, quyền và lợi ích của Trung Quốc, tuân theo Bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Ðông để kềm chế đừng có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp và gia tăng tranh chấp.”
Dịp này, Hồng Lỗi lập lại cái mánh cũ về thương thuyết theo kiểu có lợi cho Bắc Kinh khi nói: “Những nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp qua các cuộc đàm phán song phương.”
Lời tuyên bố này của Hồng Lỗi nhắm đến cả hai phía Việt Nam và Ấn Ðộ.
Khi được hỏi việc Ấn Ðộ hợp tác với Việt Nam dò tìm dầu khí trên Biển Ðông có phải xin phép Bắc Kinh hay không thì Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc có bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh rằng Trung Quốc đã khám phá ra các quần đảo ở biển Nam hải “từ đời nhà Hán và đến đời nhà Ðường thì đã thiết lập cai quản hành chính với các quần đảo ở đó.”
Hôm Thứ Sáu tuần qua, hãng tin Express News Service cho hay Ấn Ðộ sẽ vẫn hợp tác với Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Ðông và coi đây là một trong những vấn đề ưu tiên mà Ngoại Trưởng S. M. Krishna thảo luận ở Hà Nội.
Nguồn tin này thuật lời ông Vishnu Prakash, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ấn, “Dò tìm dầu khí là một lãnh vực quan trọng của sự hợp tác (với Việt Nam) và chúng tôi muốn lãnh vực hợp tác này phát triển. Chúng tôi hợp tác với Việt Nam hay bất cứ nước nào và luôn luôn căn cứ trên luật lệ, công ước và chuẩn mực quốc tế.”
Từ nhiều tháng qua, hãng dầu ONGC Videsh của Ấn đã thảo luận với đối tác Petro Vietnam và dự tính dò tìm dầu khí ở hai lô 127 và 128 (ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận), dự trù ký bản ghi nhớ có thể trước cuối năm nay và bắt đầu dò tìm từ năm tới.

Bản đồ dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. (Hình: Internet)
Hai lô 127 và 128 tuy hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) nhưng lại nằm trong đường “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc lấp lửng tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Ðông.
Lời tuyên bố của ông Prakash đưa ra dù có lời cảnh cáo từ bà Khương Du, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh. Báo chí Bác Kinh thì đua nhau đe dọa dùng cả biện pháp quân sự để ngăn cản.
Hôm Thứ Sáu tuần trước, phản ứng về những lời phát biểu đe dọa từ Bắc Kinh, Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội đưa ra lời tuyên bố: “Việt Nam khẳng định các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với tập quán và thực tiễn quốc tế và các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết. Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị.”
Nhiều học giả và các chuyên viên nghiên cứu về Biển Ðông của Việt Nam đã trình bày qua các bài viết và các cuộc hội thảo những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng tỏ Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ cho hay những gì phía Trung Quốc đưa ra chỉ là những tài liệu ngụy tạo nhằm hậu thuẫn cho tham vọng lãnh thổ và chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc. (TN)
Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét