Trang chính

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

MỸ TRỞ LẠI CÁC CĂN CỨ CŨ Ở CHÂU Á


 Trong lúc chính phủ của tổng thống Obama thay đổi chiến lược để hướng về châu Á, Ngũ giác đài bận rộn thăm viếng các căn cứ quân sự mà họ từng sử dụng tại khu vực này trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam.

Mấy tuần nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường đối thoại với Thái Lan về việc thiết lập một trung tâm ngăn ngừa thảm họa thiên nhiên cấp khu vực, tại một căn cứ quân sự từng là căn cứ của các máy bay ném bom B-52 trong những năm 1960 và 70.

 Các giới chức Mỹ cho hay họ cũng quan tâm đến việc tăng các chuyến thăm của chiến hạm  Mỹ đến Thái, các chuyến bay tuần tra chung nhằm giám sát các tuyến hàng hải thương mại và sự lưu chuyển quân sự trong khu vực.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã trở thành giới chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ thăm cảng Cam Ranh kể từ sau chiến tranh. Nhận xét rằng nơi đây "có tiềm năng vô cùng to lớn", Panetta bày tỏ hy vọng về tương lai trong đó các tàu của Mỹ có thể trở lại thường xuyên tại cảng nước sâu có vị trí chiến lược quan trọng này.

  Lầu Năm góc cũng đang tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn ở Philippines, kể cả tại căn cứ hải quân ở vịnh Subic, cũng như căn cứ không quân cũ Clark Air Base. Đây từng là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á và là điểm hậu cần quan trọng bậc nhất cho quân đội Mỹ trong thời chiến tranh ở Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Việt Nam . Ảnh: AP.
Quân đội Mỹ, vài thập niên trước đây, đã từ bỏ hoặc bị đẩy khỏi các căn cứ ở Đông Nam Á.

Nay các quốc gia ở khu vực này đang chìa những bàn tay thận trọng ra với cường quốc đến từ tây bán cầu.

Đáp lại, các giới chức của Lầu Năm góc đang hối hả đến khu vực này, đẩy nhanh tốc độ các cuộc thương thảo và củng cố mối quan hệ.

Sự trở lại cho đến nay mới dừng lại ở mức hạn chế, như việc ghé cảng và tập trận chung, tuy nhiên chính quyền Mỹ hy vọng rằng những hoạt động này sẽ dẫn đến một sự hiện diện rộng hơn và sâu hơn của họ trong khu vực.

"Về mặt biểu tượng, những vị trí đó thực sự gắn liền với lịch sử", một giới chức quốc phòng Mỹ không nêu tên, nói. "Một phần lý do của việc xúc tiến với các nước này là vì tính biểu tượng đó".

Giới chức Mỹ cho hay họ không hề có ý định tái lập các căn cứ quân sự khổng lồ như trước kia.

Mỹ cũng không có ngân sách để xây dựng một cơ sở mới. Vì thế họ đang tìm cách để có thể hoạt động ở những căn cứ cũ với tư cách mới - là những vị khách, và với những khoảng thời gian ngắn nhất định.

"Tôi không vác bó cờ Mỹ trên vai để đi khắp thế giới và cắm cờ", tướng lục quân Martin E. Dempsey, tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với các phóng viên sau khi trở về từ chuyến thăm Thái Lan, Philippines và Singapore tháng này.

 "Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ đối tác với các nước và hiện diện không thường xuyên, bởi điều đó cho phép chúng ta xây dựng sức mạnh chung dựa trên các mối quan tâm chung".

Quân đội Mỹ, trong những năm qua, đã được phép đến thăm hoặc tổ chức diễn tập chung ở nhiều mức độ khác nhau tại các căn cứ cũ. Tuy nhiên việc thương thảo để đẩy mạnh sự hiện diện này được tổ chức cấp bách hơn kể từ tháng giêng năm nay, khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố rằng Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, sau một thập kỷ tập trung quá nhiều vào các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Căn cứ hải quân Subic ở Philippines, nơi Mỹ từng đóng quân trong thế kỷ trước. Ảnh: Wikipedia.
Washington khẳng định mối quan tâm của họ không phải là nhằm kềm chế Trung cộng - nước đang có tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với nhiều quốc gia láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Giới chức Mỹ nói rằng mục tiêu căn bản của họ là duy trì ổn định và  bảo đảm  an toàn và tự do hàng hải trong khu vực đang có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, trong đó có Trung cộng.

  Nhưng các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi chiến lược của Mỹ là điều cần thiết để  bảo đảm  với các đồng minh rằng Washington sẽ duy trì các cam kết an ninh của mình ở châu Á và là đối trọng hiệu quả với Trung cộng, bất chấp thực tế là ngân sách quốc phòng Mỹ đang bị cắt giảm mạnh mẽ.

"Đây là một trò chơi lâu dài, là xu hướng lâu dài", Patrick M. Croninm, giám đốc  của chương trình an ninh châu Á Thái Bình dương thuộc Trung tâm an ninh Hoa Kỳ Mới, một cơ sở nghiên cứu có  gần gũi với chính quyền Mỹ, cho biết.

 "Mỹ đang làm tốt nhất những gì họ có thể làm, với những gì họ có trong tay.

Vấn đề là liệu các nỗ lực này có được duy trì bền vững hay không, đó chính là điều mà các nước trong khu vực đang đặt ra câu hỏi".

Sau nhiều năm lơ là Thái Lan, quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn kể từ đảo chính 2006, các giới chức cấp cao của Lầu Năm góc nay đang "tái xuất hiện " Bangkok. Chuyến thăm vừa rồi của Dempsey là lần đầu tiên một tham mưu trưởng liên quân Mỹ đến Thái Lan trong hơn một thập kỷ.

Tiếp đến, thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm Thái tháng 7 này. Bangkok cũng đã đưa ra lời mời đối với Bộ trưởng Panetta, sau khi hai bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau tại Singapore đầu tháng 6.

Hai nước đang bàn tính việc thiết lập một trung tâm quân sự hỗn hợp nhằm đối phó các thảm họa thiên nhiên như bão tố, sóng thần... Trung tâm này sẽ được đặt tại căn cứ không quân của quân đội Hoàng gia


Thái Lan ở

 

U-Tapao, cách Bangkok 150 km về phía nam.

Quân đội Mỹ chẳng xa lạ gì với U-Tapao, nơi họ từng xây dựng phi đạo  dài 2 dặm - dài nhất châu Á - trong thập niên 60. Đây là nơi luyện tập và tiếp liệu chính của quân đội Mỹ trong những năm chiến tranh ở Việt Nam.

Mỹ rút khỏi U-Tapao năm 1976 theo yêu cầu của chính phủ Thái Lan.

Những năm 1980, Washington và Bangkok dần dần nối lại hợp tác quân sự.

Chính phủ Thái đồng ý cho không quân Mỹ sử dụng U-Tapao như một trạm dừng chân cho các chuyến bay quân sự đến Trung Đông. Căn cứ này cũng là trung tâm của các cuộc tập trận Hổ Mang Vàng, hoạt động ban đầu chỉ có Mỹ và Thái tham gia nhưng nay đã có 20 quốc gia góp mặt.

Những địa điểm mà Mỹ đang ngắm nghía ở Đông Nam Á. Đồ họa: WP

Giới chức Mỹ chưa đề cập gì đến số lượng binh sĩ mà họ muốn đưa đến U-Tapao, cũng như các nhiệm vụ quân đội Mỹ sẽ thực hiện, nếu kế hoạch lập trung tâm đối phó thiên tai được hiện thực hóa.

Tình trạng thiếu thông tin đã tạo nên những nghi vấn trên báo chí Thái Lan và các nghị sĩ đối lập, những người đang lập dự án riêng,cho phép NASA điều hành các chuyến bay giám sát tình trạng biến đổi khí hậu, cất cánh từ U-Tapao vào mùa thu này.


 Các giới chức Trung cộng  cũng bày tỏ lo ngại về việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự.

Catharin Dalpino,

cựu giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là chuyên gia về Đông Nam Á, cho biết bất kỳ thỏa thuận quân sự Mỹ - Thái nào cũng sẽ chỉ ở mức độ "vừa phải". Bà chỉ ra rằng lịch sử hợp tác với Thái Lan cho thấy nước này luôn song hành cùng cả hai siêu cường, và sẽ không ký bất cứ thứ gì có thể gây mất lòng Washington hay Bắc Kinh.

"Người Thái có mối quan hệ lâu dài và tích cực với Trung cộng, nhưng họ không thấy điều đó mâu thuẫn với việc duy trì mối quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ", bà nói.

Hải quân Mỹ đang chuẩn bị  khai triển  các phi cơ không người lái đến khu vực châu Á Thái Bình dương vào khoảng năm 2014.

Theo các kế hoạch hiện tại, phi cơ không người lái sẽ có căn cứ ở Guam, nhưng các giới  chức Mỹ cũng đang tìm kiếm các đối tác châu Á sẵn sàng làm chủ nhà cho các phi cơ này.

Thanh Mai (theo Washington Post)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét