Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Lý do Trung Quốc đoạt nhiều huy chương Olympics

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Hiến chương của tổ chức Thế Vận (Olympics) đề ra bảy nguyên tắc căn bản chi phối mọi hoạt động của tổ chức thể dục thể thao quốc tế này, trong đó điều thứ hai khẳng định “sử dụng thể thao như một phương tiện phát triển tình hòa ái giữa con người, với ý định để xiển dương một xã hội hòa bình quan tâm đến việc bảo tồn phẩm cách của con người.” 
Sự kiện Trung Quốc không những đoạt nhiều huy chương mà còn đoạt rất dễ dàng như trường hợp cô gái Ye Shiwen 16 tuổi bơi nhanh hơn cả Ryan Lochte trong 50 mét cuối của cuộc đua 400 mét, đã làm các nhà phân tích thể thao đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu cô ta thật sự có tài năng hay bị chích thuốc mà tổ chức Olympics chưa khám phá ra?
Lời tố cáo của báo chí và các nhà phân tích gây ra nhiều tranh luận nhưng không phải là không căn cứ. Cho đến nay, Trung Quốc đã thắng nhiều huy chương chỉ vì Trung Quốc chủ trương thắng bằng mọi giá, gian lận và dùng cực hình để huấn luyện trẻ em trở thành những người đem giải về cho chế độ bất chấp các nguyên tắc đạo đức và luật pháp quốc tế. 
Chủ trương thắng bằng mọi giá là một chủ trương truyền thống của các chế độ độc tài CS 
Giới lãnh đạo CS Trung Quốc xem Olympics như là một mặt trận, giống như các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, trong đó Đảng trực tiếp chủ trương, tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu và phải chiến thắng bằng mọi phương tiện và bất chấp sự khinh thường của nhân loại. 
Đọc lại lịch sử các chế độ Cộng Sản, từ Đông Đức dưới thời Erich Honecker, Rumani dưới thời Nicolae Ceausescu trước đây cho đến Cộng Sản Trung Quốc ngày nay, Olympics là môi trường để tuyên truyền, đánh bóng cho chế độ. Sự thành công của các đoàn lực sĩ Cộng Sản tạo cơ hội cho Đảng giới thiệu đến thế giới một khuôn mặt trẻ trung, mạnh khỏe của đất nước nhưng thực chất là để che giấu bên trong một chế độ lạc hậu, thối nát và đang rã mục. 
John Leonard, chủ tịch Hội các bầu bơi lội Mỹ, là một trong những người công khai đặt vấn đề về tính hợp pháp của Ye Shiwen khi ông phát biểu “Ye Shiwen đã gợi lại hình ảnh của những lực sĩ bơi lội Đông Đức trước đây.” Ý của John Leonard muốn nhắc đến nữ lực sĩ Đông Đức Petra Schneider, 5 lần vô địch thế giới, cuối cùng đã thừa nhận cô bị chế độ CS Đông Đức tiêm thuốc và chính cô năm 2005 đã yêu cầu Ủy Ban Thế Vận xóa bỏ kỷ lục thế vận do cô lập nên trước đó. 
Petra Schneider
Quá trình trưởng thành của Petra Schneider từ khi còn thơ ấu cho đến ngày đại diện Đông Đức tham dự Thế Vận Hội Moscow 1980 cũng không khác gì cuộc đời của Ye Shiwen và các lực sĩ Trung Quốc. 
Khi được khám phá có khả năng trở thành vô địch, cô bé Petra Schneider bị tách ra khỏi gia đình và được đưa đến một trung tâm huấn luyện. Tại đây Petra được gọi bằng số thay vì tên. Số của cô, từ đó cũng sẽ là tên cô, là 137. Tại trung tâm này, cô bé số 137 trong mỗi bước đi đều được dạy để mang vinh quang bơi lội về cho “Tổ quốc Cộng Hòa Dân Chủ Đức”. Để gia tăng khả năng chịu đựng của buồng phổi, cô bé số 137 buộc phải bơi trong một bình lớn bị hút cạn dưỡng khí. Cô bé 137 được nuôi dưỡng chẳng khác gì gà tây được nuôi trong nông trại. Cô bị chích thuốc để kích thích các bắp thịt mạnh thêm. Cô bị chích nhiều đến nỗi, khi vào tuổi giữa 30, Petra Schneider đã bị nhiều thứ bịnh. 
Chế độ độc tài Nicolae Ceausescu là một ví dụ khác. Sau khi chế độ Nicolae Ceausescu sụp đổ, báo chí quốc tế khám phá ra đời sống thật của đất nước Rumani không trẻ trung, khỏe mạnh, tài ba như các em trong đoàn lực sĩ từng đoạt huy chương vàng toàn đội môn thể dục dụng cụ tại Thế Vận Hội Los Angeles 1984 hay huy chương bạc tại Thế Vận Hội Seoul 1988 mà là hàng ngàn em bé thiếu dinh dưỡng đang chết đói trong các trại mồ côi, các bịnh viện nhi đồng không ai chăm sóc. Thảm trạm của trẻ em tại Rumani trầm trọng đến mức sau ngày cách mạng dân chủ thành công, vợ chồng Nicolae Ceausescu đã bị tòa quyết định xử bắn vì tội diệt chủng. 
Trung Quốc là ông tổ gian lận quốc tế 
Ye Shiwen
Ye Shiwen đã thẳng thắn từ chối lời tố cáo của nhiều người rằng cô ta đã dùng thuốc. Phái đoàn lực sĩ Trung Quốc tham gia Thế Vận đã phản ứng mạnh mẽ trước những tố cáo và cho đó là lời kết án không bằng chứng. Tại lục địa, làn sóng công phẫn đang dâng cao trong giới trẻ vì họ cho Anh, Mỹ lần nữa đang hạ nhục Trung Quốc. Bài ai điếu “100 năm sỉ nhục” đang lần nữa được cất lên. Có thể Ye Shiwen đã không dùng thuốc. Tuy nhiên, dân Trung Quốc, trong và ngoài lục địa đừng quên rằng lịch sử các cuộc tranh tài bơi lội quốc tế của Trung Quốc là lịch sử chứa đầy gian lận. Trong những năm qua, cả bầu lẫn lực sĩ bơi lội Trung Quốc bị bắt gian lận nhiều lần, nhiều đến nỗi không ai nhớ hết. 
Tại Á Vận Hội Hiroshia 1994, mười một lực sĩ Trung Quốc bị loại vì sử dụng thuốc và 9 huy chương vàng bị thu hồi. Trong dịp đó, giới lãnh đạo CS Trung Quốc mặt dày chẳng những không biết nhục, không nhận lỗi mà đã tố cáo ngược chính phủ Nhật đã phân biệt chủng tộc trong việc thử nghiệm máu. 
Năm 1997, hàng loạt lực sĩ trong đó có cả ông bầu Trung Quốc đã bị đuổi ra khỏi giải Vô Địch Bơi Lội Thế Giới tổ chức tại Perth, Úc. Thậm chí trong đoàn lực sĩ Trung Quốc còn có một tên bị hải quan bắt khi trong xách hành lý của y chứa nhiều loại thuốc đủ cho cả đoàn dùng trong suốt thời gian tranh giải. 
Trong thập niên 1990, số lực sĩ Trung Quốc bị khám phá dùng thuốc gần bằng một nửa tổng số vi phạm trong tất cả các loại thể thao toàn thế giới. Như trường hợp của Petra Schneider tại CS Đông Đức trước đây, việc sử dụng thuốc kích thích cơ năng trong thân thể là một phần quan trọng trong chủ trương “thắng bằng mọi giá” của đảng CS. 
Trong Thế Vận London lần này, thói quen huấn luyện của các lực sĩ bơi lội Trung Quốc vài tháng tại Úc và vài tháng tại lục địa cũng gây nhiều thắc mắc. Một số nhà quan sát nghi ngờ các lực sĩ Trung Quốc huấn luyện kỹ thuật tại Úc nhưng sau đó về lại lục địa để dùng thuốc. Sau khi thuốc thấm, họ trở lại Úc để luyện tập kỹ thuật. 
Wang Xiaoli và Yu Yang
Một hình thức vi phạm luật chơi trơ trẻn nhất là trường hợp “đánh để được thua” trong trận vòng xếp hạng giải cầu lông giữa Trung Quốc và Nam Hàn hôm 31 tháng Bảy vừa qua. Trong trận này, hai cầu thủ Trung Quốc Wang Xiaoli và Yu Yang chẳng những nhiều lần cố tình đánh cầu ra ngoài mà còn thậm chí tự đánh vào lưới để “được thua”. Lý do, Wang Xiaoli và Yu Yang không muốn đụng phải các cầu thủ Trung Quốc khác vừa là “đồng chí” và vừa khó thắng so với các cầu thủ các nước khác yếu hơn trong vòng tứ kết. Wang Xiaoli và Yu Yang là hai cầu thủ được xếp hàng đầu thế giới nhưng vẫn lo sợ bị thua và hành xử một cách tầm thường. Cầu thủ Yu Yang vừa tuyên bố từ giã bộ môn cầu lông nhưng không phải vì cảm thấy hổ thẹn hay hối hận nhưng vì Ủy Ban Thế Vận đã “tàn phá giấc mơ” của cô. Quả thật, một chế độ không biết nhục đào tạo ra những cầu thủ không biết thẹn. Cầu thủ cầu lông Petya Nedelcheva của Bulgary tố cáo Trung Quốc đã làm điều đó không chỉ một lần mà rất nhiều lần. 
Hôm qua, tờ Guardian của Anh mỉa mai rằng việc phê bình các cầu thủ cầu lông Trung Quốc “đánh để được thua” là oan cho các bạn trẻ này. Những lực sĩ Trung Quốc chỉ tuân theo chỉ thị “đoạt huy chương bằng mọi giá” của Đảng mà thôi. Để đạt được mục tiêu tối hậu đó, các cầu thủ Trung Quốc phải khéo léo thua những trận vòng ngoài. Nhiều nhà báo còn khinh bỉ Trung Quốc khi viết “đánh cho thua như các cầu thủ Trung Quốc cũng là một kỹ thuật và cũng không kém phần hồi hộp”. 
Cũng từ hôm qua, hệ thống truyền hình BBC ngưng chiếu hình ảnh các huy chương được trưng bày trên bàn trước khi mỗi giải chung kết bắt đầu. Đài không giải thích nhưng nhiều nhà báo cho rằng hành vi của các lực sĩ Trung Quốc đã làm ô nhuế giá trị cao quý của huy chương Thế Vận Hội. Ký giả Simon Jenkins của báo Guardian viết “Thế vận hội thời này là việc nhái lại trò của Hitler trong Thế Vận 1936” và nhà báo này viết tiếp “Cầu thủ Trung Quốc nên được chúc mừng vì sự khéo léo” trong trò “đánh để thua” của họ. 
Trung Quốc dùng cực hình để huấn luyện trẻ em trở thành vô địch 
Tại Trung Quốc không có một môi trường thể dục thể thao đúng với tinh thần do hiến chương của Tổ Chức Thế Vận đề ra mà chỉ có những chương trình tra tấn thiếu nhi để đem huy chương vàng về cho đảng CS. Lực sĩ các bộ môn thể thao tại Trung Quốc là một đội quân được trang bị và huấn luyện kỹ thuật từ khi còn tấm bé. 
Một em bé huấn luyện cho Olympics bị người huấn luyện đứng lên chân (nguồn dailymail.co.uk)
Bằng mọi giá - Nguồn dailymail.co.uk/news

Câu chuyện về gia đình của nữ lực sĩ môn nhảy nước Wu Minxia là một ví dụ. Gia đình của Wu Minxia đã phải giấu chuyện ông bà của cô ta qua đời để không ảnh hưởng đến việc tập luyện của con. Tại hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, một lực sĩ bao giờ cũng là phần không thể tách rời của gia đình. Cha mẹ, dù khó khăn bao nhiêu, cũng tìm mọi cách bám theo từng bước chân của con, cùng chia sẻ niềm vui khi thành công và đau buồn khi thất bại với con. Tại Trung Quốc thì khác. Cha cô, ông Wu Yuming than thở với báo Shanghai Morning Post “Tôi chấp nhận sự kiện từ lâu rồi con gái tôi không hoàn toàn thuộc về gia đình chúng tôi nữa. Tôi cũng không dám nghĩ đến việc sống như một gia đình hạnh phúc”. 
Sáng nay, 1 tháng Tám, ký giả Matt Blake của tờ Daily Mail trong loạt phóng sự có kèm theo những hình ảnh đau lòng, tố cáo sự tra tấn thô bạo của giới lãnh đạo thể dục thể thao Trung Quốc đối với trẻ em chỉ để đạt được mục đích chiếm càng nhiều huy chương càng tốt tại các giải thưởng thể thao quốc tế, nhất là tại các Thế Vận Hội. 
Ban giám hiệu các trường mẫu giáo và tiểu học Trung Quốc được chỉ thị phải lưu ý đến năng khiếu học sinh. Khi một học sinh thể hiện dấu hiệu có năng khiếu về một bộ môn thể thao nào đó, em tức khắc bị tách rời ra khỏi gia đình và trường học để được đưa đến một trung tâm huấn luyện. Cha mẹ không có quyền từ chối. Trung Quốc có khoảng ba ngàn trung tâm, và tại mỗi trung tâm có hàng ngàn lực sĩ tí hon đang được quan sát và huấn luyện. Trong trường hợp Ye Shiwen, cô bé được chọn vì cô có vóc dáng con trai rất bất bình thường thích hợp cho các môn điền kinh. Sau khi bị tách rời khỏi căn nhà hai phòng ngủ của gia đình ở Hàng Châu, Ye Shiwen được đưa vào trường thể thao Chen Jingluin, tuy nhiên, để được huấn luyện bơi lội. Khái niệm quyền và sở thích cá nhân không tồn tại trong ngành thể dục thể thao Trung Quốc. 

Khoảng 900 trẻ em được chọn từ các trường mẫu giáo mỗi năm tại Hangzhou 
và cha mẹ không thể từ chối - nguồn: http://www.dailymail.co.uk
Các chương trình tập luyện sức khỏe dành cho cô bé Ye Shiwen dù chỉ mới bảy tuổi đã vượt qua mức độ dành cho người lớn. Ye Shiwen bơi liên tục mỗi ngày từ sáng đến tối và chỉ nghỉ ngơi khi công nhân dọn dẹp, lau chùi hồ bơi. 
Mẹ của Ye Shiwen vừa trả lời với báo chí rằng “kết quả không quan trọng, nhưng Ye Shiwen nên cảm thấy vui mừng khi được tham gia thế vận”. Câu nói nặng mùi tuyên truyền này chỉ để trả lời báo chí. Nhiều người nghi ngờ bà có dám nói câu tương tự trước mặt giới lãnh đạo CS Trung Quốc hay không. 
Chính sách tẩy não là một phần quan trọng của chương trình huấn luyện. Các cầu thủ Trung Quốc được dạy phải hạ các cầu thủ Mỹ và bất cứ quốc gia nào để đoạt cho được huy chương vàng. Trên tường của các trung tâm huấn luyện sơn một chữ duy nhất: GOLD. Họ cũng được dạy cách cười, cách nhìn thiện cảm dành cho giám khảo, cách thể hiện trên khuôn mặt và tuyệt đối không được tỏ ra đau đớn hay yếu kém. Niềm vui duy nhất của Ye Shiwen là thức ăn của cô bé đầy đủ hơn bữa ăn của nhiều cô bé Trung Quốc khác cùng lứa tuổi. 
Chế độ huấn luyện dành cho các bộ môn thể thao khắc nghiệt đến nỗi các nhà điều tra Tây phương tìm cách xâm nhập vào để quan sát và đã kết luận đó là những nhà tù của thế kỷ 19.


Trẻ em Trung Quốc "trong trung tâm huấn luyện" (nguồn dailymail.co.uk)
Sir Matthew Pinsent, quan sát viên của tổ chức Thế Vận và cũng là một huy chương vàng Olympics, sau khi quan sát cách các lực sĩ Trung Quốc được huấn luyện môn thể dục dụng cụ đã nhận xét “thật là một kinh nghiệm bối rối” khi thấy những cảnh đó. Nhiều trẻ em khóc và kể lại các em bị các ông bà bầu đánh đập. Ủy ban Thế Vận hứa điều tra những lời tố cáo của Sir Matthew Pinsent nhưng đến nay chưa có biện pháp nào cụ thể. 
Sau 1978, chủ nghĩa bá quyền nước lớn của CS Trung Quốc không chỉ thể hiện trong lãnh vực quân sự, kinh tế, chính trị mà cả trong lãnh vực thể thao. Trung Quốc đang trên đường trở thành một đế quốc thực dân đỏ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Với một dân số 1.3 tỉ do một đảng CS độc tài và bất nhân lãnh đạo, thảm họa do chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc gây ra có khả năng vượt qua thảm họa do Stalin, Mao Trạch Đông và Hitler cộng lại. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang biến Trung Quốc thành một chảo dầu khổng lồ và khi phát cháy không chỉ cháy riêng Trung Quốc mà lan rộng sang nhiều quốc gia trong vùng và cả thế giới. Do đó, sự chậm trễ trong việc ngăn chận đế quốc tàn bạo này chỉ làm tăng thêm sự chịu đựng khổ đau cho nhân loại về sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét