Mai Hà - Đức Huy (Thanh Niên) - Trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và tỉnh Phú Yên, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã vò đầu bứt tai kêu khó do mâu thuẫn giữa việc phát điện cạnh tranh và xả nước để đảm bảo tưới cho vùng hạ du.
Chỉ mất vài năm để thực hiện thị trường cạnh tranh thực sự, thông qua việc tái cơ cấu lại EVN cho hợp lý, thành một tập đoàn chỉ nắm việc bán lẻ, tách hoàn toàn khâu bán buôn thành các tổng công ty độc lập, để các nhà máy cạnh tranh thực sự với nhau, giá bán, giờ phát được bình đẳng
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN
Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết kể từ khi xây dựng 3 nhà máy thủy điện Krông H’năng, Sông Ba Hạ và Sông Hinh trên lưu vực sông Ba, nguồn nước về hạ lưu sông Ba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nhà máy tích nước phát điện. Ông Chế Bá Hùng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận, việc hạ lưu sông Ba thường xuyên thiếu nước là do các nhà máy không duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.
“Không thể bán được điện”
Về phía thủy điện, ông Dương Quốc Vương, phụ trách Nhà máy thủy điện Sông Hinh, thuộc Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, giải thích năm nay nguồn nước về hồ thủy điện này rất dồi dào nên đến cuối tháng 4.2012, nước vẫn đầy hồ. Nhưng khi triển khai phát điện cạnh tranh từ 1.7, thì nhà máy không thể bán được điện do EVN không đồng ý mua, mặc dù nhà máy chào giá bán điện không quá cao. Có thời điểm nhà máy chỉ chạy máy cầm chừng 2 giờ/ngày đêm, trong khi hạ lưu thì đang khô khát.
Trong khi đó, trước bức xúc của tỉnh Phú Yên, EVN liền phát văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ và Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu 2012 theo đề nghị của tỉnh, trong đó Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ cung cấp nước liên tục 14 giờ mỗi ngày. Trước tình hình này, ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ nói, nếu chạy 14 giờ mỗi ngày, nhà máy sẽ nhanh chóng hết nước và lỗ thêm do giá bán điện lại thấp. Do đó, ông Tuần đề nghị, EVN cần cân nhắc giữa việc cấp nước cho hạ du và việc mua điện từ các nhà máy thủy điện, đảm bảo sự hài hòa hợp lý.
Một đại diện của Hiệp hội Năng lượng VN phân tích, “cái khó” ở chỗ nhiều nhà máy muốn phát cũng không được phát, do lượng phát, giờ phát trong ngày của các nhà máy bao nhiêu vẫn do EVN (thông qua Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia - A0) điều phối. Lãnh đạo một nhà máy thủy điện ở Phú Yên (xin giấu tên) tiết lộ: “EVN ưu tiên mua điện ở các nhà máy thủy điện có giá rẻ, thấp hơn giá 563 đồng/kW/h, thậm chí có đơn vị chỉ chào giá 300 đồng/kW/h”. Ông Đặng Văn Tuần cũng cho biết, trước yêu cầu cấp nước cho vùng hạ du của tỉnh Phú Yên, đã có thời điểm thủy điện Ba Hạ phải chào giá 0 đồng (chỉ hưởng 95% giá sàn - PV) để được chạy máy.
Đại diện một nhà máy thủy điện cũng “tố”, lúc thiếu điện thì không sao, nhưng lúc thừa điện, EVN lập tức ép giá, huy động thời gian phát rất ít, thậm chí các nhà máy thủy điện nhỏ phải đắp chiếu nằm đấy do không được huy động.
Sông Ba trơ đáy vì thủy điện không xả nước - Ảnh: Đức Huy
Không mua trong nước lại mua mắc ở nước ngoài
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN phân tích, nhà máy thủy điện phải thực hiện nhiều mục tiêu, vừa phát điện, vừa chống lũ, chống hạn. Vận hành vì lợi nhuận nên nhà máy nào cũng muốn tích nước, dự trữ cho phát điện, nhưng như thế hạ lưu sẽ thiếu nước. Không chỉ sông Ba, rất nhiều dòng sông cũng đang trong tình trạng này. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công thương phải xử lý triệt để, rốt ráo quy trình vận hành, điều tiết nước các hồ, yêu cầu các nhà máy phải chạy máy, xả đủ nước cho hạ lưu, nếu không người dân sẽ chịu thiệt thòi. Ông Ngãi cũng cho rằng, giai đoạn này đang thừa điện, không có lý do gì các nhà máy không xả nước.
Xây dựng quy trình điều tiết nước
Để giảm dần tình trạng thủy điện “làm khổ” hạ du, theo một chuyên gia, cần xây dựng quy trình điều tiết nước các hồ thủy điện, nhất là trên các sông có nhiều bậc thang thủy điện, cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ việc tích nước, xả nước của các nhà máy, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trên thực tế, theo nhiều nhà máy, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bán điện cho EVN của các nhà máy thủy điện chỉ 500 - 550 đồng/kWh. Với giá điện này hầu hết các nhà máy đều lỗ, dẫn tới tình trạng càng phát nhiều giờ trong ngày thì lỗ càng nặng.
Trong khi đó EVN vẫn mua điện từ Trung Quốc với giá khoảng 1.300 đồng/kWh, gấp 2 - 3 lần giá mua điện của các nhà máy thủy điện, cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, vừa phía bắc thường xuyên không được huy động. Cụ thể, theo Tập đoàn Hưng Hải - chủ đầu tư nhiều nhà máy thủy điện, 12 tỉnh phía bắc hiện nay vẫn sử dụng nguồn mua điện từ Trung Quốc.
Được biết lý do vì EVN bị ràng buộc bởi hợp đồng khi không tiêu thụ hết điện theo hợp đồng đã ký, nếu điện chạy ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất thì bị phạt nên ưu ái mua điện Trung Quốc hơn. Dẫn tới giờ cao điểm, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm công suất.
Theo ông Ngãi, mấu chốt vấn đề vẫn là phải nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng một tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ như hiện nay. “Chỉ mất vài năm để thực hiện thị trường cạnh tranh thực sự, thông qua việc tái cơ cấu lại EVN cho hợp lý, thành một tập đoàn chỉ nắm việc bán lẻ, tách hoàn toàn khâu bán buôn thành các tổng công ty độc lập, để các nhà máy cạnh tranh thực sự với nhau, giá bán, giờ phát được bình đẳng. Vấn đề không khó, nhưng có quyết tâm thực hiện hay không. Càng quyết sớm người dân càng có lợi, như bây giờ, nói là cạnh tranh nhưng làm gì có cạnh tranh”, ông Ngãi nói.
Mai Hà - Đức Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét