Trang chính

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Người Việt sống bất hợp pháp ở Campuchia sẽ bị trục xuất?

Ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng đối lập Cứu quốc trả lời báo chí sau khi ông trở về Campuchia  ngày 19/7/2013Ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng đối lập Cứu quốc trả lời báo chí sau khi ông trở về Campuchia ngày 19/7/2013
Photo: Quốc Việt/RFA
Biện pháp siết chặt quản lý người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Campuchia, trong đó có người Việt, được đem ra bàn luận sau khi lãnh tụ đảng đối lập trở về. Quan chức cao cấp thuộc đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen cho biết trong nhiệm kỳ mới, chính phủ sẽ thẳng tay trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Số phận người Việt sống bất hợp pháp tại Campuchia sẽ ra sao?
Kiểm soát chặt chẽ luật xuất nhập cảnh
Phát biểu với RFA, Phó chủ tịch thứ hai của Quốc hội Campuchia là bà Khuon Sodary cho biết Việt Nam là láng giềng tốt. Việt Nam không có ý đồ xâm chiếm Campuchia sau chiến thắng của quân tình nguyện Việt Nam năm 1979.
Đảng viên của CPP là thành phần then chốt quan trọng trong quá trình đánh đuổi Khmer Đỏ, là người có lòng yêu nước. Do đó chính phủ đương thời không lý do nào nới lỏng luật xuất nhập cảnh để công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp.
Theo bà Khoun Sodary, thống kê của chính phủ Phnom Penh cho biết tính đến nay đã có 95.000 người nhập cư vào Campuchia đến từ 11 quốc gia khác nhau. Nhưng theo bà, số liệu nói trên có thể chưa chính xác so với thực tế, vì có rất người Việt nhập cư bất hợp pháp sang lao động tại xứ này.
Chính phủ mới của Nhiệm kỳ V, sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ mới của đảng CPP có cương lĩnh chính trị rõ ràng siết chặt công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là người Việt Nam
Bà Khuon Sodary
Bà Khuon Sodary cho biết: “Chính phủ mới của Nhiệm kỳ V, sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ mới của đảng CPP có cương lĩnh chính trị rõ ràng siết chặt công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là người Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ mới sẽ áp dụng luật xuất nhập cảnh một cách chặt chẽ, đồng thời theo dõi các chính quyền cấp dưới không để cấp quốc tịch cho công dân nước ngoài tùy tiện.”
Cộng đồng người Việt sống tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, (ảnh chụp ngày 9/7/2013) Photos: Quốc Việt/RFA
Cộng đồng người Việt sống tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, (ảnh chụp ngày 9/7/2013) Photos: Quốc Việt/RFA

Phát biểu vừa nêu của bà Khuon Sodary được đưa ra sau khi ngày càng có thêm nhiều người dân Campuchia ủng hộ cương lĩnh chính trị của đảng đối lập, đồng thời phê phán chính phủ đương thời dâng đất cho Việt Nam, nới lỏng luật pháp, tham nhũng và để người Việt nhập cư bất hợp pháp mà không có biện pháp ngăn chặn cụ thể.
Số liệu người nhập cư mà Phó chủ tịch thứ hai của Quốc hội Campuchia đưa ra đang bị phản ứng vì dư luận cho rằng không dưới 4 triệu người Việt đang sống hợp pháp và bất hợp pháp tại xứ chùa Tháp.
Tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang có khoảng 2.377 người Việt đang sinh sống bất hợp phát trên biển Hồ. Trưởng ấp khẳng định với RFA rằng chính phủ Campuchia đang lập danh sách để buộc hồi hương người Việt mới sang lập nghiệp.
Trưởng ấp Kandal là ông Đỗ Văn Ôn cho biết: “Chưa bỏ thăm thì thấy cuộc sống bà con vẫn bình thường. Nhưng sau khi bỏ thăm, các ngành sẽ đưa bà con lên bờ hết. Bây giờ chính quyền đang lập danh sách. Đối với thành phần nào mới sang sẽ buộc hồi hương. Nếu sự thật xảy ra như vậy thì bà con chỉ biết nhờ Hội đồng Bảo an LHQ để ủng hộ bà con Kiều bào dân tộc thiểu số. ”
Bài toán nan giải của Campuchia
Hàng năm chính phủ của Thủ tướng Hun Sen tổ chức kỷ niệm sự kiện chiến thắng ngày 7/1, bày tỏ lòng biết ơn đối với các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam mà chính phủ đương thời cho rằng đã cống hiến và hy sinh xương máu để chiến đấu giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và góp phần vào công cuộc khôi phục, xây dựng lại đất nước. Do đó, việc chính phủ mới của ông Hun Sen muốn cải cách chính trị, trục đuổi người Việt nhập cư trái phép sẽ còn phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chỉ riêng số liệu người nước ngoài nhập cư được chính phủ Phnom Penh tung ra, đã khác hẳn với con số phía Việt Nam khẳng định trước đó.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) từng đề xuất Thủ tướng Hun Sen hồi năm 2011 cấp quốc tịch cho người Việt đang sống tại Campuchia khoảng hơn 300.000 người.
“Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng trên 300.000 cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Campuchia. Trong đó, có nhiều thế hệ nhiều người Việt sinh sống tại Campuchia lâu đời nên hầu như đã được Campuchia hóa. Vì vậy, dù có nguồn gốc dân tộc khác nhau nhưng nếu có nơi cư trú ổn định, làm ăn sinh sống hợp pháp thì cộng đồng người Việt tại Campuchia sẽ có cuộc sống ổn định, chấp hành tốt luật pháp của Campuchia.
Chúng tôi kính mong Ngài Thủ tướng Hun Sen sớm chỉ đạo xem xét giải quyết cấp các loại giấy tờ tùy thân, nhập tịch cho cộng đồng người Việt tại Campuchia.”
Đối với đảng Cứu quốc, ông Sam Rainsy tuyên bố rằng đảng đối lập có cương lĩnh chính trị rõ ràng về vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là người Việt Nam. Theo ông, chính phủ của ông sẽ tiến hành truy quét trên toàn quốc đối với người Việt nhập cư bất hợp pháp.
Luật xuất nhập cảnh có quy định đối với những trường hợp di cư bất hợp pháp, tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Hun Sen mấy chục năm nay không đề cập đến thực trạng này. Ông Sam Rainsy phản ánh tình trạng 24 tỉnh thành Campuchia đang có người Việt bất hợp pháp, di cư tự do, nên cần nghiên cứu kỹ để xử lý tình huống này.
Đảng đối lập sẽ tìm biện pháp ôn hòa phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế để đòi lại quần đảo và vùng đất mà Campuchia mất mát trước đó. Xem xét lại công tác cắm mốc biên giới và những Công ước được ký kết...Đảng đối lập cũng sẽ giải quyết di cư tự do và người nhập cư bất hợp pháp bằng luật xuất nhập cảnh
Ông Sam Rainsy
Ông Sam Rainsy phát biểu với RFA: “Đảng đối lập sẽ tìm biện pháp ôn hòa phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế để đòi lại quần đảo và vùng đất mà Campuchia mất mát trước đó. Xem xét lại công tác cắm mốc biên giới và những Công ước được ký kết khiến Campuchia phải mất đất. Đảng đối lập cũng sẽ giải quyết di cư tự do và người nhập cư bất hợp pháp bằng luật xuất nhập cảnh.”
Còn tại cửa khẩu Poi Pet thuộc tỉnh Banteay Meanchey của Campuchia giáp biên giới Thái Lan, có một làng Việt Nam với khoảng trên 3.000 người. Phần lớn sống bất hợp pháp. Ông Nguyễn Thành Lâm khó tin chính phủ ông Hun Sen có thể buộc người Việt hồi hương.
“Vụ nếu chính phủ ông Hun Sen tiếp tục được đề cử, họ buộc người Việt Nam về nước, chắc không có đâu. Theo chuẩn đoán của tôi là không có vụ đó. Khoảng hai tháng trước, có công an tỉnh Banteay Meanchey và công an Bộ Nội vụ kêu Việt kiều ở Poi Pet về họp ở tỉnh Banteay Meanchey để làm giấy tờ hai năm một lần, và đóng 250.000 Riel (1 triệu 3 trăm ngàn Đồng) mà nhiều người phản đối, không chịu. Cuối cùng, bà con người Việt chỉ có giấy tờ từ Chi hội Việt kiều và công an Campuchia cấp để sinh sống tại Campuchia.”
Giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ tới của Thủ tướng đương thời và đảng đối lập. Mặc dù, theo thống kê của chính phủ Campuchia, nước này chỉ có 95.000 người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, tuy nhiên giới trí thức Campuchia ước tính có khoảng 4.000.000 người Việt đang sống tại Campuchia.
Tuy họ đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế, nhưng các vấn đề về an ninh và phân biệt đối xử liên quan đến số người cư trú bất hợp pháp đang là một bài toán khó cho chính quyền của Thủ tướng Hun Sen.
Có ý kiến cho rằng sự xâm nhập của người Việt với số lượng quá lớn vào Campuchia được tiếp tay bởi những viên chức quản lý Bộ Nội vụ và những doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp. Đây cũng đã trở thành đường dây làm ăn của các quan chức cấp cao, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét